Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Kỹ năng điều chỉnh nguyện vọng thông minh

Tạp Chí Giáo Dục

Sau khi biết điểm thi tốt nghiệp THPT, thí sinh đã đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học cùng lúc với đăng ký kỳ thi tốt nghiệp THPT được điều chỉnh nguyện xét tuyển của mình. Tuy nhiên, nhiều thí sinh còn lúng túng không biết nên điều chỉnh nguyện vọng như thế nào cho phù hợp, sau đây là những chia sẻ từ ThS. Phạm Doãn Nguyên – chuyên gia đào tạo kỹ năng mềm sẽ giúp các bạn thí sinh có thêm những kỹ năng điều chỉnh nguyện vọng thông minh.

Định vị bản thân và tìm hiểu kỹ ngành nghề

Trước khi điều chỉnh nguyện vọng, điều quan trọng nhất vẫn là định vị lại bản thân xem mình có năng lực, sở trường, sự đam mê thích hợp với ngành nghề, công việc cụ thể nào để từ đó đưa ra quyết định có điều chỉnh nguyện vọng hay không. Trước hết các bạn thí sinh cần nghiêm túc đánh giá lại bản thân thông qua các công cụ trắc nghiệm HOLLAND, MBTI, tham chiếu từ ba mẹ, anh chị, bạn bè, thầy cô, những chuyên gia hướng nghiệp, thậm chí trải nghiệm thực tế công việc khi có điều kiện để hiểu về bản thân tốt hơn.

Ngoài việc khám phá bản thân về năng lực, sở trường, đam mê, thí sinh cũng cần tìm hiểu kỹ về những yêu cầu cần thiết đối với ngành nghề, vì mỗi ngành nghề sẽ đòi hỏi những yêu cầu nhất định, các bạn có thể tìm hiểu ngành nghề trên các kênh truyền thông uy tín, tham chiếu từ các chuyên gia,  từ những người đang trực tiếp làm trong lĩnh vực ngành nghề đó để biết về “hào quang” và “khoảng lặng” của nghề.

ThS. Phạm Doãn Nguyên tư vấn cho học sinh

Định vị bản thân đúng và tìm hiểu kỹ về ngành nghề trước khi điều chỉnh nguyện vọng sẽ là “nguyên tắc vàng” giúp các bạn chọn được bậc học, ngành học phù hợp bởi vì học xong một ngành có thể làm nhiều nghề và không có ngành nghề nào “hot” chỉ có con người “hot” trong ngành nghề đó mà thôi.

Tìm hiểu kỹ về trường muốn đăng ký xét tuyển

Khi biết điểm thi của mình các bạn thí sinh thường nghĩ ngay tới việc xét tuyển vào một trường đại học nào đó có mức điểm dự kiến tương ứng mà quên đi việc tìm hiểu về các trường.  Mỗi trường đại học, cao đẳng sẽ có định hướng đào tạo và môi trường hoạt động khác nhau, tùy thuộc vào mục tiêu, triết lý của mình, có trường đào tạo thiên về học thuật nghiên cứu, có trường đào tạo thiên về ứng dụng, có trường gắn kết nghiên cứu và ứng dụng, có trường mạnh về hoạt động phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, có trường mạnh về hoạt động hoạt động thiện nguyện, công tác xã hội, và cũng có trường mạnh về các hoạt động quốc tế,…

Vì vậy, để không phải “hối hận” khi điều chỉnh nguyện vọng, các bạn thí sinh nên tìm hiểu kỹ về học phí, về chương trình đào tạo, đội ngũ giảng viên, hoạt động học thuật, hoạt động quốc tế, hoạt động gắn kết doanh nghiệp, hoạt động giới thiệu nơi thực tập, giới thiệu việc làm, các dịch vụ được hưởng thụ, vị trí địa lý của trường, ký túc xá, giới thiệu nhà trọ,… Trường học là nền tảng quyết định giá trị hành nghề và thành công của sinh viên, vì vậy sự cẩn trọng tìm hiểu kỹ về các trường sẽ giúp thí sinh không rơi vào hoàn cảnh “mọi chuyện đã rồi”, bỏ học giữa chừng vì không phù hợp.


ThS. Phạm Doãn Nguyên tư vấn cho học sinh

Bình tĩnh sử dụng điểm của mình để tham gia xét tuyển

Mức điểm sẽ quyết định trúng tuyển vào ngành học và trường học vì vậy thí sinh cần bình tĩnh cân nhắc mức điểm “sẽ trúng tuyển” của các trường để đối sánh với mức điểm của mình để từ đó đưa quyết định điều chỉnh nguyện vọng phù hợp, tránh trường hợp “điểm cao nhưng  “rớt đau”.

Nên hiểu rõ điểm nhận hồ sơ xét tuyển khác với điểm chuẩn trúng tuyển, vì vậy các bạn thí sinh phải tìm hiểu kỹ điểm chuẩn trúng tuyển của các trường đại học trong những năm trước để cân nhắc, nếu điểm năm nay bằng hoặc lệch khoảng 1-2 điểm so với năm trước thì điểm đó sẽ tiệm cận đến phạm vi an toàn hơn, các bạn hãy bình tĩnh, đừng vội vàng để rơi vào “bẫy” điểm xét tuyển.

Tận dụng thêm các hình thức xét tuyển khác

Các bạn thí sinh đừng tự đặt cho mình áp lực phải trúng tuyển đại học bằng kết quả thi THPT. Hiện nay, nhiều trường đại học ngoài xét tuyển theo kết quả kỳ thi THPT còn sử dụng thêm một số hình thức khác như theo kết quả học bạ THPT, kỳ thi đánh giá năng lực,… có nhiều trường xét tuyển song song hai hình thức theo kết quả kỳ thi THPT và xét tuyển theo học bạ THPT như Đại học Kinh tế – Tài chính TP.HCM (UEF), Đại học Công nghệ TP. HCM (HUTECH), Đại học Tôn Đức Thắng, Đại học Tài chính – Marketing…

VD: Tại trường Đại học Kinh tế – Tài chính TP. HCM (UEF), trúng tuyển theo kết quả kỳ thi THPT, trúng tuyển kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP. HCM, hay trúng tuyển theo học bạ THPT không có sự khác biệt, tất cả sinh viên trúng tuyển nhập học đều học chung với nhau, chương trình đào tạo như nhau, hưởng thụ  các dịch vụ giống nhau, giá trị bằng cấp như nhau. Tất cả sinh viên đều được kiểm tra trình độ tiếng Anh đầu vào miễn phí, được tham gia lớp tiếng Anh dự bị miễn phí, được tham gia các chương trình giao lưu sinh viên quốc tế, trải nghiệm thực tế nghề nghiệp tại các tập đoàn kinh tế đa quốc gia, có cơ hội chọn học các chương trình học kỳ quốc tế, chương trình liên kết quốc tế 2+2, 3+1, được ưu tiên giới thiệu nơi thực tập và giới thiệu việc làm cho 100% sinh viên của trường,…Bên cạnh đó, tất cả các hình thức xét tuyển, sinh viên đều có cơ hội nhận học bổng tuyển sinh không giới hạn, với giá trị 25%, 30%, 50% và 100% học phí.

ThS. Phạm Doãn Nguyên
(Chuyên gia đào tạo kỹ năng mềm)

 

Bình luận (0)