Theo các bác sĩ, bước vào năm học, bệnh tay chân miệng (TCM) ở học sinh có khuynh hướng gia tăng. Để chủ động phòng chống bệnh, trẻ cần được giữ bàn tay sạch sẽ, chơi đồ chơi sạch; ăn uống sạch; và ở sạch.
Rửa tay thường xuyên cần được thực hiện ở cả trẻ em và người chăm sóc trẻ để phòng bệnh tay chân miệng
Bên cạnh đó, số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) chưa giảm, đòi hỏi từ cộng đồng, gia đình đến các trường học vẫn phải thực hiện các biện pháp phòng, tránh.
Cần chủ động phòng bệnh
Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) vừa tiếp nhận, cấp cứu điều trị một bệnh nhi TCM độ 2B. Bệnh nhi gần 2 tuổi, nhập viện với các biểu hiện sốt, nổi bóng nước, ngủ giật mình chới với nhiều lần. Sau khi được thăm khám, điều trị kịp thời, sức khỏe bệnh nhi đã ổn định nhưng vẫn tiếp tục được các bác sĩ theo dõi trong phòng cấp cứu đề phòng bệnh chuyển độ nặng.
Trước đó, bệnh viện này cũng tiếp nhận cấp cứu một bệnh nhi 9 tháng tuổi bị TCM độ 3. Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng thở nhanh, loét miệng, nổi bọng nước ở mông. Được các bác sĩ thăm khám, điều trị kịp thời, tình trạng hô hấp cải thiện dần, không có biểu hiện tăng thêm như cao huyết áp, bệnh nhi tỉnh táo, ăn uống tốt hơn.
Hiện Bệnh viện Nhi đồng 1 đang điều trị nội trú 18 ca bệnh TCM. Đầu tuần, trung bình mỗi ngày có khoảng 30 lượt trẻ được người thân đưa đến khám, điều trị. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại số lượng trẻ đến khám, điều trị tăng lên, có ngày hơn 30 ca. “Đây cũng là thời điểm học sinh đã đồng loạt đi học nên bệnh có khuynh hướng gia tăng”, bác sĩ CKII Dư Tuấn Quy (Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1) cho biết.
Bác sĩ CKII Dư Tuấn Quy (Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1) khám cho bệnh nhi tay chân miệng
Theo bác sĩ Quy, bệnh TCM xảy ra bất cứ lứa tuổi nào, tuy nhiên thường gặp nhất ở trẻ dưới 5 tuổi, nặng nhất là dưới 3 tuổi. Khi thấy trẻ có dấu hiệu như xuất hiện nốt hồng ban bóng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, trong khoang miệng kèm theo triệu chứng sốt, quấy khóc, ngủ giật mình chới với… thì nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế khám, điều trị. Dấu hiệu trước khi chuyển độ là sốt cao khó hạ nhiệt, ngủ giật mình chới với, hốt hoảng, do đó phụ huynh cần để ý trẻ nhiều hơn.
Để chủ động phòng chống bệnh TCM, giảm đến mức thấp nhất số trường hợp và không để bùng phát, bác sĩ Quy khuyến cáo phụ huynh, nhà trường cần thực hiện các biện pháp phòng bệnh cho trẻ như rửa tay sạch sẽ, cho trẻ chơi đồ chơi sạch, ăn uống sạch, ở sạch. Đồng thời cũng giáo dục, hướng dẫn trẻ các kỹ năng này như một thói quen. Khi phát hiện trường hợp mắc TCM cần cách ly nhằm ngăn chặn tình trạng lây bệnh.
Số ca mắc sốt xuất huyết chưa giảm
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, tính đến tuần 38, TP ghi nhận 14.239 trường hợp mắc TCM. Trong tuần 38 (từ ngày 12-9 đến 18-9), TP ghi nhận thêm 508 ca bệnh, tăng hơn 28% so với trung bình 4 tuần trước đó. Trong đó, số ca bệnh tăng ở các trường hợp khám ngoại trú và giảm các trường hợp nhập viện điều trị nội trú.
Bên cạnh bệnh TCM, tính đến tuần 38, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP còn ghi nhận 56.870 trường hợp mắc bệnh SXH, tăng hơn 6,5 lần với cùng kỳ năm 2021, với số ca nặng là 1.223 ca, tỷ lệ ca nặng trên tổng số ca mắc hơn 2%, tăng hơn 3,7 lần so với cùng kỳ năm 2022.
Trong tuần 38, TP ghi nhận 2.657 ca bệnh, giảm 2,8% so với trung bình 4 tuần trước, số ca nội trú giảm 21% và ngoại trú tăng 17%. Hầu hết các quận huyện đều có số mắc giảm so với số mắc trung bình 4 tuần trước.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh lưu ý, hiện đang là giai đoạn chuyển mùa nên bệnh hô hấp có khuynh hướng tăng. Điều quan trọng nhất người lớn cần làm là theo dõi nhịp thở của trẻ. Nếu trẻ sốt, ho nhưng vẫn ăn uống, bú sữa, chơi bình thường thì chỉ cần chữa triệu chứng. Tuy nhiên, khi thấy trẻ thở nhanh hoặc thở rút lõm, bỏ ăn, bỏ bú cho thấy có khả năng đường hô hấp có biến chứng viêm phổi hoặc kèm theo bệnh khác nặng hơn cần phải đưa trẻ đến bệnh viện khám điều trị kịp thời. Cũng có thể đưa trẻ đến khám điều trị tại các cơ sở y tế gần nhà, hạn chế những nơi đông đúc tránh lây nhiễm chéo. Chú ý cho trẻ uống đủ nước làm loãng đàm và theo dõi sát các triệu chứng nặng của bệnh. Trường hợp trẻ bị bệnh tim bẩm sinh, chậm phát triển, bệnh phổi mãn tính, suy dinh dưỡng nên đưa trẻ đi khám, điều trị sớm nhằm tránh biến chứng. Người lớn khi bị cảm, có virus hô hấp, không có biểu hiện nặng vẫn phải đeo khẩu trang và hạn chế tiếp xúc trẻ. Nếu làm các nghề tiếp xúc nhiều như dạy trẻ, tiếp tân, trước khi chăm sóc trẻ phải rửa tay, thay quần áo để cắt nguồn lây. Cố gắng không để bệnh lây trong trường học và hạn chế lây tại nhà. |
Bên cạnh đó, ghi nhận 1 trường hợp tử vong do SXH tại huyện Nhà Bè. Báo cáo bổ sung 3 ca tử vong khác tại quận 4, Gò Vấp và KV2 – TP.Thủ Đức từ những tuần trước. Tổng số ca tử vong do SXH từ đầu năm đến nay là 23 trường hợp, tăng 19 ca so với cùng kỳ năm 2021.
Trong tuần, TP cũng ghi nhận 153 ổ dịch mới phát sinh ở 91 phường, xã thuộc 20/22 quận huyện, TP.Thủ Đức; giảm 3 ổ dịch mới so với tuần 37.
SXH là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do virus Dengue gây ra. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm virus sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Đến nay, bệnh chưa có vắc-xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh (cố vấn Khối Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1) cho biết hiện nay bệnh vẫn có sự gia tăng. Cách phòng ngừa phụ thuộc vào muỗi vằn. Do đó, “từ cộng đồng, mỗi gia đình đến các nhà trường cần có biện pháp diệt muỗi, diệt lăng quăng và phòng muỗi đốt. Khi phát hiện trẻ sốt quá 48 tiếng phải đưa đến cơ sở y tế khám điều trị kịp thời. Đặc biệt, trẻ sốt cao không kèm theo các dấu hiệu phải xét nghiệm máu mới phát hiện được”, bác sĩ Khanh khuyến cáo.
Linh Anh
Bình luận (0)