Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Sự can thiệp kịp thời của giáo viên sẽ giúp học sinh bớt tổn thương

Tạp Chí Giáo Dục

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Dương Trí Dũng nhấn mạnh, công tác tư vấn tâm lý học đường là một nội dung cực kỳ quan trọng mà ngành giáo dục tập trung thực hiện trong năm học này, nhất là HKI. Làm sao vừa thực hiện việc dạy- học online vừa chăm sóc đội ngũ giáo viên, học sinh, đặc biệt là những học sinh chịu nhiều tổn thương trong dịch COVID-19 một cách tốt nhất.


Khi học trực tuyến, giáo viên cần thay đổi cách tiếp cận để thấu hiếu và đồng hành hơn với trẻ

Nhấn mạnh này được lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM đưa ra trong Hội nghị trực tuyến tư vấn tâm lý trường học với chuyên đề “Chăm sóc sức khoẻ thể chất, tinh thần cho trẻ em bị tác động từ dịch COVID-19” do Sở GD-ĐT TP tổ chức sáng 22-9.

Trong bối cảnh học trực tuyến, các chuyên gia tư vấn cho rằng, giáo viên cần thay đổi cách tiếp cận để thấu hiếu và đồng hành hơn với trẻ. Sự can thiệp kịp thời của giáo viên sẽ giúp học sinh bớt tổn thương…

Thay đổi cách tiếp cận để thấu hiểu và đồng hành với trẻ

Chia sẻ trong hội nghị, TS. Phạm Phương Thảo (Phó Chủ nhiệm Bộ môn Giáo dục Sức khoẻ Tâm lý y học, ĐH Y Dược TP.HCM; Trưởng khoa Tâm lý Lâm sàng, BV Lê Văn Thịnh) khẳng định, dịch COVID-19, “đóng cửa” tạo ra cảm giác sợ hãi, bất lực, lo lắng, căng thẳng, ảnh hưởng đến cuộc sống mỗi người theo cách chưa từng có.

So với người lớn, đại dịch có thể tiếp tục gây ra những hậu quả bất lợi lâu dài hơn đối với trẻ em và thanh thiếu niên. Trong đó, trẻ nhỏ, học sinh; trẻ em và thanh thiếu niên gặp khó khăn về sức khoẻ tâm thần; trẻ kém may mắn về kinh tế; trẻ bị tác động do cách ly và tách biệt với cha mẹ là những đối tượng chịu nhiều tác động nhất. Với những em đã có sẵn sự tổn thương thì sẽ rất dễ suy sụp.

Theo chuyên gia này, để phòng ngừa và nâng cao sức khoẻ tâm thần cho trẻ, nhất là nhu cầu sức khoẻ tâm thần trong đại dịch, giáo viên cần giúp cha mẹ tương tác một cách xây dựng với trẻ như trao đổi về dịch, giáo dục trẻ về thói quen vệ sinh và giãn cách xã hội, tham gia vào các hoạt động vui chơi sáng tạo trong nhà, hiểu về trách nhiệm xã hội của bản thân…

Đặc biệt, cần tham vấn cho cha mẹ về vai trò của mình đối với sức khoẻ tâm thần của trẻ. “Môi trường gia đình an toàn mà cha mẹ có thể cung cấp là một yếu tố bảo vệ trẻ mạnh mẽ nhất trong đại dịch. Cha mẹ là hình mẫu tốt nhất cho trẻ và gia đình thực tế là nơi tốt nhất để trẻ học hỏi kỹ năng sống. Biện pháp ứng phó và thực hành của cha mẹ trong dịch sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ tâm thần của trẻ sau dịch”, TS. Thảo lưu ý.

Trong bối cảnh học online, chuyên gia này cảnh bảo, việc sử dụng internet, mạng xã hội ngày càng gia tăng khiến trẻ có xu hướng bắt buộc sử dụng internet, truy cập nội dung phản cảm, làm tăng nguy cơ bắt nạt trực tuyến hoặc lạm dụng. Tệ hơn, thời gian này trẻ cũng khó có thể báo cáo bạo lực, lạm dụng và tổn hại nếu bản thân bị bạo hành.

Bà nhìn nhận, chính sự liên hệ thường xuyên khi học trực tuyến, giáo viên sẽ đóng một vai trò quan trọng trong thúc đẩy tâm lý tốt cho học sinh. Vì vậy, thầy cô cần dành thời gian để giáo dục học sinh về COVID-19 và hành vi sức khoẻ dự phòng, giải thích cho học sinh về trách nhiệm trong bối cảnh dịch hiện nay, giúp các em nhận thức được rằng “xa cách xã hội không tương đương với xa cách về cảm xúc”.

“Giai đoạn này, cách tiếp cận của giáo viên với học sinh cần phải thay đổi thông qua phụ huynh, để phụ huynh hiểu những khó khăn của trẻ khi học tập trong môi trường tại nhà, từ đó có sự thấu hiểu và đồng hành. Trong đó, chú ý đến những trẻ kém may mắn, khó khăn hoặc không có điều kiện học trực tuyến, đảm bảo các em tiếp cận việc học và giáo dục kỹ năng sống”, TS. Thảo nhấn mạnh.

Kiện toàn lại đội ngũ của tổ tư vấn tâm lý học đường

Nhận định, trẻ em không phải là nhóm nguy cơ cao với COVID-19, ThS. Lê Huỳnh Thị Cẩm Hồng (NCS ngành Khoa học sức khoẻ, ĐH Queensland, Úc) cho hay, trẻ ở tất cả các độ tuổi đều có thể nhiễm song tỷ lệ trẻ không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ cao hơn người lớn và rất hiếm tử vong.

“Trong môi trường tại nhà, chăm sóc sức khoẻ cho trẻ trước dịch COVID-19 thì gia đình, nhà trường cần giúp trẻ hình thành các thói quen tốt, vệ sinh tay thường xuyên, sử dụng khẩu trang đúng cách, vệ sinh môi trường xung quanh thông thoáng”.

Với băn khoăn của giáo viên trong hội nghị về việc “nên làm gì khi học sinh có “nhà không là mái ấm””, TS. Phạm Phương Thảo chỉ rõ, trước hết thầy cô cần đồng hành giúp học sinh biết thương yêu chính bản thân mình. Có thể chỉ là lắng nghe các em khóc, để các em biết rằng khi mình cần luôn có người kế bên, “sự sẵn sàng đó của thầy cô cũng là một sự hỗ trợ”, bà nói.

Trong khi đó, PGS.TS Phạm Lê An (Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ dự án và đổi mới sáng tạo; Giám đốc Trung tâm Đào tạo Bác sĩ gia đình, ĐH Y Dược TP.HCM) lại dành nhiều lưu ý trong việc chăm sóc trẻ em bị mất người thân do dịch COVID-19.  Theo ông, mỗi trường hợp sẽ cần đến cách tiếp cận khác nhau, thời gian tiếp cận khác nhau của giáo viên, đòi hỏi thầy cô phải có kiến thức về sức khoẻ tâm thần, sự đầu tư, đi sát, đeo đuổi về cả thời gian và sự chăm sóc..

Mỗi một câu chuyện, những mức độ tổn thương ở trẻ sẽ khác nhau đỏi hỏi các bên phải cùng ngồi lại, giúp các em nhanh chóng phục hồi. “Một vết thương vừa mới ửng đỏ lên, nếu chúng ta xử lý cho đúng, giữ sạch thì chỉ vài ngày là hết. Nhưng nếu chúng ta để cho vết thương nhiễm trùng thì có bôi thuốc thế nào cũng sẽ hình thành vết sẹo dai dẳng. Sự can thiệp kịp thời của giáo viên sẽ giúp các em bớt tổn thương…”, PGS.TS Phạm Lê An nêu ví dụ.

Chiến lược chăm sóc sức khoẻ thể chất, tinh thần cho trẻ bị tác động từ dịch COVID-19 là một trong những nội dung quan trọng, cốt lõi được ngành GD-ĐT TP.HCM chú trọng triển khai trong năm học này, xuyên suốt mọi thời điểm.

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP Dương Trí Dũng lưu ý, các nhà trường phải sát sao nắm bắt tâm lý học sinh, nhu cầu nguyện vọng của đội ngũ, báo cáo, đề xuất những kiến nghị để Sở GD-ĐT tổng hợp kịp thời, trình UBND TP, HĐND TP có chế độ chính sách phù hợp cho giáo viên, học sinh, nhất là học sinh chịu nhiều tổn thương trong dịch COVID-19.

Ông nhấn mạnh, đây là một trong những yếu tố giúp “các trường học sẵn sàng khi mở cửa trở lại”, bên cạnh kế hoạch, kịch bản và phương án phòng chống dịch, phương án diễn tập trước các tình huống phát sinh khi học sinh đi học trực tiếp của mỗi nhà trường.

Lãnh đạo Sở GD-ĐT TP lưu ý, việc hỗ trợ học sinh chịu ảnh hưởng của dịch có thể thực hiện qua nhiều kênh, trước hết là từ tổ tư vấn tâm lý học đường tại mỗi nhà trường. “Với tình hình thực tế hiện nay, các phòng giáo dục, thủ trưởng các đơn vị cần chỉ đạo, kiện toàn lại đội ngũ của tổ tư vấn tâm lý để tổ hoạt động hiệu quả nhất, giúp học sinh vượt qua những sang chấn tâm lý và những yếu tố mà các em có thể mắc phải khi giãn cách, cách ly, khi là F0 hay khi học trực tuyến tại nhà, xa hơn là khi đi học trực tiếp trở lại”, ông Dũng đề nghị.

Yến Hoa

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)