Chương trình giáo dục phổ thông 2018 bậc tiểu học hướng đến mục tiêu chung về phẩm chất là yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm. Chính vì thế, thoạt nhìn, nhiều nội dung ở các môn tương tự nhau, nhất là Đạo đức và Hoạt động trải nghiệm.
Theo tác giả, nắm chắc mục tiêu của chủ đề, bài dạy… là điều giáo viên cần phải làm để có thể thực hiện tốt Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở tiểu học (ảnh minh họa). Ảnh: N.Trinh
Nếu nghiên cứu kỹ, các thầy cô giáo sẽ thấy sự khác biệt trước tiên ở Đạo đức và Hoạt động trải nghiệm là Đạo đức là một môn học, còn Hoạt động trải nghiệm là hoạt động giáo dục bắt buộc, không phải môn học. Về mục tiêu, giáo viên cần tìm hiểu kỹ mục tiêu của môn Đạo đức về năng lực là năng lực điều chỉnh hành vi; năng lực phát triển bản thân; năng lực tìm hiểu và tham gia các hoạt động xã hội. Trong khi đó, mục tiêu về năng lực của Hoạt động trải nghiệm là năng lực thích ứng với cuộc sống; năng lực thiết kế và tổ chức các hoạt động; năng lực định hướng nghề nghiệp. Như vậy, nếu nắm chắc mục tiêu, các thầy cô giáo sẽ có được một định hướng đúng trong kế hoạch giảng dạy, kế hoạch bài dạy ở Đạo đức và Hoạt động trải nghiệm mà không thấy sự trùng lắp trong thiết kế bài dạy của mình.
Cụ thể hơn, ở môn Đạo đức lớp 2, chủ đề 7 – Quê hương em và Hoạt động trải nghiệm lớp 2, chủ đề 8 – Môi trường xanh, cuộc sống xanh (bộ sách Chân trời sáng tạo), nhiều giáo viên chưa nghiên cứu kỹ đã vội cho rằng sao không tích hợp vào một môn để khỏi phải dạy trùng lắp nội dung. Nếu giáo viên có sự nghiên cứu và so sánh mục tiêu sẽ thấy sự khác biệt rất rõ. Mục tiêu của chủ đề 7 – Quê hương em ở Đạo đức là: Nêu được địa chỉ của quê hương em; bước đầu nhận biết được vẻ đẹp của thiên nhiên và con người ở quê hương mình; thực hiện được việc làm thiết thực, phù hợp với lứa tuổi thể hiện tình yêu quê hương (yêu thương gia đình, kính trọng, biết ơn người có công với quê hương); nêu được những việc làm giữ gìn vẻ đẹp thiên nhiên ở quê hương; thực hiện được việc làm thiết thực, phù hợp với lứa tuổi để chăm sóc, bảo vệ vẻ đẹp của quê hương. Thế nhưng, mục tiêu của Hoạt động trải nghiệm, chủ đề 8 – Môi trường xanh, cuộc sống xanh lại là: Giới thiệu được với bạn bè, người thân về vẻ đẹp của cảnh quan ở địa phương; thực hiện được việc làm để chăm sóc và bảo vệ cảnh quan; nhận biết được thực trạng vệ sinh môi trường xung quanh; sử dụng một số dụng cụ lao động an toàn; thực hiện được một số việc làm phù hợp lứa tuổi để giữ gìn môi trường và cảnh quan trường lớp. Chưa kể đến, các yêu cầu hoạt động trong chủ đề ở Đạo đức và Hoạt động trải nghiệm cũng khác nhau. Chẳng hạn, ở môn Đạo đức cũng chủ đề 7 – Quê hương em, bài 13, phần Kiến tạo tri thức mới, hoạt động 1 yêu cầu học sinh: Giới thiệu với bạn về quê hương em và nêu cảm nhận của em về quê hương với gợi ý cụ thể (địa chỉ quê em; vẻ đẹp cảnh vật, con người quê hương em; cảm nhận của em về cảnh vật thiên nhiên và con người). Như thế, học sinh có thể chỉ trả lời đơn giản là quê em ở Bến Tre, nơi đây trồng rất nhiều dừa, người dân quê em rất hiền lành, em rất yêu cảnh vật và con người quê em. Thế nhưng, ở Hoạt động trải nghiệm, chủ đề 8, hoạt động 2 yêu cầu học sinh: Giới thiệu cảnh đẹp của địa phương em; nêu được nét đẹp nổi bật ở cảnh đẹp đó và cảm xúc của em khi đến thăm cảnh đẹp đó; học sinh có thể sử dụng hình ảnh minh họa cho cảnh đẹp mình giới thiệu. Như vậy, học sinh phải có trải nghiệm, tìm hiểu thực tế mới có thể thực hiện được yêu cầu hoạt động này.
Hiện nay, các môn học đều tích hợp trải nghiệm, đạo đức cũng vậy. Chính vì thế, khi dạy đạo đức, giáo viên cần chú ý nghiên cứu kỹ mục tiêu để tránh sự mở rộng, tích hợp trải nghiệm làm tiết đạo đức thêm nặng nề và trùng lắp với mục tiêu của Hoạt động trải nghiệm. Một tiết học ở bậc tiểu học chỉ có 35 phút, nắm chắc mục tiêu của môn, của chủ đề, của bài dạy là điều giáo viên cần phải làm để có thể thực hiện tốt Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở tiểu học.
Lê Phương Trí
(tác giả sách Đạo đức và Hoạt động
trải nghiệm lớp 2, bộ Chân trời sáng tạo)
Bình luận (0)