Giờ học môn toán, bài Đường tròn trên mặt phẳng tọa độ và Phương trình tiếp tuyến lớp 10A12, Trường THPT Bùi Thị Xuân đón một “thầy giáo” đặc biệt. Đó là “thầy” Nguyễn Phúc Thịnh (học sinh lớp 10A12) với trải nghiệm một ngày làm giáo viên.
Nhiều học sinh thích thú khi lần đầu được sắm vai giáo viên
“Thầy” Thịnh là một trong số 93 giáo viên “nhí” của Trường THPT Bùi Thị Xuân tham gia trong trải nghiệm “Một ngày làm giáo viên” lần đầu được nhà trường tổ chức trong năm học 2023-2024.
“Sắm vai” để hiểu hơn nghề giáo
Điều đặc biệt là trong ngày sắm vai giáo viên, những giáo viên “nhí” được Trường THPT Bùi Thị Xuân trao toàn quyền như một giáo viên thực thụ. Phòng giáo viên được thầy cô “nhường” cho giáo viên “nhí” sinh hoạt. 13 tổ trưởng chuyên môn “nhí” cũng được ra mắt trong ngày trải nghiệm để các em điều hành sinh hoạt chuyên môn của mình. Trong tiết dạy, các em được phép cho điểm cộng, được ghi sổ đầu bài.
Để đứng được tiết dạy, “thầy” Thịnh đã mất 2 ngày soạn kế hoạch bài dạy. Để bài học trở nên sinh động, dễ hiểu, “thầy” đã tham khảo thêm phương pháp dạy học từ tài liệu của trường, từ giáo viên và các video trên mạng.
“Cảm giác trở thành một giáo viên đứng lớp em thấy rất tự hào. Thế nhưng, sợ nhất là khi mình dạy mà các bạn không hiểu. Em khuyến khích các bạn trong lớp tương tác và cho điểm cộng. Em thấy đây là trải nghiệm rất hữu ích. Khi đứng ở vị trí giáo viên đã giúp em hiểu hơn về công việc của thầy cô, thấy thầy cô đã phải vất vả rất nhiều, cảm giác của thầy cô khi phải đứng nhiều tiết liên tục, phải nói cho người khác nghe và người khác hiểu. Trải nghiệm cũng giúp em phần nào hình dung được công việc của giáo viên, định hướng cho công việc sau này của mình…” – Phúc Thịnh chia sẻ.
Trước giờ lên lớp môn địa lý lớp 11A13, “thầy” Đoàn Kim Sơn (học sinh lớp 11A13) cảm thấy khá hồi hộp. Tranh thủ trước giờ lên lớp, “thầy” kiểm tra lại giáo án, điểm lại những phần kiến thức sẽ dạy trong giờ học, để tiết dạy có thể tròn trịa nhất. Trước đó, để chuẩn bị cho trải nghiệm sắm vai một ngày làm giáo viên, Sơn đã dành thời gian 2 tuần để nghiên cứu bài học, chuẩn bị thêm các phần kiến thức, hình ảnh, các phần trò chơi, câu hỏi tương tác, với mong muốn mang đến 1 tiết học thú vị nhất.
“Địa lý là môn học có thể giúp hình dung dễ dàng về kiến thức của nhiều môn học khác như toán, vật lý, hóa học. Thông qua tiết dạy của mình, em mong muốn các bạn sẽ nhìn thấy được sự thú vị của môn học, thêm yêu thích hơn môn học. Trải nghiệm một ngày làm giáo viên giúp em có cơ hội để hiểu hơn về công việc của thầy cô mình…”.
Dự giờ tiết dạy của học sinh lớp 10A9 sắm vai giáo viên môn tiếng Anh, cô Huỳnh Thanh Tâm Minh – giáo viên môn tiếng Anh, Trường THPT Bùi Thị Xuân – bất ngờ trước phong thái tự tin của học sinh khi đứng trên bục giảng cũng như sự đón nhận một cách nghiêm túc của học sinh trong lớp khi thấy bạn bè mình trong vai giáo viên.
“Để các em đứng lớp, giáo viên chỉ đóng vai trò định hướng về phần kiến thức giúp các em lựa chọn dạy phù hợp, chọn các công cụ hỗ trợ để thiết kế bài học, tiến trình của một kế hoạch bài dạy. Vì vậy, chứng kiến các em đứng lớp với phong thái tự tin, đầu tư nghiêm túc cho tiết dạy, làm chủ bục giảng khiến tôi rất bất ngờ. Các bạn học sinh trong lớp cũng rất tập trung, ủng hộ bạn mình đứng lớp. Không khí lớp trở nên rất mới lạ, thu hút nhưng đầy hứng khởi. Giáo viên nhí tổ chức các hoạt động trò chơi rất sôi động, nên bạn bè trong lớp giơ tay rất nhiệt tình…” – cô Tâm Minh bày tỏ.
Đổi mới hướng nghiệp một cách có chiều sâu, thực chất
Thạc sĩ Huỳnh Thanh Phú – Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân cho hay, “Một ngày làm giáo viên” nằm trong chuỗi các hoạt động xây dựng trường học hạnh phúc được nhà trường đẩy mạnh triển khai trong năm học này, tạo ra sân chơi rèn luyện kỹ năng, kiến thức sôi nổi trong toàn trường. Thông qua hoạt động trải nghiệm, nhà trường mong muốn việc tổ chức công tác hướng nghiệp, cụ thể là hướng nghiệp trong ngành sư phạm được thực hiện một cách trực quan, sinh động. Khi được sắm vai làm giáo viên, được trực tiếp đảm nhiệm những công việc mà giáo viên vẫn thường làm là soạn giáo án, đứng lớp, thể hiện phong thái đứng lớp, làm việc với giáo viên hướng dẫn… các em sẽ có những hình dung rõ rệt, cụ thể hơn về công việc của một người giáo viên, thấu hiểu tình cảm, nỗi vất vả của thầy cô và sự vinh quang của nghề giáo. Từ đó sẽ hình thành cho các em tình yêu thương hơn nữa với thầy cô của mình. Qua hoạt động cũng là cách để nhà trường tiếp lửa tình yêu nghề giáo cho học sinh.
“Trong trải nghiệm này, giáo viên chỉ đóng vai trò hỗ trợ cố vấn. 2 tuần trước khi tiết dạy diễn ra, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn đã đồng hành, hướng dẫn các em không chỉ về kiến thức mà còn là về phong thái, tác phong. Và hoàn toàn bất ngờ khi đứng trên bục giảng các em lại tự tin đến vậy. Nhiều em đã thể hiện được bản lĩnh khi làm chủ được bục giảng, tiết dạy, tiết chế được các hoạt động, truyền tải bài dạy một cách sinh động, hấp dẫn” – thầy Phú hào hứng.
Cảm giác các em như giáo viên thực thụ 96 điểm là số điểm mà thầy Võ Minh Luân (giáo viên môn tiếng Anh, Trường THPT Bùi Thị Xuân) chấm về tiết dạy của một giáo viên nhí trong giờ dạy tiếng Anh lớp 11A15. Kết quả được chấm dựa trên 4 tiêu chí: cảm nhận của giáo viên, hưởng ứng của lớp, phương pháp, kỹ năng mà học sinh sử dụng. “Cảm giác như một giáo viên thực thụ đang đứng trên bục giảng chứ không phải là một học sinh đang sắm vai giáo viên. Điều đặc biệt là cách mà giáo viên nhí truyền tải bài học rất ngắn gọn, dễ hiểu, học sinh trong lớp rất hưởng ứng. Chỉ hơi tiếc một chút là có thể do thiếu kỹ năng nên trong quá trình dạy từ vựng, với những hình ảnh được trình chiếu minh họa cho từ vựng thì giáo viên nhí lại quên khai thác hình ảnh mình đưa vào, tập trung nhiều vào phần nói”. |
Hiệu trưởng Huỳnh Thanh Phú nhận định, Chương trình GDPT 2018 xác định bậc THPT là giai đoạn định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Điều này đặt ra vai trò lớn cho mỗi nhà trường, làm sao phải đổi mới công tác hướng nghiệp, đa dạng các hoạt động hướng nghiệp, để hướng nghiệp thực sự đi vào chiều sâu, thực chất, khơi gợi đúng năng lực của học sinh qua đó giúp các em hướng được nghề nghiệp cho bản thân mình.
Việc hướng nghiệp này không chỉ thể hiện trong từng tiết học của mỗi bộ môn, để học sinh thấy kiến thức môn học gắn với mỗi ngành nghề, đời sống. Hướng nghiệp thông qua hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp, qua hoạt động nghiên cứu khoa học, sân chơi nghệ thuật, các câu lạc bộ thể dục thể thao. Bên cạnh đó là phối hợp với các trường đại học để tổ chức công tác hướng nghiệp…
“Điều quan trọng nhất mà mỗi hoạt động hướng nghiệp đều cần phải hướng tới đó là phải hình thành phẩm chất và phát triển kỹ năng, năng lực cho học sinh. Thông qua chính các hoạt động, các em sẽ hình thành nên kiến thức, thành thạo kỹ năng, trở thành công dân toàn cầu…”.
Trước đó, chương trình “Một ngày làm giáo viên” cũng đã được tổ chức tại Trường THPT Nguyễn Du trong suốt 6 năm. Qua từng năm, theo thống kê của trường, số học sinh tham gia tuyển sinh vào các trường đại học đào tạo giáo viên đều tăng theo từng năm…
Giang Quân
Bình luận (0)