Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Học viết báo từ những điều răn của Bác Hồ

Tạp Chí Giáo Dục


Bác H trò chuyn thân mt vi nhà văn, nhà báo Thái Duy và nhà văn Phan T

1. Sinh thời, khi nói chuyện về cách viết văn, viết báo, Bác Hồ nêu ra 18 điều răn:

Dân tộc hóa: Không dùng một chữ nước ngoài nếu không cần; Không viết một câu theo cách đặt chữ của nước ngoài nếu không cần; Không dùng điển tích của nước ngoài nếu không ích gì; Không được ly dị với truyền thống văn chương quý báu của dân tộc; Không được miệt thị và hằn ghét cái hay của văn nghệ nước ngoài; Không miệt thị văn nôm. Khoa học hóa: Không viết một câu sai văn phạm; Không dùng một tiếng thừa, không dùng văn hoa cầu kỳ; Không viết một câu mà người đọc hiểu lầm hai cách; Không làm cho văn và lời nói sai biệt nhau; Không được viết lộn xộn; Không dùng một câu sáo cũ trong nước và ngoài nước (tức là những câu huênh hoang rỗng tuếch). Đại chúng hóa: Không sợ dùng tiếng phổ thông của đại chúng; Không viết một câu mà người đọc bình thường không thể hiểu; Không được viết chỉ để một số ít thượng lưu hiểu mà thôi; Không được viết dài dòng, dẫn sách vở một cách vô ích để lòe thiên hạ; Không được vì muốn phổ cập quần chúng mà xao lãng nâng cao trình độ nhân dân; Không được vì đại chúng hóa mà dùng câu thô tục. Chú ý: Khi viết văn phải nhớ tới phong trào. Khi viết xong không nên chủ quan, phải sửa chữa cẩn thận(1).

Khi bàn về việc “nói”, ông bà ta thường bảo phải “uốn lưỡi bảy lần” để cân nhắc, lựa lời, lựa cách nói cho phù hợp. Khi bàn về việc “viết”, ông bà ta lại cảnh báo “bút sa gà chết”, cũng để cẩn thận, lựa từng từ từng chữ, từng ý tứ để đạt hiệu quả thể hiện cao nhất mà cũng tránh được những hậu quả nguy hiểm do việc viết sai gây ra.

2. Dân tộc hóa, khoa học hóa, đại chúng hóa là những yêu cầu của nền văn hóa cách mạng theo hệ tư tưởng mácxít, được nêu lên từ Đề cương Văn hóa (năm 1943). Áp dụng vào báo chí, 3 yêu cầu này cũng rất quan trọng và cần thiết. Trong đó, tính dân tộc hóa trên lĩnh vực báo chí có thể hiểu là người làm báo phải trung thành với ngôn ngữ dân tộc, văn hóa dân tộc nhưng cũng đồng thời không được phê phán các nền văn hóa nước ngoài và phải mạnh dạn tiếp thu những tinh hoa văn hóa của nhân loại. Dân tộc hóa, nói như Bác Hồ đã dạy, là không được “sính chữ”, tức là những từ đã có cách diễn đạt tương đương bằng tiếng Việt thì không dùng từ Hán – Việt hoặc tiếng nước ngoài. Chẳng hạn, thay vì nói “giúp nhau”, nhiều người lại dùng từ “hỗ trợ”, “tương trợ” (mà có lần Bác dí dỏm phê bình mà cũng hết sức sâu sắc: “tương trợ” rồi có “mắm trợ” không?); hoàn toàn có thể dùng “xe công” thì vẫn khi thấy từ “công xa” trên báo chí; rồi “thủy lượng kế” mà không phải là “đồng hồ nước”… Hay thay vì dùng “loạt sút luân lưu” thì nhiều người lại thích viết “loạt penalty”; thay vì nói “bán giảm giá” thì vẫn có người ưa dùng “sale off”, tuổi “teen” thay vì có thể là “tuổi trăng tròn” hoặc “tuổi ô mai”… Ngoài ra, người viết cũng cần tránh cách dùng câu theo lối tư duy và cách diễn đạt của người nước ngoài. Chẳng hạn, “Một âm mưu khủng bố vừa được khám phá, theo người phát ngôn cảnh sát Jakarta” thì ít tính Việt bằng “Cảnh sát Jakarta vừa khám phá một âm mưu khủng bố”; cũng như vậy, nên dùng câu “Đây chức vô địch thế giới lần thứ năm của Brazil, sau kỳ World Cup gần đây nhất vào năm 1994” thay vì “Đây là chức vô địch lần đầu tiên kể từ năm 1994”…

Tính khoa học hóa là phải đảm bảo viết đúng, đúng từ ngôn ngữ, đúng chính tả, diễn đạt mạch lạc, súc tích và phải làm cho người đọc hiểu đúng ý tác giả muốn thể hiện. Ngay cả việc đúng chính tả, điều tưởng đơn giản hóa ra vẫn có nhiều người mắc lỗi, chẳng hạn, thay vì viết “vô hình trung” thì có người vẫn viết là “vô hình chung”, “ngành giáo dục” thì vẫn lầm thành “nghành giáo dục” hay “khuếch tán” thì viết thành “khuyếch tán”… Việc dùng từ không phải lúc nào cũng chính xác, nhất là với từ Hán – Việt hoặc từ có gốc tiếng nước ngoài. Phổ biến là “điểm yếu” với “yếu điểm” (hai từ này nghĩa hoàn toàn khác nhau), “nỗ lực” lại dùng cùng với “cố gắng” (hai từ này thực ra có cùng một nghĩa), “týp người” (type – mẫu) với “ống tuýp” (tube – ống rỗng), “style” hay “xì tai” hoặc “xì tin” thay vì có thể dùng từ “phong cách”… Dù sao những cách này cũng ít gây ra hiểu lầm như việc diễn đạt mơ hồ. Chẳng hạn, “Anh Trần Văn An, con ông Trần Văn Bình, Chủ tịch UBND xã, là người đầu tiên phát hiện vụ việc”, người đọc không hiểu rốt cuộc ai là chủ tịch, ai là người đầu tiên phát hiện vụ việc. Rõ ràng, trong giao tiếp hàng ngày, diễn đạt sai còn gây ra những phiền toái đáng tiếc huống chi đăng trên báo, đôi khi gây ra hậu quả khó lường.

Tính đại chúng hóa nên hiểu là phải cố gắng diễn đạt bằng ngôn ngữ và cách hiểu của đông đảo người đọc, trừ những ấn phẩm mang tính chuyên môn sâu hoặc tính chuyên ngành cao. Tức là không nên quá cầu kỳ trong cách dùng từ, cách đặt câu và nên sử dụng từ phổ thông thay vì từ chuyên môn. Tuy nhiên, cũng không vì để dễ hiểu, dễ đọc mà chỉ dùng cách phiên âm tên nước mà không cho người đọc biết chính xác tên theo ngôn ngữ thông dụng (nhất là tiếng Anh). Chẳng hạn, nhiều người sẽ không biết rằng Goethe (đại văn hào Đức) với Guây-thơ, Gớt thực ra chỉ là một; Franklin (nhà khoa học và nhà chính trị Mỹ) với Phrăng-lin, Phơ-răng-cơ-lanh cũng chỉ là một. Trong điều kiện hội nhập hiện nay, nếu chỉ dùng từ phiên âm (thường không thể phiên đúng cách phát âm của cái tên đó) thì khi gặp từ nước ngoài, người trong nước sẽ không biết, còn dùng cách phiên âm đó để nói với người nước ngoài thì họ cũng không thể hiểu được.

3. Điều cuối cùng, Bác Hồ dặn: “Khi viết xong không nên chủ quan, phải sửa chữa cẩn thận”. Dù trong tư tưởng đã thông suốt việc đảm bảo tính dân tộc, khoa học, đại chúng nhưng trong quá trình viết có thể có sự nhầm lẫn, sơ suất làm bài viết mắc những lỗi nào đó, ảnh hưởng đến yêu cầu của tư tưởng đó. Trên thực tế, viết một tác phẩm nhiều khi không liên tục hoặc bị ảnh hưởng bởi những tác động xung quanh nên bài viết có thể rơi vào tình trạng “đầu Ngô mình Sở”, rối rắm. Vì vậy, mỗi khi viết xong, cần phải đọc lại ít nhất 3 lần: lần đầu đọc nhanh, điều chỉnh ngay những lỗi kỹ thuật, những chi tiết, những tư liệu chưa chính xác; lần sau đọc chậm hơn, nghiền ngẫm kỹ hơn để định lượng các chi tiết, các tư liệu và cách diễn đạt, cách lập luận; lần sau cùng (không nên đọc ngay sau đó, vì sau khi đọc nhiều lần, người viết dễ bị “bão hòa”, ít nhạy bén để phát hiện ra các khiếm khuyết hoặc có sáng kiến để trau chuốt bài tốt hơn, đây là tính “chủ quan” mà Bác Hồ đã nói đến) đọc chậm và cân nhắc từng chi tiết, từng câu từng chữ, từ đó gọt giũa, ít nhằm làm bài viết “đúng hơn” mà chính là làm cho bài “hay hơn”, “đẹp hơn”.

Xét cho cùng, sáng tác một tác phẩm báo chí cũng là tham gia một hoạt động văn hóa có ảnh hưởng nhất định đến xã hội. Vì vậy, nói tính dân tộc, khoa học, đại chúng là một yêu cầu mang tính khái quát cao; xét cho cùng bên cạnh tính định hướng của tác phẩm, điều rất quan trọng là người viết báo phải hết sức cẩn thận, phải viết cho đúng, viết cho chính xác, trước khi xét đến việc viết cho hay, cho đẹp!

Nguyn Minh Hi

(1) Văn Hồ Chủ tịch, tác phẩm chọn lọc (dùng trong nhà trường), NXB Giáo dục giải phóng, 1973, tr. 217 – 218.

Bình luận (0)