Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Kênh mua hàng online, dịch vụ đi chợ hộ quá tải

Tạp Chí Giáo Dục

Sau bốn ngày siết chặt giãn cách xã hội theo phương châm “ai ở đâu, ở yên đó”, nguồn thực phẩm dự trữ của nhiều gia đình ở TPHCM đã dần cạn nhưng các kênh mua hàng chính thức (nhờ đoàn thể mua hộ, đặt mua theo combo) lại liên tục bị tắc nghẽn. Trong khi đó, phía siêu thị cũng không bán được nhiều hàng và trên thị trường, đã xuất hiện tình trạng mua bán tự phát.

Quá tải đơn hàng 

Sáng 26/8, một cụ ông khoảng 70-80 tuổi đến cửa hàng VinMart+ trên đường Trần Quang Diệu, Q.3 tìm cách mua hàng. Cửa hàng đã dùng các thùng hàng lớn chắn ngang cửa ra vào với tấm biển nhỏ thông báo chỉ nhận đơn hàng online. Ông cụ năn nỉ nhân viên bán cho ít hàng nhưng bị từ chối vì sợ bị xử phạt, dù ông cụ đã cố gắng giải thích rằng không biết gì về online, mạng xã hội.

Người già gặp không ít khó khăn khi mua hàng hoá trong mùa dịch

Ông và một số người đứng đợi một lúc, đành chấp nhận ra về. Họ cho biết, chưa từng được hướng dẫn mua hàng hóa như thế nào. Họ không muốn ra đường nhưng thực phẩm trong nhà đã gần hết nên buộc phải đi bộ đến cửa hàng gần nhà để tìm mua.

Hiện giờ, hầu hết các cửa hàng tiện lợi ở TPHCM đều quá tải đơn hàng và thiếu rau, củ để cung ứng. Các siêu thị thiết kế combo sản phẩm để phối hợp với chính quyền địa phương cung ứng cho người dân đặt mua, nhưng cư dân nhiều nơi cho biết vẫn chưa có ai liên hệ lên danh sách mua hàng, hoặc đặt hàng không được do hệ thống thường xuyên quá tải.

Theo phản ánh của một số người dân ở P.17, Q.Gò Vấp, họ có tham gia nhóm chat trên Zalo tổ dân phố, được hướng dẫn đặt hàng từ các hệ thống cửa hàng tiện lợi VinMart, Bách hóa Xanh, Co.op Food… nhưng không truy cập, đặt hàng được do các cửa hàng quá tải lượng đơn.

Lãnh đạo UBND P.17 cho biết, các cửa hàng tiện lợi đang thiếu hàng nên không thể nhận nhiều đơn và giao nhanh được; địa phương cũng đang thiếu lực lượng đi chợ hộ cho người dân. Khi chúng tôi hỏi về việc gửi combo sản phẩm của siêu thị để người dân đặt hàng, chính quyền giao hộ, vị này nói chưa biết đến hình thức này.

Một số khách đang mua thịt tại một điểm bán tự phát ở Q.1. Ảnh: Quốc Thái

Người dân ở P.Bàu Cát, Q.Tân Bình phản ánh, họ đặt hàng nhưng không được giao ngay trong ngày. Có người đặt 10 sản phẩm, chờ tới 2-3 ngày mới được giao, nhưng cũng chỉ có hai sản phẩm, rau xanh nhận được thì bị dập nát hơn một nửa. Chị Phương, một người dân ở đây, cho biết chị tham gia 3-4 nhóm Zalo của các cửa hàng VinMart, Bách hóa Xanh, đặt hàng 3-4 ngày mà vẫn không mua được hàng. Hầu hết cửa hàng bắt đầu nhận đơn đặt hàng từ sáng sớm. Sợ quá tải, chị Phương soạn sẵn đơn hàng từ 1g, 2g khuya, đến sáng sớm là đặt ngay nhưng vẫn bị hủy đơn. 

Người đi chợ hộ cũng quá tải 

Trong khi người dân rất khó mua hàng thì đại diện một số siêu thị thông tin, đơn đặt hàng họ nhận được vẫn chưa nhiều, bởi họ chỉ nhận đơn từ đầu mối chính quyền địa phương (sau đó đầu mối này phân phối hàng xuống các hộ dân) chứ không nhận đơn hàng lẻ. Hiện chỉ có 10% nhân viên siêu thị được đi làm, một số nhân viên còn chưa được cấp giấy đi đường nên thiếu nhân sự, không giao nhiều đơn hàng được. Hàng trong siêu thị không thiếu nhưng đội ngũ mua hộ phối hợp chưa nhanh nên hàng hóa chậm đến với nhiều người dân. 

Đại diện VinCommerce cho biết, đến sáng 26/8, mới có 30% nhân viên của VinMart/VinMart+ được cấp giấy đi đường, khâu vận chuyển hàng hóa và giao hàng online mới có thể thuận lợi hơn. Tuy nhiên, với hàng ngàn đơn online đang tồn và lượng đơn mới tiếp tục tăng mạnh, lực lượng nhân viên được cấp giấy đi đường còn quá mỏng để có thể đáp ứng. Hiện xe tải chở hàng thiết yếu của siêu thị và các cửa hàng trong hệ thống không qua được nhiều chốt kiểm soát tại các phường, quận trong TPHCM. Nhiều xe phải quay đầu về kho, dẫn tới việc bổ sung hàng hóa, thực phẩm cho các siêu thị, cửa hàng gặp khó khăn. 

“Chúng tôi mong các cơ quan chức năng sớm giải quyết vướng mắc này để việc vận chuyển hàng hóa tới siêu thị và cửa hàng được thông suốt. Chúng tôi cũng mong Sở Công Thương, Công an TPHCM đẩy nhanh việc cấp bổ sung giấy đi đường cho nhân viên hệ thống bán lẻ, bổ sung nhân viên bán hàng đã được tiêm vắc-xin và test định kỳ COVID-19 vào lực lượng giao hàng, góp phần giảm tải áp lực cho lực lượng quân đội, giúp người dân mua sắm thuận tiện hơn” – đại diện VinCommerce bày tỏ.

Theo ông Lê Minh Trung – Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển doanh nghiệp TPHCM – qua nắm thực tế, việc đi chợ hộ đang gặp trở ngại, chậm trễ do chính quyền địa phương thiếu nhân sự, quá tải, lại phải ưu tiên việc phát túi an sinh cho hộ nghèo, hộ chính sách. Lượng thực phẩm dự trữ của người dân dần hết, chính quyền địa phương phải đẩy nhanh hoạt động hỗ trợ người dân mua hàng. 

Ông Lê Minh Trung cũng cho rằng, cần sự hợp tác của cả người dân vì đã có tình trạng sau khi đại diện chính quyền chốt đơn hàng với siêu thị, giao hàng đến nhà thì người dân không nhận, chê “hàng giao trễ”, “hàng không tươi”, “combo có món họ không cần”. Điều này gây tâm lý e ngại cho chính quyền vì họ giao hàng trước, nhận tiền sau và phải chịu trách nhiệm thanh toán tiền cho siêu thị. Mỗi lần mua hàng cho 3.000 hộ thì tổng tiền có thể hơn 1,5 tỷ đồng. Chưa kể, nhiều người dân không đồng ý trả tiền mặt, đề nghị chuyển khoản, trong khi nhiều cán bộ của chính quyền không rành việc chuyển khoản. Ông cho rằng, chính quyền địa phương không nên quy trách nhiệm mua hàng hộ cho tổ COVID-19 cộng đồng mà nên giao việc này cho tổ dân phố, khu phố.

Mua bán tự phát nhộn nhịp

Do khó mua thực phẩm từ các cửa hàng, siêu thị, nhiều người tìm đến các điểm bán chui bằng cách đặt hàng qua điện thoại, Facebook hay Zalo cá nhân, tiệm. Trên đường An Dương Vương, Q.Bình Tân, nhiều điểm bán tạp hóa vẫn lén mở hé cửa cho khách mua hoặc treo sẵn số điện thoại và thông tin các mặt hàng trước cửa, khách xung quanh đứng từ xa gọi điện, chủ cửa hàng sẽ soạn sẵn, báo giá rồi giao hàng. 

Một cửa hàng thịt bò tươi trên đường Đinh Tiên Hoàng, Q.1 vẫn mở bán và luôn có 4-5 khách chờ lấy thịt. Không chỉ khách mua số lượng nhiều, khách mua 1-2 kg cũng được phục vụ. Để tránh bị cơ quan chức năng xử phạt, cửa hàng này yêu cầu khách đợi cách cửa hàng vài chục mét. 

Ở nhiều khu dân cư hay chung cư, các nhóm mua bán tự phát cũng hoạt động online xôm tụ. Tại các chung cư Lê Thành (Q.Bình Tân), The Avila (Q.8), khách đặt mua sẽ được giao hàng tận nhà, bất kể giờ giấc. Không chỉ bán rau củ, thịt, cá, các nhóm này còn bán thuốc, trà sữa, bún bò, bún mắm… Theo ghi nhận của chúng tôi, giá bán vẫn như trước đây. Ở một số khu chung cư tại Q.7, giá bán nhiều mặt hàng tăng vọt: giá cam sành loại 2 từ 20.000 – 30.000 đồng/kg nay vọt lên 80.000 đồng/kg, giá thịt gà ta từ 120.000 đồng/kg tăng lên 180.000 đồng/kg.

Tại Q.Gò Vấp, một đầu mối chuyên bán hàng online vẫn nhận cung ứng hàng, giao tận nơi nếu bên mua tổng hợp nhu cầu, đặt đủ thùng hàng 30kg. Người này cho biết, hàng được gửi từ Lâm Đồng xuống, có đủ rau củ, trái cây, thịt heo, thịt gà, cá… 

Tiếp nhận phản ánh của phóng viên, ông Nguyễn Nguyên Phương – Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM – cho rằng, lãnh đạo UBND TPHCM đã chỉ đạo rất rõ: chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm về việc đi chợ hộ cho người dân. 

Ông Nguyễn Nguyên Phương nói: “Chúng tôi chịu trách nhiệm chính về nguồn hàng, còn việc phân phối hàng hóa đến người dân là trách nhiệm của chính quyền địa phương. Sở đã phân công trách nhiệm cho từng lãnh đạo phòng, đơn vị phụ trách, cán bộ hỗ trợ từng quận, huyện để nhắc nhở, đôn đốc việc đi chợ hộ, không để người dân thiếu lương thực, thực phẩm. Người dân có thể liên hệ trực tiếp những người phụ trách địa bàn, phản ánh khó khăn để họ xử lý, nếu không xử lý được thì báo ngay cho tôi xử lý”.

Về việc các cửa hàng thiếu rau củ, ông cho biết, sở đã đẩy nhanh việc cấp giấy đi đường cho các đơn vị nên trong vài ngày tới, việc vận chuyển, giao hàng sẽ ổn hơn. 

Theo Nguyễn Cẩm – Thanh Hoa – Quốc Thái/PNO

 

Bình luận (0)