Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Học sinh lớp 6 học chương trình mới ra sao?

Tạp Chí Giáo Dục

Không còn môn học riêng lẻ như trước đây, năm học mới này, học sinh lớp 6 sẽ học những môn tích hợp theo lĩnh vực tự nhiên và xã hội.
Học sinh lớp 5 năm nay sẽ học chương trình giáo dục phổ thông mới khi lên lớp 6 trong năm học 2021 - 2022 /// ĐÀO NGỌC THẠCH
Học sinh lớp 5 năm nay sẽ học chương trình giáo dục phổ thông mới khi lên lớp 6 trong năm học 2021 – 2022. ĐÀO NGỌC THẠCH
Ngoài các môn toán, ngữ văn, ngoại ngữ, giáo dục công dân được giữ lại theo hình thức đơn lẻ, độc lập thì trong năm học mới này, năm học đầu tiên triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới ở bậc THCS, học sinh (HS) lớp 6 sẽ học môn khoa học tự nhiên (KHTN), môn lịch sử và địa lý với các chủ đề tích hợp từ các phân môn vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý.
Môn khoa học tự nhiên do 1 giáo viên phụ trách
Ông Phan Văn Quang, Phó phòng Giáo dục Q.Tân Bình (TP.HCM), cho biết ngay từ đầu năm học 2020 – 2021, các trường THCS đã đề xuất danh sách giáo viên (GV) chịu trách nhiệm dạy lớp 6 năm học 2021 – 2022 để tham gia lớp bồi dưỡng GV KHTN theo chương trình mới do Sở GD-ĐT tổ chức. Hiện tại những GV này tiếp tục tập huấn trực tuyến để xây dựng kế hoạch giáo dục và kế hoạch bài giảng từ các nội dung trong sách giáo khoa.
Và để đảm bảo việc thực hiện chương trình, chất lượng trong công tác giảng dạy chương trình mới, môn học tích hợp, ông Quang cho rằng các trường nên sắp xếp đội ngũ GV sao cho có đầy đủ GV các bộ môn gốc để có thể hỗ trợ trong quá trình xây dựng bài giảng, tiêu chí kiểm tra đánh giá đảm bảo tính khách quan, công bằng.
Vị lãnh đạo phụ trách chuyên môn bậc THCS ở Q.Tân Bình lấy ví dụ GV dạy môn KHTN sẽ là GV môn vật lý, hóa học, sinh học. Những GV này sẽ trao đổi, chia sẻ, thống nhất trong việc xây dựng kế hoạch bài giảng, các tiêu chí kiểm tra đánh giá. Việc làm này sẽ giúp bài giảng có tính bao quát, không có sự nặng nhẹ mà cân đối kiến thức theo từng chủ đề, đảm bảo yêu cầu, mục tiêu của môn học.
Tuy nhiên, thực tế không tránh khỏi việc GV có tâm lý lo sợ do từ trước đến nay, chịu trách nhiệm một môn học đơn lẻ, dù có thể trước đó đã được đào tạo liên môn. Nhưng do nhiều năm không thực hiện, môn dạy thứ hai cũng có thể bị mai một kiến thức nên phương án tổ chức như trên, theo ông Quang giúp GV tự tin trong quá trình thực hiện giảng dạy.
Ngoài ra, lãnh đạo Phòng Giáo dục Q.Tân Bình còn cho hay mỗi trường THCS thực hiện việc biên soạn nội dung bài giảng một số chủ đề, sau đó chia sẻ, trao đổi, góp ý trong toàn quận. Trên nền tảng đó, tùy năng lực của HS, GV điều chỉnh sao cho phù hợp.
Còn tại Q.1, bà Nguyễn Đoan Trang, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du, cho biết các GV đã được định hướng dạy lớp 6 sẽ căn cứ vào nội dung chương trình chịu trách nhiệm biên soạn các chủ đề môn học. Sau đó tổ trưởng chuyên môn, ban giám hiệu cùng thẩm định, đánh giá bài soạn có đáp ứng các yêu cầu cần đạt của chủ đề và thống nhất nền tảng cơ bản nội dung chung cho cả khối. GV phụ trách lớp học nào sẽ căn cứ vào năng lực của HS để bổ sung các hoạt động cụ thể sao cho bài giảng đa dạng, phong phú.
Bà Trang cũng nhìn nhận, nội dung các kiến thức chương trình môn KHTN ở lớp 6 ở mức độ cơ bản, một GV có thể đảm trách các phân môn, cho dù đó không phải là môn dạy chính từ nhiều năm nay.
Học môn tự chọn như thế nào ?
Cũng trong năm học mới này, lần đầu tiên HS lớp 6 sẽ học môn tự chọn. Trong đó, tùy từng trường, từng địa phương sẽ chọn tiếng dân tộc hoặc ngoại ngữ 2.
Thực tế cho thấy, trong xu thế hội nhập và nhu cầu sử dụng ngoại ngữ trong tương lai nên bà Ngô Nguyễn Thiên Trang, Hiệu trưởng Trường THCS Lý Thường Kiệt (Q.Tân Bình), cho biết hầu hết các trường đều có dự định cho HS học môn tự chọn theo phương án ngoại ngữ thứ 2 trong nhà trường, bên cạnh tiếng Anh.
Tuy nhiên bà Trang cũng nhìn nhận nguồn nhân lực giảng dạy các môn ngoại ngữ khác khá khan hiếm nên để chuẩn bị cho việc thực hiện chương trình mới, nhà trường đã chủ động tìm kiếm đội ngũ GV và liên hệ đặt vấn đề trước.
Một hiệu trưởng trường THCS cho biết để có thể dạy ngoại ngữ 2 cho HS, các trường có thể liên hệ với trường THCS trên địa bàn có dạy các môn ngoại ngữ khác ngoài tiếng Anh. Hiện tại ngoài tiếng Anh là ngoại ngữ chính thì còn có một số trường có tổ chức lớp tăng cường tiếng Nhật, tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Hàn, tiếng Trung. Đây chính là nguồn GV các trường có thể tham khảo.
Còn hiệu trưởng một trường THCS tại một quận nội thành dự định sẽ tổ chức cho HS lớp 6 học ngoại ngữ 2 là tiếng Trung. Theo vị hiệu trưởng này, trường dự tính chọn ngoại ngữ này vì nhu cầu sử dụng cao, nguồn GV không khan hiếm, chi phí thấp hơn các ngoại ngữ khác.
Theo Bích Thanh/TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)