Lượng hàng bình ổn thị trường năm 2024 tăng 4% – 6% so năm 2023, chiếm từ 21% – 32% thị phần trong tháng thường, chiếm từ 24% – 41% nhu cầu thị trường trong tháng Tết, đủ sức chi phối, điều tiết thị trường.
Theo chương trình, lượng hàng bình ổn thị trường năm 2024 tăng 4% – 6% so năm 2023, đủ sức chi phối, điều tiết thị trường
UBND TP.HCM vừa ban hành kế hoạch thực hiện chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng lương thực, thực phẩm, tiêu dùng thiết yếu, các mặt hàng phục vụ học tập năm 2024, Tết Ất Tỵ năm 2025 trên địa bàn TP.
Theo đó, năm 2024 chương trình bình ổn thị trường trên địa bàn TP có 69 doanh nghiệp đầu mối tham gia, tăng 10 doanh nghiệp so với năm 2023. Phần lớn các doanh nghiệp tham gia chương trình có quy mô lớn, thương hiệu uy tín, chiếm thị phần cao và là đầu mối của các chuỗi cung ứng.
So với năm 2023, chương trình mở rộng, bổ sung nhiều nhóm mặt hàng, cụ thể: bổ sung nhóm mặt hàng tiêu dùng thiết yếu: nước rửa chén, nước lau nhà, bột giặt, chất tẩy rửa, khăn giấy, túi rác phân hủy sinh học….
Bổ sung mặt hàng muối, nước uống vào nhóm các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu; bổ sung các mặt hàng thiết bị điện tử phục vụ học tập vào nhóm các mặt hàng phục vụ học tập.
Căn cứ nhu cầu, sức mua, kết quả cung ứng năm 2023, lượng hàng bình ổn thị trường năm 2024 tăng 4% – 6% so năm 2023, chiếm từ 21% – 32% thị phần trong tháng thường, chiếm từ 24% – 41% nhu cầu thị trường trong tháng Tết, đủ sức chi phối, điều tiết thị trường.
Bên cạnh đó, năm 2024 chương trình kết hợp đồng bộ với nhiều chương trình, đề án hỗ trợ sản xuất, phát triển kinh doanh của TP như kích cầu tiêu dùng, kết nối tín dụng, kết nối cung cầu, khuyến mại tập trung, xúc tiến du lịch, hợp tác kinh tế – xã hội với các địa phương thuộc các vùng kinh tế trọng điểm… Qua đó nâng cao năng lực sản xuất, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp TP nói chung, doanh nghiệp bình ổn thị trường nói riêng.
Trong chương trình hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa năm 2024 tiếp tục riển khai cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam với giải pháp trọng tâm là xây dựng chuỗi cung ứng bền vững.
Theo Sở Công thương TP, trong tháng 3 vừa qua, một số hệ thống phân phối đã ký thỏa thuận hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa với mục tiêu hàng đầu là nâng cao chất lượng hàng hóa phân phối, giúp bảo vệ sức khỏe và lợi ích người tiêu dùng.
Giải pháp chính của chương trình là gia tăng hiệu lực chế tài đối với sản phẩm không đạt chât lượng thông qua việc cùng chia sẻ thông tin, cùng hành động, cùng ngăn chặn sản phẩm kém chất lượng. Qua đó hình thành hệ thống kiểm soát chất lượng tổng hợp của toàn bộ các nhà bán lẻ tham gia chương trình thông qua phát huy năng lực kiểm soát chất lượng chặt chẽ của từng hệ thống phân phối.
Đây là cơ sở xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, bền vững trong thời gian tới, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và hướng đến xuất khẩu vào các thị trường khó tính.
Theo đó, trên nguyên tắc tự nguyện, minh bạch và trung thực, các hệ thống phân phối thống nhất xây dựng bộ nguyên tắc ứng xử, cùng đưa ra các hành động quan trọng để phát hiện và ngăn chặn sản phẩm không an toàn, cùng kiên quyết nói không đối với nhà cung cấp vi phạm tiêu chuẩn chất lượng.
Cũng trong tháng 3, Sở Công thương có buổi giao ban với một số hệ thống phân phối về tiến độ triển khai thực hiện chương trình; theo đó, ngay sau khi ký thỏa thuận, các hệ thống phân phối đã chủ động triển khai nội dung phối hợp kiểm soát chất lượng đến từng nhà cung của mình, đảm bảo các nhà cung cấp của mình biết, hiểu và đồng ý cùng tham gia thỏa thuận.
Các nhà bán lẻ cũng tiến hành vận động, đàm phán với từng nhà cung cấp, tự nguyện điều chỉnh hợp đồng cung ứng, bổ sung trách nhiệm chia sẻ thông tin trong quá trình kiểm soát chất lượng hàng hóa,…
N.Trinh
Bình luận (0)