Khởi nghiệp bằng món mì Quảng niêu, anh Lê Minh Cảnh (SN 1987), ở vùng dừa Bảy Mẫu thuộc xã Cẩm Thanh (TP.Hội An) không chỉ giới thiệu đến thực khách một món ăn đặc sản mà qua niêu mì ấy, một câu chuyện có bề dày truyền thống được kể lại…
Lê Minh Cảnh với thương hiệu mì Quảng niêu góp phần bảo tồn văn hóa xứ Quảng
Độc đáo mì Quảng trong niêu đất
Cảnh hẹn gặp tôi vào một chiều tháng tư, khi vừa kịp tiễn đoàn khách du lịch đến thăm thú rừng dừa Bảy Mẫu và thưởng thức niêu mì Quảng Phú Chiêm do chính tay Cảnh nấu. Cảnh bảo, mỗi ngày chỉ nấu tầm 30 niêu cho khách. Số lượng tuy còn khiêm tốn nhưng Cảnh nhận về nhiều lời ngợi khen, hạnh phúc nhất là nhiều vị khách không chỉ quay trở lại mà còn giới thiệu thêm bạn bè mỗi khi họ có dịp ghé rừng dừa. Với người xứ Quảng và du khách thập phương đã có lần đi qua vùng đất này, món ăn đặc sản mì Quảng không còn xa lạ. Nhưng mì Quảng được nấu trong niêu đất luôn gợi lên sự tò mò và mong muốn một lần được thưởng thức.
Trước khi thành lập Công ty Du lịch Xứ Quảng Xanh với món “đinh” là mì Quảng Phú Chiêm nấu trong niêu đất vào năm trước, Cảnh từng có 14 năm phục vụ trong quân ngũ, đảm nhiệm việc đứng bếp. Vì muốn phát triển ẩm thực quê hương nên Cảnh quyết định rẽ ngang, dấn thân vào lĩnh vực ẩm thực không mấy dễ dàng. Cảnh đặt lên bàn một niêu mì Quảng, từ tốn nói: “Mì Quảng của xứ Quảng có hàng trăm cách nấu, tùy vào các nguyên liệu mỗi nhà có được để biến tấu thành một tô mì thơm ngon. Với mì Quảng Phú Chiêm, tôi dành thật nhiều thời gian để tìm hiểu, học hỏi thêm ở các bà, các mẹ giàu kinh nghiệm để làm nên tô mì ngon, hợp khẩu vị thực khách và giữ nguyên bản tô mì Quảng Phú Chiêm chính gốc”. Niêu nước cốt mì của Cảnh có đủ tôm, thịt heo, trứng cút, riêu cua, dầu đậu phộng và củ nén giã nát phi lên thơm lừng. Nước trong niêu được giữ nhiệt rất lâu, không bị nguội lạnh là một điểm cộng được nhiều du khách ưa thích. Sợi mì được Cảnh đến tận làng mì truyền thống Phú Chiêm mua về, thứ sợi mì được làm từ bột của hạt gạo xiệc vừa có vị thơm, ngọt, hơi dai dẻo và đủ độ béo để người ăn không cảm thấy bị ngán.
Mì nấu trong niêu không phải là một câu chuyện dễ. “Nhiều người khuyên tôi nên từ bỏ ý định này vì niêu đất thường rút nước rất nhanh khi được nấu trên lửa. Đó là sự thật nhưng không vì thế mà tôi từ bỏ ý định theo đuổi. Ban đầu tôi đưa ra ý tưởng lót lá sen tươi vào các niêu mì để nấu. Kết quả rất tốt và nước cốt tỏa ra mùi thơm đặc trưng của lá sen được nhiều người ưa thích. Sau này, vì lá sen chỉ có theo mùa nên tôi đặt hàng các nghệ nhân quá trình tạo ra niêu đất sẽ tráng thêm một lớp men bên trong để nước không bị thất thoát”.
Chọn con đường khởi nghiệp đầy thử thách, chàng trai vùng dừa Bảy Mẫu Lê Minh Cảnh luôn đặt mục tiêu hướng đến cộng đồng. “Tương lai khi mì Quảng niêu phát triển ổn định, tôi sẽ tuyển thêm các đầu bếp là các chiến sĩ hoàn thành nhiệm vụ quân đội, xuất ngũ để tạo thêm điều kiện việc làm cho các em cũng như xây dựng nét đặc trưng riêng của bếp. Câu chuyện bảo tồn văn hóa không chỉ của riêng ai, nó cần sự đồng hành của mỗi người dân và sự quan tâm hỗ trợ của chính quyền mới có thể bền vững”, Cảnh bộc bạch. |
Chị Belinda, một du khách đến từ Tây Ban Nha chia sẻ: “Tôi đã đi tham quan nhiều nơi trên đất nước Việt Nam. Ẩm thực của Việt Nam rất phong phú. Với mì Quảng niêu tôi thấy rất đặc biệt. Tôm tươi ngọt tự nhiên, nước cốt rất đậm đà, rau tươi, giòn và thơm ngon. Mặt khác, nấu mì trong niêu là rất sáng tạo, mùi thơm nước cốt tỏa ra từ niêu hấp dẫn và ăn ngon miệng hơn. Tôi thường ăn các loại mì, bún… trong tô sứ và không nghĩ là sẽ có loại mì được ăn trong niêu đầy thú vị như thế này”.
Kể chuyện văn hóa quê xứ
Không đơn thuần nấu một món ăn đặc sản để phát triển kinh tế. Cảnh muốn kể lại câu chuyện truyền thống văn hóa vào trong mỗi niêu mì để khi thưởng thức, du khách sẽ biết nhiều hơn đến các làng quê xứ Quảng. “Tôi thường đi nhiều làng nghề ở Quảng Nam, tìm hiểu về truyền thống văn hóa và đâu đó có nỗi buồn về các làng nghề dần mai một. Tôi nghĩ, để nhiều người biết đến các làng nghề – cũng là một cách giúp làng nghề có thể duy trì và phát triển thì cần có sự xâu chuỗi, liên kết lại. Du lịch sẽ là nhịp cầu”, Cảnh nói.
Nhiều ngày, Cảnh tìm đến các làng nghề như: làng gốm Thanh Hà, làng mộc Kim Bồng, làng rau Trà Quế, mì Phú Chiêm… để tìm hiểu. Khi liên kết được với các nghệ nhân, người làm nghề, Cảnh bắt đầu thực hiện ý tưởng khởi nghiệp gói gọn văn hóa truyền thống trong một niêu mì. “Nhiều lúc thấy tôi vất vả kết nối, nhiều người khuyên tôi nên mua các vật dụng, nguyên liệu có sẵn. Nhưng tôi thấy làm như thế là mình đi sai hướng từ đầu cho một câu chuyện văn hóa truyền thống nhiều giá trị. Thế nên, tôi tìm hiểu cặn kẽ từng làng nghề, đặt hàng ở những nơi uy tín và thực sự mang truyền thống văn hóa của xứ Quảng”.
Để du khách hiểu hơn về văn hóa truyền thống các làng nghề, trước khi thưởng thức món ăn, Cảnh giới thiệu về lịch sử, đặc trưng các làng nghề. Cảnh bảo, sắp tới anh sẽ hướng đến tour du lịch kết nối các điểm đến và kết thúc bằng một niêu mì để mọi người dễ cảm nhận và hiểu sâu hơn về quê xứ mình. “Khi gửi đến du khách một niêu mì Quảng, họ sẽ được biết về nguồn gốc làm ra các vật dụng để hoàn thiện một niêu mì từ đôi đũa làng mộc Kim Bồng cho đến sợi mì, chiếc niêu gốm của làng gốm Thanh Hà và những lá rau xanh hữu cơ được chính người dân làng Trà Quế trồng ra với bề dày truyền thống hơn 400 năm… Từ đó, khi có dịp họ sẽ tìm đến những nơi đó để thăm thú nhằm góp phần bảo tồn và phát huy giá trị làng nghề. Sâu xa hơn, cộng đồng dân cư làng nghề ít nhiều sẽ được hưởng lợi”, Cảnh chia sẻ.
Hàn Giang
Bình luận (0)