Tổ chức Y tế thế giới “lo ngại sâu sắc” rằng những bệnh nhân Covid-19 sẽ còn chịu ảnh hưởng sức khỏe lâu dài.
Bệnh nhân Covid-19 được chăm sóc tại một bệnh viện ở Barcelona, Tây Ban Nha hôm 4.8. AFP
Hãng AFP hôm qua đưa tin Tổ chức Y tế thế giới (WHO) bày tỏ lo ngại rằng có thể có rất nhiều người đang chịu ảnh hưởng sức khỏe lâu dài sau khi mắc Covid-19, đồng thời kêu gọi những người đã qua giai đoạn cấp tính mà vẫn chịu hậu quả từ việc nhiễm bệnh nên nhờ giúp đỡ về y tế.
Hơn 200 triệu chứng
Hậu quả lâu dài đối với sức khỏe ở những người từng mắc Covid-19 là một trong những vấn đề bí ẩn nhất của đại dịch Covid-19. Nhiều bệnh nhân qua giai đoạn cấp tính vẫn chật vật hồi phục và chịu các triệu chứng kéo dài như khó thở, rất mệt, chứng sương mù não và rối loạn tim, thần kinh. Theo chuyên gia phụ trách kỹ thuật của WHO Maria Van Kerkhove, “hội chứng hậu Covid-19” là điều rất đáng lo ngại và là một thực tế mà tổ chức này muốn mọi người nhìn nhận. WHO đang nghiên cứu về chương trình hồi phục tốt hơn cho những người mắc hội chứng này, đồng thời tìm hiểu thêm cách kiểm soát.
Theo chuyên gia Janet Diaz của WHO phụ trách nỗ lực nghiên cứu hội chứng hậu Covid-19, có hơn 200 triệu chứng đã được ghi nhận. Một số bệnh nhân có triệu chứng kéo dài từ giai đoạn cấp tính, số khác hồi phục trước khi triệu chứng lặp lại, hoặc có người có triệu chứng mới sau khi qua giai đoạn cấp tính. Theo bà Diaz, các triệu chứng hậu Covid-19 có thể kéo dài 3 – 6 tháng, trong khi một số ít kéo dài 9 tháng hoặc hơn, nhưng chưa rõ nguyên nhân. Nhiều giả thuyết cho rằng đó là do các vấn đề về thần kinh, phản ứng miễn dịch sau khi nhiễm hoặc vi rút vẫn còn ở một số cơ quan trong cơ thể.
Diễn biến phức tạp
Các cảnh báo của WHO được đưa ra trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 trên thế giới vượt ngưỡng 200 triệu và đại dịch tiếp tục diễn biến phức tạp do biến chủng Delta khiến nhiều nước tăng cường biện pháp đối phó. Theo Reuters, Mỹ ghi nhận hơn 100.000 ca mắc Covid-19 hôm 4.8, cao nhất trong vòng 6 tháng. Tính trung bình trong một tuần đến ngày 4.8, mỗi ngày Mỹ ghi nhận 94.819 ca mắc Covid-19, tăng gấp 5 lần trong 1 tháng.
Theo chuyên gia dịch tễ hàng đầu Mỹ Anthony Fauci, dự báo số ca mắc sẽ tăng gấp đôi lên 200.000/ngày trong vài tuần tới do biến chủng Delta, hiện chiếm 83% tổng số ca ghi nhận tại nước này. Ông Fauci cũng cảnh báo khả năng xuất hiện biến chủng còn nguy hiểm hơn Delta.
Hãng AP hôm qua dẫn nguồn tin quan chức Nhà Trắng cho hay chính phủ dự định yêu cầu hầu hết du khách nước ngoài phải chủng ngừa Covid-19 trước khi nhập cảnh. Kế hoạch này vẫn chưa có mốc thời gian cụ thể vì các nhóm làm việc liên ngành đang nghiên cứu cách thức và thời điểm để việc đi lại giữa các quốc gia tiếp tục diễn ra bình thường.
Tại Trung Quốc, Phó thủ tướng Tôn Xuân Lan cảnh báo tình hình Covid-19 vẫn còn khó dự báo và chưa thể kiểm soát được, sau khi có nhiều điểm bùng dịch tại các vùng khác nhau trên ở nước này. Bà Tôn yêu cầu toàn bộ các địa phương phải ưu tiên phòng chống dịch, đảm bảo hệ thống chỉ huy có thể duy trì hoạt động xuyên suốt. Đợt bùng phát mới xuất hiện tại TP.Nam Kinh (tỉnh Giang Tô) hôm 20.7 và đến nay lan ra 17 tỉnh với hơn 400 ca nhiễm. Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc ngày 4.8 thông báo 144 khu vực trên cả nước đã bị xếp vào danh sách có nguy cơ vừa và cao, số lượng nhiều nhất từ tháng 12.2020.
Tại Đông Nam Á, Thái Lan hôm qua ghi nhận thêm 20.920 ca mắc Covid-19, con số cao nhất kể từ đầu dịch, và thêm 160 ca tử vong, nâng tổng số lên thành 693.305 ca mắc và 5.663 ca tử vong. Các nước khác trong khu vực cũng đang chật vật chống chọi làn sóng lây nhiễm phần lớn do biến chủng Delta gây ra.
WHO kêu gọi không tăng giá vắc xin
WHO kêu gọi các hãng sản xuất vắc xin duy trì mức giá thấp và phù hợp, sau khi có thông tin 2 hãng Pfizer/BioNTech và Moderna đang tăng giá bán cho các nước trong Liên minh Châu Âu (EU), vì đã điều chỉnh vắc xin đối phó tốt hơn với các biến chủng mới. Tờ Financial Times đưa tin giá mỗi liều vắc xin Pfizer sẽ tăng lên thành 19,5 euro (hiện tại là 15,5 euro), còn vắc xin của Moderna tăng lên thành 21,5 euro (hiện tại là 19 euro). Trong diễn biến khác, Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) cấp vốn cho việc sản xuất vắc xin Sputnik V hôm qua cam kết sẽ giải quyết tình trạng chậm trễ trong việc giao vắc xin, sau khi một số nước Nam Mỹ than phiền với Nga. Liên quan vắc xin Covid-19, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hôm qua cho hay ông dự định đầu tư 1,92 tỉ USD để giúp nước này trở thành một trong 5 nước sản xuất vắc xin Covid-19 lớn nhất thế giới vào năm 2025.
|
Theo Khánh An/TNO
Bình luận (0)