Du lịch là hàng công nghiệp khói. Để ngành công nghiệp này đem ngoại tệ về cho đất nước thì bắt buộc phải chuyển đổi số. Trong “Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030” đã xác định, du lịch là một trong 8 lĩnh vực quan trọng được ưu tiên chuyển đổi số.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và các đại biểu tham quan Hội chợ Du lịch quốc tế TP.HCM lần 17
Lượng tìm kiếm du lịch Việt Nam trong tốp đầu thế giới
Tại diễn đàn du lịch cấp cao “Chuyển đổi số thúc đẩy phát triển du lịch”, ông Nguyễn Văn Hùng – Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông – cho biết, từ đầu năm đến nay, lượng tìm kiếm về du lịch Việt Nam liên tục tăng trong tốp đầu thế giới, từ vị trí thứ 11 lên vị trí thứ 6, thuộc nhóm có mức tăng trưởng cao hàng đầu thế giới từ 10-25%. Trong 8 tháng đầu năm, du lịch Việt Nam đã đón và phục vụ 7,8 triệu lượt khách quốc tế, 86 triệu lượt khách nội địa.
Ông Hùng thừa nhận, chính sự phát triển của công nghệ đã làm thay đổi hành vi của khách du lịch. Từ việc tìm kiếm thông tin, đặt dịch vụ, trải nghiệm đến việc chia sẻ cảm xúc, kỷ niệm về chuyến đi đều diễn ra trên môi trường số. Vì vậy, hoạt động quản lý và kinh doanh du lịch cần tranh thủ các thành tựu công nghệ số để chuyển đổi mô hình, cách thức hoạt động hiệu quả, phù hợp, nâng cao năng lực cạnh tranh.
“Chúng ta cũng cần thẳng thắn nhìn nhận, quá trình chuyển đổi số của ngành du lịch Việt Nam còn nhiều rào cản, hạn chế. Đó là sự manh mún, nhỏ lẻ, rời rạc trong quá trình triển khai dẫn đến khó hình thành một hệ sinh thái thống nhất, đồng bộ trong toàn ngành. Bên cạnh đó là tình trạng thiếu hụt nguồn lực về công nghệ hiện đại, tài chính và nhân lực số; các giải pháp, nền tảng, hạ tầng công nghệ số còn thiếu; dữ liệu chưa được cập nhật đầy đủ… Do đó, quá trình chuyển đổi số đòi hỏi sự quyết liệt đổi mới cả tư duy lẫn hành động của toàn ngành du lịch”, ông Hùng nhấn mạnh.
PGS.TS Trần Minh Tuấn – Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số, Bộ Thông tin và Truyền thông – cho biết, du lịch là một trong 8 lĩnh vực quan trọng được ưu tiên chuyển đổi số. Theo đó, chuyển đổi số là thay đổi cách làm dựa trên công nghệ và dữ liệu. Chuyển đổi số gợi mở về cách tiếp cận mới để giải quyết một số vấn đề của du lịch Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trên thế giới. Đầu tiên, công nghệ giải quyết vấn đề liên kết, hợp tác giữa các thành phần, hướng tới mang lại trải nghiệm cho khách du lịch. Cụ thể, nói đến du lịch là nói đến cộng tác. Một doanh nghiệp sẽ không thể cung cấp được tất cả các dịch vụ mà du khách cần. Vì vậy phải có sự liên kết, cộng tác giữa các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ với nhau. Chính công nghệ sẽ giải quyết vấn đề cộng tác này thông qua kết nối API, trao đổi theo thời gian thực. Trong đó, các giao dịch được thực hiện tự động giữa nền tảng số; doanh thu giữa các bên tham gia được chia sẻ, phân phối trên các nền tảng tự động…
Chương trình chuyển đổi số quốc gia, chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế số và xã hội số đã xác định giải pháp thúc đẩy nhanh chuyển đổi số là thông qua sử dụng các nền tảng số dùng chung. Dùng chung thì dữ liệu tập trung; dữ liệu tập trung sẽ hỗ trợ ra quyết định nhanh chóng, chính xác. Trước đây, mỗi cơ sở lưu trú sử dụng một phần mềm quản trị và kinh doanh độc lập thì nay dùng chung. Điều này sẽ rút ngắn thời gian, giảm chi phí đầu tư; thông tin về trạng thái phòng luôn được cập nhật; quan trọng hơn là khi sử dụng nền tảng dùng chung thì dữ liệu tập trung – Đây là nguồn tài nguyên vô giá để các doanh nghiệp công nghệ đổi mới sáng tạo thay đổi mô hình kinh doanh, tạo ra giá trị mới, tiếp cận tập khách hàng mới.
Theo ông Tuấn, nhu cầu cá nhân là “thiên biến vạn hóa”, không ai giống ai. Nếu doanh nghiệp công nghệ vừa và nhỏ biết cách ứng dụng trí tuệ nhân tạo, cung cấp dịch vụ cá nhân hóa tới từng du khách sẽ có lợi thế lớn. Chẳng hạn doanh nghiệp dựa trên công nghệ AI cung cấp trợ lý ảo cho khách du lịch. Trợ lý ảo có thể trả lời khách du lịch những câu hỏi thông thường như ăn gì, chơi gì, ở đâu…
Chuyển đổi số là yêu cầu tất yếu
Tham dự diễn đàn, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, du lịch là ngành có tính hội nhập cao, đòi hỏi tư duy không ngừng đổi mới và sáng tạo nhưng để phát triển nhanh, mang tính bứt phá và bền vững, du lịch cần có không gian phát triển mới, hạ tầng mới, tài nguyên mới và phương thức thực hiện hiệu quả. Chuyển đổi số là chìa khóa giúp giải quyết bài toán này khi tạo ra không gian số, hạ tầng số, dữ liệu và các xu thế mang lại hiệu quả, năng lực cạnh tranh tốt hơn. Một thế giới siêu kết nối sẽ xóa nhòa khoảng cách về địa lý và kết nối thiên nhiên vào cuộc sống của chúng ta, từ đó tạo ra tài nguyên mới và phương thức quản trị hiệu quả trong phát triển du lịch. Không chỉ vậy, việc quản lý, phân tích, đánh giá, kinh doanh, lưu trữ, sáng tạo và phổ cập các giá trị du lịch trên môi trường số tới người dân Việt Nam và thế giới sẽ dễ hơn, nhanh hơn, đỡ tốn kém nhưng lại phong phú hơn rất nhiều so với thế giới thực. Đặc biệt, do hội tụ cả 4 sức mạnh của thời đại (khoa học công nghệ, tri thức, đổi mới sáng tạo và cách mạng công nghiệp lần thứ 4) nên chuyển đổi số sẽ là động lực tạo ra sự đột phá trong phát triển du lịch và xanh hóa du lịch. Để thành công, mỗi quốc gia, mỗi doanh nghiệp cần đưa ra chiến lược, giải pháp, cách tiếp cận riêng và tạo ra sự khác biệt. Biết phát hiện vấn đề và có một tầm nhìn khác biệt là vô cùng quan trọng để đưa các quốc gia, doanh nghiệp tiến lên phía trước trong bối cảnh ngày nay.
Tại TP.HCM, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức – cho biết, ngành du lịch TP đã và đang chuyển đổi số, tích cực tham gia vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, tiến tới hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh gắn kết các chủ thể: khách du lịch, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ và cơ quan quản lý Nhà nước.
Theo đó, “Đề án du lịch thông minh giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến 2030” được TP.HCM xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XI. Thực hiện đề án, UBND TP đã chỉ đạo ngành du lịch triển khai nhiều hoạt động ứng dụng công nghệ số trong công tác truyền thông, quảng bá du lịch như: Vận hành ứng dụng phần mềm du lịch thông minh trên nền tảng Android và iOS; triển khai vận hành cổng thông tin điện tử nhằm cung cấp, hỗ trợ các thông tin về du lịch cũng như giúp du khách tương tác với chính quyền để phản ánh chất lượng, an ninh du lịch tại TP; cập nhật tài nguyên du lịch lên các nền tảng của Google; đưa sản phẩm du lịch lên sàn giao dịch thương mại điện tử.
Hậu Giang
Bình luận (0)