Tại kỳ họp thứ 13, HĐND TP.HCM khóa X đã biểu quyết thông qua nhiều nội dung quan trọng, góp phần tạo sự đột phá toàn diện nhằm phát triển kinh tế – xã hội, ổn định an ninh chính trị – trật tự an toàn xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân…
Đại biểu Võ Thị Trung Trinh phát biểu tại kỳ họp
Chăm lo công tác an sinh xã hội
Các đại biểu cơ bản thống nhất và đánh giá cao những kết quả đạt được trong thực hiện nhiệm vụ kinh tế – xã hội TP năm 2023; nhiệm vụ giải pháp trọng tâm năm 2024.
Mặc dù tăng trưởng kinh tế TP chưa đạt như kỳ vọng nhưng cũng có những điểm sáng, tích cực. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 4,6% cao hơn so với bình quân chung cả nước, khu vực dịch vụ tiếp tục tăng trưởng 6,79% so cùng kỳ, trong đó doanh thu từ bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tiếp tục duy trì mức tăng trưởng cao.
Chính quyền các cấp tại TP đã quan tâm thực hiện các chính sách từ Trung ương đến địa phương, duy trì sản xuất và giải quyết việc làm. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Chính quyền đã chủ động, đồng hành cùng doanh nghiệp giải quyết khó khăn. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng 16,6%… Những kết quả này còn cho thấy sự nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị; sự ủng hộ, chia sẻ, chung sức, đồng lòng của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp TP.
Theo các đại biểu, tăng trưởng kinh tế TP (GRDP) năm 2023 tăng 5,81% nhưng chủ yếu từ tiêu dùng và chi tiêu công; trong khi đó xuất nhập khẩu và thu hút đầu tư tư nhân giảm, làm cho tăng trưởng kinh tế TP thiếu tính bền vững. Theo đó, năm 2024 cần quan tâm hơn đến phát triển kinh tế trong khu vực tư nhân.
Qua phân tích những khó khăn của năm 2023 cùng với giải pháp trọng tâm năm 2024, các đại biểu đề nghị TP bổ sung nội dung về chăm lo gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ khó khăn và hộ công nhân thất nghiệp trên địa bàn, đặc biệt là chính sách chăm lo Tết cho người dân; quan tâm nhiều hơn đến chất lượng hàng hóa, thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số.
Đại biểu Võ Thị Trung Trinh – Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP – cho rằng, trong hoạt động thực hiện chủ đề năm, cần sự phối hợp liền mạch giữa bộ, ngành, TP và quận huyện. Như vậy, công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư sẽ có hiệu quả. Hiện rất nhiều thủ tục hành chính thay vì TP làm thì Trung ương làm. TP nên kiến nghị những thủ tục nào thì chuyển về cho địa phương làm, những thủ tục nào thì Trung ương làm. Trên cơ sở đó, địa phương sẽ tập trung giải quyết những vấn đề công việc. Như vậy dễ quy ra đầu mối, các nơi chịu trách nhiệm để hỗ trợ các nhà đầu tư, đặc biệt trong việc cải cách hành chính.
Cũng theo bà Trinh, năm 2024, TP cần triển khai hiệu quả Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP bởi thời gian không có nhiều. Nghị quyết 98 thể hiện tâm huyết, ý chí quyết tâm của toàn bộ hệ thống chính trị TP và đã được Quốc hội thông qua. Nếu không sớm triển khai vào thực tế sẽ không khai thác được các tiềm năng của TP…
Một số đại biểu đề xuất chủ đề năm 2024 của TP cần có ba thành tố là: Xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh; Quyết tâm thực hiện hiệu quả chuyển đổi số và Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội.
Nói về thành tố chuyển đổi số, đại biểu Tăng Hữu Phong – Tổng Biên tập Báo Sài Gòn giải phóng – cho rằng, chuyển đổi số của TP vẫn chưa được như mong muốn, yêu cầu đặt ra; trong đó, đề án xây dựng TP thông minh chưa thực sự mang lại kết quả rõ rệt. Do đó, TP cần rà soát, đánh giá lại việc thực hiện các đề án trước đây trong xây dựng TP thông minh. Chuyển đổi số không chỉ là nhiệm vụ của năm 2024 mà còn là nhiệm vụ lâu dài.
Nỗ lực hoàn thành các dự án nhà ở xã hội
Triển khai, thực hiện các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2016-2025 là một trong những nội dung được các đại biểu hết sức quan tâm.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường thừa nhận, trong quá trình triển khai nhiệm vụ này còn nhiều vướng mắc. Với mục tiêu hiện nay của TP là phát triển 2,5 triệu m2 sàn/ 35.000 căn nhà ở xã hội là cao hơn yêu cầu của Thủ tướng đặt ra trong đề án phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội (đến năm 2030). Qua rà soát, UBND TP đã điều chỉnh mục tiêu là phát triển 1,15 triệu m2 sàn. Sau rà soát các vướng mắc và vận dụng Nghị quyết 98 gắn với công tác quy hoạch, quỹ đất và từ Luật Nhà ở năm 2023, UBND TP tiếp tục nỗ lực với các nhóm giải pháp nhằm quyết tâm giữ vững mục tiêu đã đề ra.
Đại biểu Bùi Tá Hoàng Vũ – Giám đốc Sở Công thương TP – cho rằng, TP.HCM là đô thị đông dân, nếu phát triển nhà ở xã hội tốt sẽ giải quyết được vấn đề an cư lạc nghiệp cho người dân. “Do đó, TP cần nhanh chóng khắc phục những khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ các dự án nhà ở xã hội. Ngoài những giải pháp khắc phục khó khăn, TP cũng cần quan tâm đặt ra các cơ chế thu hút nhà đầu tư tham gia thực hiện”, ông Vũ kiến nghị.
Tại kỳ họp, các đại biểu cũng tập trung thảo luận, xem xét thông qua các nghị quyết liên quan đến kinh tế, đô thị, văn hóa – xã hội, giáo dục, y tế, biên chế – tổ chức… Cụ thể là mức thu nhập của chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt; quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Sở An toàn thực phẩm TP.HCM; quy định tỷ lệ trích nguồn thu được để lại nhằm tạo nguồn cải cách tiền lương đối với các đơn vị có số thu lớn do TP.HCM quản lý; chính sách đặc thù hỗ trợ học phí cho trẻ mầm non, học sinh phổ thông công lập, ngoài công lập và học viên giáo dục thường xuyên trên địa bàn TP giai đoạn 2023-2024…
Những nghị quyết được thông qua tại kỳ họp đóng vai trò quan trọng, mở ra nhiều cơ hội mới, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội năm 2024 và nhiều năm tới, tác động trực tiếp đến đời sống của người dân TP.
Trong đó, với nghị quyết về mức thu nhập chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt, TP sẽ hỗ trợ ban đầu tối đa 100 triệu đồng/người. Đây là chính sách cụ thể hóa Nghị quyết 98. Việc áp dụng mức thu nhập này sẽ tạo động lực to lớn, thể hiện sự ghi nhận công bằng, xứng đáng với công sức, trí tuệ đóng góp của người được tuyển dụng…
Nguyễn Trinh
Bình luận (0)