Hiện nay, phần lớn khách sạn vừa và nhỏ trên địa bàn TP.HCM chưa đáp ứng tiêu chí về kinh doanh dịch vụ lưu trú theo quy định của Luật Du lịch, thiếu nhân sự… Điều này dẫn đến tình trạng khách sạn đóng cửa tạm dừng kinh doanh hoặc thay đổi loại hình kinh doanh để bám trụ.
Cơ sở xuống cấp
Bà Đỗ Thị Ánh Tuyết (Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin Q.1) cho biết, các khách sạn có quy mô vừa và nhỏ trên địa bàn Q.1 hiện gặp nhiều khó khăn trong hoạt động kinh doanh lưu trú. Nguồn khách nội địa nhất là lượng khách quốc tế đến TP.HCM nói chung và Q.1 nói riêng còn thấp chưa đạt được như kỳ vọng. Dịch bệnh kéo dài dẫn đến nhiều nhân sự của các cơ sở lưu trú du lịch chuyển ngành nghề và không quay lại lĩnh vực du lịch… khiến hầu hết các cơ sở lưu trú du lịch đang thiếu hụt nhân sự nhất là nguồn lực có kinh nghiệm chuyên môn và chất lượng cao. Các cơ sở lưu trú du lịch có cơ sở vật chất xuống cấp trầm trọng trong khi lãi suất ngân hàng thì tăng và ngân hàng siết cho vay… dẫn đến thiếu ngân sách đầu tư sửa chữa, thay mới và phải kể đến là một số tiêu chí về điều kiện kinh doanh dịch vụ lưu trú chưa đáp ứng theo quy định.
Bên cạnh đó, nhiều cơ sở lưu trú du lịch cũng gặp những khó khăn nhất định về thẩm duyệt phòng cháy, chữa cháy do cơ sở xuống cấp, không đáp ứng các tiêu chí về điều kiện phòng cháy nhất là các cơ sở lưu trú du lịch vừa và nhỏ xây dựng trước khi Luật Phòng cháy và chữa cháy có hiệu lực. Đây là những điều kiện tối thiểu để các cơ sở lưu trú phải đảm bảo trước khi hoạt động kinh doanh. “Từ những khó khăn nêu trên khiến nhiều cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn Q.1 phải đóng cửa, tạm dừng kinh doanh, sang nhượng hoặc thay đổi loại hình kinh doanh tập trung chủ yếu vào nhóm khách sạn vừa và nhỏ”, bà Tuyết cho biết.
Nhân lực du lịch thiếu hụt trầm trọng
Ông Lữ Quốc Dũng (Phó Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin Q.10) cho biết, hiện nay đa số các cơ sở lưu trú trên địa bàn Q.10 đang khai thác ở mức trung bình, khoảng 50-60% số phòng hiện có của các cơ sở. Nguyên nhân do lượng khách du lịch trong nước và quốc tế đến TP.HCM giảm, việc một số ngành dịch vụ tại quận nói riêng và TP nói chung kinh doanh khó khăn cũng kéo theo lượng khách lưu trú ngắn hạn giảm. Qua kiểm tra điều kiện tối thiểu cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ cơ sở lưu trú du lịch ở 16 cơ sở lưu trú trên địa bàn quận chỉ có 4 đạt, 12 cơ sở không đạt điều kiện tối thiểu. “Tất cả các cơ sở không đạt điều kiện tối thiểu là do không đạt hoặc chưa được thẩm định lại về điều kiện an toàn về phòng cháy chữa cháy. Việc đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất của các cơ sở trong thời gian qua còn thấp, công tác quảng bá dịch vụ, liên kết khai thác chưa được đầu tư đúng mức”, ông Dũng chia sẻ.
Thiếu hụt nhân sự
Bà Nguyễn Thị Thúy Loan (đại diện khách sạn A25) cho biết, 3 năm qua doanh nghiệp này bị đóng cửa ít nhất 2 năm do dịch bệnh. Mở cửa trở lại khoảng 1 năm nay nên cơ sở vật chất bị xuống cấp theo thời gian, doanh thu sụt giảm, các chi phí điện nước, vốn vay Nhà nước chỉ hỗ trợ trong thời gian dịch nặng nề nhất. Tiền nhà chủ nhà cũng chỉ hỗ trợ ở mức cho phép, lương nhân viên trả ngày càng cao nên các nguồn vốn nâng cấp cải tạo cơ sở vật chất của đơn vị chúng tôi hầu như không còn. “Hiện nay, đầu tư nâng cấp cái gì, mua sắm cái gì, doanh nghiệp chúng tôi phải đắn đo, cân nhắc nhiều phương án và chọn phương án tối ưu nhất mới thực hiện. Điều đó làm mất rất nhiều thời gian và rất khó làm hài lòng những du khách khó tính”, bà Loan chia sẻ.
Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu (Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM) cho biết, một trong những lợi thế so sánh của ngành du lịch TP.HCM so với các tỉnh, thành phố khác là hệ thống các cơ sở lưu trú du lịch rộng khắp với hơn 3.227 cơ sở. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, hệ thống khách sạn tập trung ở đối tượng các cơ sở lưu trú đạt điều kiện tối thiểu phục vụ khách du lịch và các khách sạn 1-3 sao trên địa bàn TP đang đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức. Trong đó tập trung vào các vấn đề về nguồn khách, nguồn lực nhân sự, mức độ ứng dụng chuyển đổi số của khách sạn nhỏ và vừa còn hạn chế nên tính cạnh tranh không cao… Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp với các cơ quan, ban ngành giúp các cơ sở lưu trú vượt qua khó khăn, sớm khôi phục lại hoạt động kinh doanh”. |
Khó khăn tiếp theo mà bà Loan đề cập đó là nguồn lực nhân sự đang thiếu hụt trầm trọng. “Chúng tôi luôn rơi vào tình trạng cháy nhân sự, nhân sự bỏ việc nhiều. Bộ phận tuyển dụng liên tục tuyển người nhưng chất lượng đầu vào quá kém, chưa đáp ứng nhu cầu làm việc tối thiểu tại khách sạn. Phần lớn nhân sự có trải qua chương trình đào tạo nhưng thiếu kinh nghiệm thực tế. Do đó, chất lượng làm việc chưa đáp ứng theo yêu cầu”, bà Loan lo lắng.
May mắn hơn các cơ sở khác nhờ ứng dụng công nghệ, khách sạn Wink đã vượt qua được những khó khăn mà các cơ sở lưu trú du lịch hiện nay đang gặp phải. Đại diện khách sạn Wink cho biết, yếu năng lượng và nhân sự là hai chi phí lớn nhất trong vận hành. Yếu tố năng lượng đã được giải quyết trước đó nhờ vào ý tưởng khách sạn xanh với những giải pháp tiết kiệm điện năng.
Hoạt động kinh doanh cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn TP.HCM gặp nhiều khó khăn
Về nhân sự, khách sạn Wink hiện vận hành hiệu quả với số lượng nhân sự bằng 1/5 so với mô hình khách sạn thông thường thông qua việc áp dụng công nghệ: Self check in – tiết kiệm nhân sự lễ tân, vending machine – bán các loại nhu yếu phẩm cần thiết giúp thay thế room service. Mô hình self service điển hình như tự giặt ủi với mức giá hợp lý cũng giúp giảm nhân lực bộ phận buồng phòng… “Mục tiêu của chúng tôi là đơn giản hóa quy trình và giảm thiểu áp lực cho những nhân viên làm việc tại khách sạn để tâm trí của họ thật minh mẫn và không vướng bận và tất cả những gì họ nghĩ là phục vụ khách. Nhân sự các bộ phận được training liên tục cho phép họ hiểu và có thể chia sẻ công việc của các bộ phận khác khi cần”, đại diện khách sạn Wink chia sẻ.
Hồ Trinh
Bình luận (0)