Sự kiện giáo dụcTin tức

Đề xuất nâng mức vay cho sinh viên khó khăn lên 4 triệu/tháng

Tạp Chí Giáo Dục

Bộ Tài chính vừa đề xuất nâng mức vay cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn từ 2,5 triệu đồng lên 4 triệu đồng mỗi tháng. 

Đề xuất nâng mức vay cho sinh viên khó khăn lên 4 triệu/tháng

Bộ Tài chính vừa đưa ra dự thảo Quyết định sửa đổi, bổ sung quyết định số 157/2007 của Thủ tướng về tín dụng đối với học sinh, sinh viên.

Một trong những điểm sửa đổi đáng chú ý là Bộ Tài chính đề xuất tăng mức cho học sinh, sinh viên vay tối đa lên 4 triệu đồng/tháng.

Ở thời điểm ban hành Quyết định 157 năm 2007, mức cho vay tối đa chỉ là 800.000 đồng/tháng/học sinh, sinh viên (HSSV); hiện tại là 2,5 triệu đồng (theo Quyết định số 1656/QĐ-TTg ngày 19/11/2019 của Thủ tướng Chính phủ).

Trong Tờ trình, Bộ Tài chính cho biết mức tăng được dựa trên căn cứ kiến nghị của Bộ GD&ĐT và Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH).

Cụ thể, theo đánh giá của Bộ GD&ĐT, trong điều kiện mức học phí hiện nay (theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP), mức cho vay hiện hành (2.500.000 đồng.tháng/HSSV) mới chỉ đáp ứng 49% học phí của nhóm ngành có học phí cao nhất và 38,5% nhu cầu chi phí học tập cho HSSV (học phí và chi phí sinh hoạt). Mức chi phí học tập của một HSSV là khoảng 6.500.000 đồng/tháng đến 9.500.000 đồng/tháng (tính với mức học phí cao nhất).

Trong thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã có Tờ trình Chính phủ số 375/TTr-BGDĐT ngày 9/4/2021 về dự thảo Nghị định quy định cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân về chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục đào tạo.

Theo đó, dự kiến từ năm học 2022 – 2023, mức học phí tại dự thảo Nghị định sẽ được điều chỉnh tăng thêm bình quân 12,5%/năm đối với đơn vị chưa đảm bảo chi phí chi thường xuyên và đạt kiểm định chất lượng (Loại 1); Đối với trường bảo đảm chi thường xuyên và đạt kiểm định chất lượng được xác định mức thu tối đa bằng 2 lần so với mức thu của trường loại 1; Trường tự bảo đảm chi thường xuyên, đạt kiểm định chất lượng: Được xác định mức thu tối đa bằng 2,5 lần so với mức thu của trường loại 1; Trường tự bảo đảm chi thường xuyên, đáp ứng yêu cầu Luật Giáo dục đồng thời đạt kiểm định chất lượng được tự xác định học phí. Vì vậy, Bộ GD&ĐT đề xuất nâng mức cho vay theo hướng đáp ứng 60% mức sinh hoạt của HSSV, tương ứng từ 4.550.000-6.650.000 đồng/tháng.

NHCSXH đề xuất nâng mức cho vay tối đa từ 2,5 triệu đồng lên 4 triệu đồng/tháng/HSSV vì lý do như:

Tại thời điểm ban hành Quyết định 157, mức cho vay tối đa 1 HSSV là 800.000đ/tháng, đáp ứng khoảng 66% tổng chi phí học tập của HSSV. Tại thời điểm năm 2019, mức cho vay 2.500.000đ/HSSV/tháng đáp ứng khoảng 60% chi phí học tập; Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, mức cho vay hiện hành chỉ đáp ứng được 37% tổng chi phí học tập của HSSV do tình hình lạm phát và dự kiến tiếp tục tăng mức học phí tại các cơ sở đào tạo trong thời gian tới theo đề xuất của Bộ GD&ĐT cộng với chi phí sinh hoạt tiếp tục gia tăng, mức cho vay hiện hành 2.500.000 đồng/tháng khó đảm bảo theo học của HSSV.

Qua đề xuất của Bộ GD&ĐT và NHCSXH, Bộ Tài chính thấy rằng: Mức vay vốn tối đa cần được điều chỉnh để phù hợp với lộ trình tăng học phí, khả năng huy động vốn của NHCSXH, khả năng cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý của ngân sách nhà nước. Việc nâng mức vốn vay để hỗ trợ cho HSSV trang trải chi phí học tập qua đó góp phần ổn định đời sống, tư tưởng cho hộ gia đình và HSSV, nâng cao trình độ dân trí là cần thiết. Do đó, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định nâng mức cho vay tối đa lên mức 4.000.000 đồng/tháng/HSSV (bằng 61% mức chi phí học tập tối thiểu và 42% mức chi phí học tập tối đa của HSSV).

Ngoài ra, dự thảo cũng sửa đổi một số điều như cụ thể đối tượng sinh viên được vay vốn; bỏ quy định đối với học sinh, sinh viên từ năm thứ 2 phải có xác nhận của nhà trường về việc đang học tập tại trường và không bị xử phạt hành chính trở lên về các hành vi như cờ bạc, nghiện hút, trộm cắp, buôn lậu.

Theo Nghiêm Huê/TPO

 

Bình luận (0)