Để hạn chế những tiêu cực trong tuyển sinh lớp 10 THPT công lập tại TP.HCM, NGƯT Nguyễn Văn Ngai (nguyên Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM) cho rằng ngành giáo dục thành phố nên áp dụng công khai việc chuyển trường.
Câu chuyện học sinh xin chuyển trường ở bậc THPT khiến nhiều trường THPT tại TP.HCM “đau đầu”
“Không muốn cũng phải đồng ý”
Chuyển trường ở bậc THPT, đặc biệt là xin chuyển từ những trường THPT có điểm chuẩn tuyển sinh đầu vào thấp đến những trường THPT có điểm chuẩn tuyển sinh đầu vào cao luôn là câu chuyện “nóng” của ngành giáo dục TP.HCM trong nhiều năm qua. Thực tế luôn có bộ phận phụ huynh học sinh quan niệm rằng, đăng ký vào những trường THPT có điểm chuẩn thấp, sau đó học một học kỳ, hay một năm học sẽ xin chuyển đến những trường THPT có điểm chuẩn cao hơn.
Ông Nguyễn Bảo Quốc (Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM) xác nhận, có tình trạng phụ huynh học sinh khi đăng ký nguyện vọng tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập thì đăng ký nguyện vọng “lót” vào những trường có điểm chuẩn thấp để dễ trúng tuyển. Sau đó học một học kỳ thì làm đơn xin chuyển trường đến những trường có điểm chuẩn cao hơn. Để hạn chế tình trạng chuyển trường, hạn chế thấp nhất những tiêu cực phát sinh, TP.HCM đã thực hiện nhiều giải pháp sau mỗi mùa tuyển sinh lớp 10 THPT công lập như: Phụ huynh học sinh phải viết cam kết không xin chuyển trường giữa chừng khi chọn học trường THPT xa nơi cư trú; các trường THPT đưa ra các ràng buộc riêng về khoảng cách, về kết quả học tập của học sinh để hạn chế học sinh chuyển đi, thậm chí là yêu cầu phụ huynh học sinh viết cam kết không chuyển trường ngay từ khi trúng tuyển vào trường.
Tuy vậy, hiệu trưởng một trường THPT ở huyện Bình Chánh chia sẻ, có nhiều trường hợp ngoại lệ khi phụ huynh học sinh nhờ đến các mối quan hệ cá nhân để can thiệp thì hiệu trưởng “không muốn cũng phải đồng ý”. “Cuối mỗi năm học, học sinh xin chuyển trường ở trường chúng tôi khá nhiều, lên đến vài chục trường hợp. Trong số đó, nếu chiếu theo quy định của Bộ GD-ĐT về điều kiện để học sinh được chuyển trường là học sinh chuyển nơi cư trú theo cha hoặc mẹ/ học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về gia đình hoặc có lý do thực sự chính đáng để phải chuyển trường thì hầu hết đều không có. Thế nhưng, dù muốn dù không, trong rất nhiều trường hợp nhà trường vẫn buộc phải giải quyết vì không giải quyết không được, thậm chí nhà trường được đề nghị giải quyết…”, vị hiệu trưởng này bày tỏ.
Để hạn chế tiêu cực trong tuyển sinh lớp 10 THPT công lập, NGƯT Nguyễn Văn Ngai (nguyên Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM) cho rằng ngành giáo dục thành phố nên thực hiện công khai việc chuyển trường của học sinh
Từng giải quyết một số trường hợp học sinh xin chuyển đến trường… thuộc tốp đầu thành phố, hiệu trưởng một trường THPT tại TP.Thủ Đức cho biết, dù thấy không hợp lý khi khoảng cách giữa trường đang học và trường xin chuyển đến không cách quá xa, đặc biệt điểm chuẩn đầu vào giữa 2 trường quá chênh lệch, nhưng nhà trường vẫn phải giải quyết vì… “nhận chỉ đạo”. “Theo các quy định hiện hành thì không có quy định nào cấm học sinh được chuyển trường. Thế nhưng, rõ ràng nếu học sinh chuyển từ một trường có mức điểm đầu vào chỉ bằng 1/2 so với điểm chuẩn của trường xin chuyển đến thì học sinh rất khó có thể theo học tốt được ở môi trường mới”, vị hiệu trưởng trên nhìn nhận.
Công khai để hạn chế chuyển trường
Nhiều năm trước, Phân hiệu THPT Lê Thị Hồng Gấm (Q.3) được xem là “sân sau” của nhiều phụ huynh học sinh khi đăng ký nguyện vọng tuyển sinh lớp 10 THPT công lập vào trường, sau đó ồ ạt xin chuyển đi. Để khắc phục tình trạng này, ông Vũ Quốc Phong (Giám đốc, Hiệu trưởng nhà trường) chia sẻ, vào những thời điểm “nóng” như kết thúc học kỳ I, cuối năm học – thời điểm có thể giải quyết chuyển trường – tôi phải tắt điện thoại để tránh những cuộc điện thoại nhờ can thiệp. “Hiện nay, trong hầu hết các trường hợp xin chuyển trường, nhà trường kiên quyết không giải quyết bất cứ trường hợp nào nếu nguyện vọng đó không xuất phát từ lý do chính đáng của phụ huynh và học sinh theo đúng quy định của Bộ GD-ĐT. Trong trường hợp giải quyết cho học sinh chuyển đi, nhà trường đều phải công khai trong ban giám đốc, hội đồng sư phạm về trường hợp đó”, ông Phong nói.
Mới đây, Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (TP.Thủ Đức) đã thực hiện công khai trong hội đồng trường danh sách tiếp nhận học sinh chuyển trường năm học 2023-2024, bao gồm cả người đề nghị xin chuyển trường. Đây là trường đầu tiên tại TP.HCM thực hiện nội dung công khai này. Theo đó, đầu năm học 2023-2024, Trường THPT Nguyễn Hữu Huân tiếp nhận 5 học sinh từ 4 trường THPT khác trên địa bàn TP.Thủ Đức xin chuyển về học lớp 11 tại trường. Những học sinh này trước đó đã học lớp 10 năm học 2022-2023 tại các trường: THPT Linh Trung, THPT Nguyễn Huệ, THPT Tam Phú, THPT Đào Sơn Tây. Trong danh sách trường này công khai có tới 2 “đề nghị” từ lãnh đạo ngành giáo dục.
Ông Đỗ Dương Cung (Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Huân) cho biết, việc học sinh chuyển trường có nhiều lý do, hiện nay các trường THPT được phân cấp, phân quyền trong chuyện này. “Nhà trường công khai nội dung này trong hội đồng sư phạm để những giáo viên được phân công giảng dạy các lớp có học sinh mới này có sự quan tâm, hỗ trợ giúp đỡ các em sớm thích nghi với điều kiện học tập của nhà trường và hòa nhập với các hoạt động, sinh hoạt chung của các bạn trong lớp, trường”, ông Cung nói.
NGƯT Nguyễn Văn Ngai (nguyên Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM) cho rằng việc công khai chuyển trường là điều hết sức cần thiết, là một biện pháp để hạn chế tình trạng một bộ phận phụ huynh học sinh có tâm lý “học tạm” một thời gian ở những trường THPT có điểm chuẩn tuyển sinh thấp, sau đó xin chuyển về trường THPT có điểm chuẩn cao. “Ngành giáo dục TP.HCM cũng nên suy nghĩ thực hiện công khai nội dung này, để tạo sự công bằng trong giáo dục. Đặc biệt, việc công khai chắc chắn sẽ hạn chế được những tiêu cực trong tuyển sinh lớp 10 THPT công lập và câu chuyện chuyển trường từ trường tốp dưới lên trường tốp trên”, ông Ngai nói.
Bài, ảnh: Đỗ Yến
Bình luận (0)