Chia tách các nhóm môn học để thực hiện đánh giá qua nhận xét hoặc kết hợp nhận xét với điểm số; miễn học các môn giáo dục thể chất, âm nhạc, mỹ thuật nếu học sinh (HS) đạt thành tích cao… Đó là những điểm mới trong dự thảo Thông tư quy định về đánh giá HS bậc THCS, THPT theo Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 đang được Bộ GD-ĐT lấy ý kiến…
Học sinh THPT trong một hoạt động nhóm (ảnh minh họa)
Thông tư khi ban hành có hiệu lực từ năm học 2021-2022 cho khối 6, sau đó sẽ cuốn chiếu cho khối khác thực hiện Chương trình GDPT 2018 ở các năm học tiếp theo.
Kế thừa, điều chỉnh theo hướng có lợi cho học sinh
Nhiều năm liền đảm nhiệm vai trò giáo viên (GV) chủ nhiệm, thầy Nguyễn Thông (GV Trường THCS Nguyễn Du, Q.1) nhận định dự thảo thông tư đánh giá HS theo chương trình mới đã kế thừa những “ưu việt” của Thông tư 26 trong đánh giá HS trung học đang được áp dụng. Trọng tâm đánh giá nhằm phát huy phẩm chất, năng lực của HS, động viên khuyến khích HS kịp thời. Tính kế thừa đó giúp GV không lúng túng khi triển khai đánh giá HS giữa chương trình mới và chương trình hiện hành. Các phương thức đánh giá mà dự thảo đưa ra vẫn là đánh giá bằng nhiều phương pháp, hình thức, kỹ thuật và công cụ, kết hợp giữa đánh giá quá trình và đánh giá tổng kết, kết hợp đánh giá bằng nhận xét và bằng điểm số, kết hợp đánh giá của GV, HS và phụ huynh.
Dù kế thừa song theo thầy Thông, để đồng bộ với mục tiêu giáo dục toàn diện HS mà chương trình mới hướng tới, dự thảo đã mạnh dạn đưa ra nhiều điểm mới đáng hoan nghênh. “Điểm mới của dự thảo thể hiện rõ nhất qua cách xếp loại HS, không còn xếp loại HS yếu kém mà được thay bằng “chưa đạt” giúp nhẹ nhàng hơn. Bởi thực tế khi HS bị đánh giá là yếu kém thì thực sự buồn. Về phần rèn luyện, dự thảo cũng chỉ đưa ra 3 bậc là tốt, đạt và cần rèn luyện thêm. Điều này hết sức hợp lý bởi hiện nay rất ít GV hạ hạnh kiểm của HS, chỉ trừ những trường hợp vi phạm rất nghiêm trọng. Chính những thay đổi trong cách đánh giá sẽ giúp HS ngay cả khi bị phê bình, nhắc nhở các em cũng không cảm thấy quá nặng nề mà vẫn có động lực để cố gắng”, thầy Thông phân tích.
Đồng quan điểm, cô Phan Thị Thu Hiền (GV Trường THPT Phú Nhuận, Q.Phú Nhuận) nhìn nhận tính kế thừa của dự thảo trong đánh giá kết quả học tập của HS qua đánh giá thường xuyên kết hợp với đánh giá định kỳ giúp quá trình đánh giá đạt được cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Từ kết quả đánh giá sẽ cung cấp thông tin chính xác, kịp thời cho GV để có những điều chỉnh phù hợp trong quá trình dạy học, các hoạt động giáo dục, đạt được các mục tiêu giáo dục, hướng tới phát triển năng lực, phẩm chất của HS. Cạnh đó, việc kế thừa đánh giá bằng nhận xét cũng sẽ kịp thời giúp HS định hướng và điều chỉnh hoạt động học tập, rèn luyện phù hợp. “Trong dự thảo, việc đánh giá kết quả rèn luyện của HS với 3 mức độ là tốt, đạt, cần rèn luyện thêm sẽ giúp khuyến khích sự thay đổi theo chiều hướng tích cực của HS. Kiểm tra, đánh giá thường xuyên, định kỳ được thực hiện bằng nhiều hình thức phù hợp với tình hình thực tế, đáp ứng yêu cầu đổi mới của Chương trình GDPT 2018”, cô Hiền bổ sung.
Các môn học nên chung một hình thức đánh giá
Một trong những điểm mới đáng chú ý trong dự thảo so với thông tư đánh giá HS trung học hiện hành là phân tách nhóm môn học để thực hiện hoạt động đánh giá. Cụ thể, các môn giáo dục thể chất, nghệ thuật, âm nhạc, mỹ thuật; nội dung giáo dục địa phương, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp được đánh giá bằng nhận xét. Các môn học còn lại đánh giá bằng nhận xét kết hợp với đánh giá bằng điểm số. Ở điểm mới này, ông Hồ Tấn Minh (Phó Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD-ĐT TP.HCM) cho rằng không phù hợp, thay vào đó tất cả các môn học trong Chương trình GDPT 2018 cần có chung một hình thức đánh giá. “Về khoa học, các bộ môn được xây dựng trong Chương trình GDPT 2018 đang đi cùng một định hướng chung là hoàn thành yêu cầu cần đạt về mặt kiến thức, năng lực, phẩm chất của chương trình. Chưa có căn cứ khoa học để đánh giá các nội dung cùng mục tiêu giống nhau nhưng hình thức kiểm tra đánh giá lại khác nhau. Để đánh giá toàn diện quá trình giáo dục thì phải đảm bảo cùng hình thức mới đưa đến kết quả xếp loại HS mức này, mức khác. Tuy nhiên, không thể sử dụng kết quả các môn để xếp loại HS. Kết quả cuối năm học là kết quả đánh giá các môn không có xếp loại cuối năm như cách mà dự thảo thông tư thể hiện”, ông Minh nêu quan điểm.
Một điểm mới nữa trong dự thảo được thể hiện qua hình thức đánh giá bằng nhận xét, trong đó có sự “nhận xét của phụ huynh và các tổ chức cá nhân có liên quan, trong đó nêu rõ ưu điểm nổi bật, những điểm còn tồn tại, sự tiến bộ rõ nét của HS trong quá trình học tập, rèn luyện theo yêu cầu cần đạt quy định trong chương trình môn học”. Ông Minh đề nghị Bộ GD-ĐT nên bỏ nhận xét đánh giá của phụ huynh ra khỏi mục đích đánh giá. Nếu muốn thực hiện Bộ GD-ĐT cần phải tập huấn cho toàn thể phụ huynh về yêu cầu, mục đích của Chương trình GDPT 2018, tập huấn về phương pháp đánh giá.
Trong nội dung kiểm tra, đánh giá thường xuyên được dự thảo quy định, ông Minh đánh giá là chưa phù hợp với chủ trương, tính linh động cũng như mục tiêu đánh giá của Chương trình GDPT 2018. Ở nội dung này, theo ông Minh, tổ bộ môn, GV bộ môn xây dựng kế hoạch kiểm tra đánh giá thường xuyên, định kỳ của môn học trên cơ sở căn cứ yêu cầu cần đạt của chương trình (số điểm kiểm tra thường xuyên tối thiểu theo tổng số tiết năm học), cần quan tâm đến thời lượng lao động của GV khi thực hiện kiểm tra, đánh giá. Số lần, số điểm kiểm tra thường xuyên theo kế hoạch của nhà trường, tổ bộ môn sẽ áp dụng theo quy chế kiểm tra đánh giá của nhà trường, yêu cầu phải có điểm kiểm tra thường xuyên và có kế hoạch tổ chức kiểm tra đánh giá thường xuyên của GV. Kế hoạch môn học được xây dựng 2 học kỳ trong năm học và được tổ chức trong 1 học kỳ. Việc kiểm tra đánh giá thường xuyên nên giao cho nhà trường, tổ bộ môn và GV bộ môn quyết định bằng quy chế kiểm tra đánh giá của nhà trường, kế hoạch giáo dục của tổ bộ môn và kế hoạch giáo dục của GV đối với từng đối tượng HS… Ngoài ra, từ điều kiện thực tế tại TP.HCM, ông Minh cho hay, Bộ GD-ĐT cần làm rõ hơn quy định “thành tích cao” trong các môn học giáo dục thể chất, nghệ thuật, âm nhạc, mỹ thuật. Trong đó chỉ rõ thế nào được gọi là thành tích cao, thành tích được ai/ đơn vị nào ghi nhận, cần hướng dẫn cụ thể cách ghi học bạ đối với môn được miễn học. Cạnh đó, vì vai trò giáo dục đánh giá là như nhau nên điểm mới trong cách tính điểm trung bình cả năm của môn học nêu trong dự thảo khi định tính và định lượng trong học kỳ II nhiều hơn 2 lần so với học kỳ I là không phù hợp, cần thiết phải thay đổi.
Nhìn nhận một cách tổng quan, để không mâu thuẫn và đồng bộ hơn với mục tiêu của Chương trình GDPT 2018, theo ông Minh, ngay từ ban đầu dự thảo cần thay đổi các định nghĩa về đánh giá HS, đánh giá định kỳ, đánh giá bằng nhận xét… Đặc biệt, trên hết, để việc đánh giá tiến tới vì sự tiến bộ của HS, coi trọng việc động viên, khuyến khích sự cố gắng trong học tập, rèn luyện của HS, bảo đảm không so sánh giữa HS với nhau… thì trong dự thảo cần bổ sung quy định không sử dụng kết quả đánh giá để xếp loại HS trong lớp.
Bài, ảnh: Yến Hoa
Bình luận (0)