Vừa qua, tôi có đọc được một số đề ngữ văn thi vào lớp 10 của nhiều tỉnh. Cấu trúc các đề thi khá giống nhau. Trong phần kiểm tra đọc hiểu, các đề thường nêu lên một trích đoạn thơ hoặc văn xuôi và nêu lên 3-4 câu hỏi bên dưới. Câu 1 thường yêu cầu như: Đoạn trích từ tác phẩm nào, của ai? (tác giả là ai?), sinh năm nào? Cho biết hoàn cảnh sáng tác; ghi lại năm sáng tác, in trong tập thơ nào?… Thú thực tôi không hiểu tại sao lại hỏi về đọc hiểu như thế. Nếu một tỉnh, một trường thì có thể là cá biệt, ngoại lệ, nhưng xem ra đây là xu hướng chung, nên đành nói đôi điều. Trước hết tôi cũng biết, trong một đề thi cần có câu khó, câu dễ để học sinh bình thường có thể “gỡ điểm”. Nhưng thế nào là khó và dễ đôi khi không đơn giản. Hỏi bài thơ, trích đoạn truyện in trong tập nào, ra đời năm nào… đôi khi còn khó hơn nhiều lần các câu hỏi bám vào văn bản đã cho để hỏi. Hơn nữa, hỏi như thế chỉ kiểm tra trí nhớ thuần túy, buộc học sinh phải học thuộc, nhớ kỹ, nhắc lại nguyên xi các chú thích và phần tiểu dẫn nêu trong SGK; không cần suy nghĩ, chỉ khuyến khích việc ghi nhớ máy móc… Sau nữa và quan trọng hơn là hỏi thế để làm gì? Kiểm tra năng lực đọc hiểu văn bản là hướng đến việc đánh giá xem học sinh có hiểu văn bản, tác phẩm và có hiểu chính mình không. Vậy chỉ nên hỏi những gì liên quan mật thiết đến văn bản và giúp cho việc hiểu văn bản như vừa nêu. Biết một bài thơ/ truyện ngắn in ở tập nào, của ai, đoạn trích lấy từ tác phẩm nào?… liệu có giúp cho việc hiểu văn bản/ trích đoạn cụ thể ấy không? Về lý thuyết các yếu tố mang tính “bối cảnh” cũng ít nhiều giúp người đọc hiểu văn bản; nhưng không nhiều, không quyết định. Và vì thế cần rất thận trọng để giúp học sinh tránh suy diễn nội dung, ý nghĩa của tác phẩm từ các yếu tố ngoài văn bản ấy. Hiểu văn bản trước hết cần căn cứ vào các yếu tố thuộc văn bản, có trong văn bản như: Thể loại, câu chữ, hình ảnh, các biện pháp nghệ thuật, chi tiết, nhân vật, lời thoại… Người ra đề chỉ nên hỏi các yếu tố ngoài văn bản khi thấy yếu tố ấy thực sự có ý nghĩa, có liên quan và ảnh hưởng đến cách hiểu (nổi, chìm) của nội dung văn bản. Nếu thấy không liên quan, không ảnh hưởng gì, hỏi chỉ để kiểm tra trí nhớ, để đánh đố học sinh… thì không nên đưa vào câu hỏi đọc hiểu; làm hỏng quan niệm về câu hỏi đọc hiểu văn bản văn học. Đó cũng chính là lưu ý cần thiết khi dạy đọc hiểu văn bản văn học. Điều làm người ta nhớ đến một nhà văn là ông ấy có tác phẩm hay chứ không phải có tiểu sử đẹp. Các câu hỏi trên vẫn là câu hỏi có thể dùng kiểm tra nhưng là để phục vụ một mục đích khác, một cách đánh giá khác, trong kiểm tra bài cũ hoặc ở các cuộc thi như “Ai là triệu phú”, “Đường lên đỉnh Olympia” và nhiều trò chơi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Còn để đánh giá năng lực đọc hiểu văn bản văn học của học sinh, theo tôi không nên dùng các câu hỏi ấy. Rất mong các thầy cô giáo cân nhắc khi ra câu hỏi đọc hiểu, nhất là ở các kỳ thi quan trọng.
PGS.TS Đỗ Ngọc Thống
Bình luận (0)