Để đáp ứng nhu cầu bạn đọc trong thời đại số, các nhà xuất bản đã và đang chuyển hướng trong hoạt động xuất bản, phát hành sách. Nhờ đó, doanh thu và số lượng sách bán đạt được tín hiệu đáng mừng.
Ngành xuất bản, in và phát hành trên địa bàn TP.HCM hoạt động nhộn nhịp
Tiến tới nhà xuất bản điện tử
Theo bà Phan Thị Thu Hà (Phó Giám đốc Nhà xuất bản Trẻ) cho biết, cách đây vài năm, nhà xuất bản đã đầu tư hệ thống phần mềm quản lý tổng thể theo xu hướng xây dựng thành nhà xuất bản điện tử, có thể vận hành được trong bất kỳ hoàn cảnh nào, bất kỳ nơi đâu. Khi đại dịch xảy ra, nhà xuất bản đã đẩy nhanh việc triển khai và ứng dụng phần mềm này vào hoạt động. Gần như toàn bộ nhân viên không đến trụ sở nhưng các hoạt động sản xuất vẫn diễn ra bình thường, một số sách quan trọng, cần thiết kịp thời được in ấn. “Với mô hình nhà xuất bản điện tử này, nhân viên có thể làm việc tại nhà, hay tại các tỉnh thành khác trên máy tính cá nhân của mình chỉ bằng việc truy cập vào hệ thống chung của nhà xuất bản”, bà Hà cho biết.
Ông Lâm Đình Thắng (Giám đốc Sở Thông tin – Truyền thông TP.HCM) khẳng định: “So với cả nước, các doanh nghiệp ngành xuất bản, in và phát hành trên địa bàn TP.HCM hoạt động tương đối nhộn nhịp, phát triển nhanh, bền vững, có nhiều cơ hội được làm việc, giao dịch, giao lưu với quốc tế và khu vực, được cọ sát và có nhiều tiềm năng phát triển, chuyển biến nhanh phù hợp với hoàn cảnh, thay đổi điều kiện, yêu cầu của đối tác…”. |
Bên cạnh đó, Nhà xuất bản Trẻ cũng đẩy mạnh hoạt động kinh doanh sách giấy trực tuyến đồng thời phối hợp chặt chẽ với các nền tảng thương mại điện tử để có nhiều chương trình ưu đãi nhằm thu hút, khuyến khích bạn đọc mua sách trực tuyến trong điều kiện các nhà sách truyền thống đóng cửa. Song song đó, đơn vị cũng mở và đẩy mạnh hoạt động của các nhà sách trực tuyến riêng của mình trên các nền tảng như Tiki, Shopee, Lazada… giúp nhà xuất bản đạt được doanh số cuối năm đồng thời cũng đáp ứng được thói quen mua sách trực tuyến ngày càng gia tăng của độc giả.
Bà Ngô Thị Mỹ Hạnh (Phó Giám đốc Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông) nhìn nhận, Internet và các thiết bị thông minh đang trở thành phương tiện chủ yếu để người đọc tiếp cận với thông tin nói chung và sách nói riêng. Sự phát triển nhanh chóng đó, vào thời công cuộc chuyển đổi số đang diễn ra đã tác động mạnh mẽ đến mọi lĩnh vực hoạt động, trong đó có hoạt động xuất bản. “Bước vào kỷ nguyên chuyển đổi số, xuất bản sẽ là lĩnh vực chịu nhiều tác động, mà nếu biết tận dụng thì sẽ mang lại nhiều ảnh hưởng tích cực. Trong hoạt động xuất bản, nhiều thiết bị điện tử kết hợp việc ứng dụng công nghệ thông tin trong kết nối và xử lý dữ liệu đã, đang và sẽ hỗ trợ rất nhiều trong công tác xuất bản, phát hành, điển hình là các máy đọc mã vạch để tra cứu nguồn gốc xuất xứ cũng như giá của xuất bản phẩm, kết hợp hệ thống phần mềm bán hàng. Hay hiện nay nhiều xuất bản phẩm có sự tích hợp cả sách in truyền thống và ứng dụng công nghệ thông tin, điện tử như: Một số loại xuất bản phẩm như Flash card, bút chấm đọc hoặc một số loại sách in về khoa học vũ trụ, thiên văn. Với các loại xuất bản phẩm này, hình ảnh minh họa hoặc nhân vật trong sách sẽ trở nên sống động hơn với những chuyển động ba chiều khi dùng điện thoại thông minh quét lên các bức hình được in trên sách”, bà Hạnh chia sẻ.
Tín hiệu đáng mừng
Hoạt động xuất bản ở Việt Nam trong những năm gần đây có sự phát triển mạnh, ngày càng khẳng định vị trí, vai trò của mình trong lĩnh vực tư tưởng – văn hóa. Nội dung xuất bản phẩm đáp ứng ngày càng tốt hơn đời sống tinh thần của xã hội, góp phần tích cực vào nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước. Đội ngũ những người làm công tác xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng, vững vàng về chính trị, chuyên sâu về nghiệp vụ. Số đầu sách xuất bản hàng năm được đầu tư xuất 2 bản ngày một tăng, đáp ứng được yêu cầu sử dụng ngày một đa dạng của mọi đối tượng bạn đọc và từng bước xuất khẩu ra nước ngoài. Xuất bản nước ta cũng đã có nhiều đổi mới về công nghệ, phong phú về nội dung và đa dạng về hình thức, trong đó có hình thức xuất bản điện tử, đặc biệt việc là thúc đẩy phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, trong đó có xuất bản phẩm điện tử (Quyết định số 329/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 3-6-2020 phê duyệt “Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”).
Ngày càng nhiều nhà xuất bản ứng dụng công nghệ
Riêng hoạt động xuất bản trên địa bàn TP.HCM, ông Lâm Đình Thắng (Giám đốc Sở Thông tin – Truyền thông TP.HCM) cho biết, nắm bắt xu thế chuyển đổi số, ngành xuất bản, phát hành thành phố đã mạnh dạn đầu tư công nghệ hiện đại và ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý quy trình xuất bản; phát triển các loại hình xuất bản điện tử, phát hành trực tuyến, thúc đẩy ứng dụng công nghệ và thương mại điện tử như: Công ty TNHH Sách điện tử Trẻ Ybook – NXB trẻ, Kho sách online của Fahasa; Audio Book, các doanh nghiệp khởi nghiệp về xuất bản được ra đời nhiều hơn, đó là những thành quả mà trong một thời gian thành phố ban hành các chính sách khuyến khích phát triển. Các nhà xuất bản, công ty phát hành của thành phố đã đẩy mạnh việc tham gia phát hành trực tuyến, tham gia phát hành sách nói. Các sàn thương mại điện tử chuyên biệt về phát hành sách có mức tăng trưởng khá cao, sàn giao dịch sách trực tuyến, các chợ sách, hội sách trực tuyến của các công ty phát hành, nhà xuất bản thành phố được ưu tiên triển khai và mở rộng, nhất là trong thời gian dịch bệnh Covid-19 có những diễn biến phức tạp và nặng nề tại TP.HCM trong 2 năm 2020-2021 vừa qua. “So với cả nước, các doanh nghiệp ngành xuất bản, in và phát hành trên địa bàn TP.HCM hoạt động tương đối nhộn nhịp, phát triển nhanh, bền vững, có nhiều cơ hội được làm việc, giao dịch, giao lưu với quốc tế và khu vực, được cọ sát và có nhiều tiềm năng phát triển, chuyển biến nhanh phù hợp với hoàn cảnh, thay đổi điều kiện, yêu cầu của đối tác”, ông Thắng khẳng định.
Thúy Kiều
Bình luận (0)