Từ năm 2021 đến nay, toàn quốc có trên 9.400 nhân viên y tế (NVYT) xin thôi việc, bỏ việc. Làn sóng ồ ạt rời bỏ cơ sở y tế công có nhiều nguyên nhân, chủ yếu là do áp lực công việc, lương và chế độ phụ cấp chưa bảo đảm nhu cầu cuộc sống. Thực trạng này đang ảnh hưởng lớn tới hệ thống chăm sóc sức khỏe nhân dân và gây ra nhiều hệ lụy tới các thế hệ cán bộ y tế kế cận.
Ồ ạt bỏ việc
Là Trưởng Khoa Ngoại thần kinh của một bệnh viện công ở TPHCM, sau hơn 2 năm cùng các đồng nghiệp lặn lội đến nhiều địa phương chống dịch Covid-19, bác sĩ C.T.S. đã quyết định xin nghỉ việc để chuyển sang làm cho một bệnh viện tư. Theo bác sĩ C.T.S., dù vài năm gần đây ngành y tế đã được quan tâm hơn, thu nhập của cán bộ y tế có tay nghề có thể đủ sống, nhưng hơn 2 năm dịch dã vừa qua và nhiều vụ việc tai tiếng xảy ra trong ngành gần đây khiến ông cảm thấy rất mệt mỏi, áp lực. “Biết rằng khi ra làm thuê cho y tế tư nhân, chúng tôi sẽ khó có cơ hội nâng cao chuyên môn và thăng tiến, nhưng bù lại sẽ nhẹ đầu hơn và được hưởng chế độ đãi ngộ tốt hơn”, bác sĩ C.T.S. tâm sự.
Bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân
Qua ghi nhận, trường hợp như bác sĩ C.T.S. đang diễn ra rất nhiều tại các đơn vị y tế và địa phương, nhất là ở thành phố lớn. Theo Sở Y tế TP Hà Nội, chỉ trong một năm rưỡi qua, toàn thành phố có tới 860 cán bộ y tế nghỉ việc hoặc chuyển công tác, trong đó có 153 bác sĩ của nhiều bệnh viện lớn như: Đức Giang, Thanh Nhàn, Hà Đông, và hầu hết có tay nghề cao. Tại TPHCM, trong năm 2021 đã có 1.154 NVYT nghỉ việc, trong đó có 274 bác sĩ, 610 điều dưỡng; 6 tháng đầu năm 2022 có 874 NVYT nghỉ việc, trong đó có 199 bác sĩ và 391 điều dưỡng. Tổng cộng đã có 2.028 NVYT nghỉ việc, chiếm khoảng 5% tổng số nguồn nhân lực y tế của thành phố.
Theo Bộ Y tế, qua báo cáo sơ bộ của các địa phương, trong năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, cả nước có khoảng 9.400 viên chức y tế xin thôi việc, bỏ việc. Các tỉnh, thành phố có số lượng viên chức y tế xin thôi việc, bỏ việc nhiều là TPHCM, Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương, Long An… Có tới 420 NVYT công tác tại các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế cũng xin thôi việc hoặc bỏ việc, trong đó có khoảng 300 bác sĩ và điều dưỡng tay nghề cao.
Áp lực nhiều, chế độ ít
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, nguyên nhân chủ yếu dẫn tới NVYT công lập nghỉ việc, bỏ việc là do thu nhập thấp, chế độ phụ cấp chưa bảo đảm nhu cầu cuộc sống, nhất là tại các cơ sở y tế dự phòng và y tế cơ sở; hệ thống y tế tư nhân có chính sách thu hút nhân lực tốt. Bên cạnh đó là áp lực công việc cao, cường độ lao động lớn, đặc biệt từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến nay.
“Bình thường đã rất nhiều việc, thời điểm chống dịch lại càng nhiều việc hơn, khi hết dịch lại phát sinh nhiều việc khác, cộng với các công việc thường xuyên, các công việc tồn đọng gây ra áp lực rất lớn. Ngoài ra, còn do các nguyên nhân khác như lý do gia đình, sức khỏe, ảnh hưởng tâm lý do tác động của các vụ việc vi phạm quy định pháp luật trong mua sắm, đấu thầu thời gian qua”, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên chia sẻ.
Theo TS Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), một bác sĩ để có kỹ năng thực hành y khoa được người bệnh công nhận thì ít nhất phải có 10 năm được đào tạo, tập huấn, cập nhật kiến thức y khoa liên tục. Như vậy, họ cũng đã ở ngưỡng tuổi 30-35 và phải đối mặt với gánh nặng, trách nhiệm về con cái, gia đình. Nhưng với mức lương khoảng 5-7 triệu đồng/tháng không thể khiến họ yên tâm công tác, cống hiến. Trong khi đó, người giúp việc ở các thành phố lớn hiện nay có mức lương khoảng 7-10 triệu đồng/tháng, kể cả người phụ hồ cũng được trả công lao động hơn 300.000 đồng/ngày, tương đương 9-10 triệu đồng/tháng. Cùng với đó là công việc ở khu vực y tế công không chỉ đối mặt với áp lực lớn, mà người bệnh ngày càng đòi hỏi chất lượng dịch vụ cao, cho nên bác sĩ, NVYT luôn cảm thấy mệt mỏi, không có thời gian nghỉ ngơi để tái tạo sức lao động… Trong khi ra làm việc ở các bệnh viện tư nhân, họ lại cảm thấy thoải mái, yên tâm cống hiến do được đánh giá đúng năng lực, chính sách đãi ngộ tốt.
Để bảo đảm nguồn nhân lực y tế và các chế độ chính sách ưu đãi, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Y tế, Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ rà soát các quy định liên quan đến cơ cấu tổ chức, bộ máy, nguồn nhân lực ngành y; rà soát, sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực y tế; hoàn thiện các quy định, chính sách về đẩy mạnh xã hội hóa nguồn lực, nhất là nguồn lực cho y tế cơ sở; xây dựng khung pháp lý rõ ràng hơn trong hợp tác công – tư ở lĩnh vực y tế; tiếp tục thực hiện cơ chế tự chủ tại các đơn vị sự nghiệp y tế công lập; xây dựng phương án tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế để tăng nguồn lực cho các đơn vị sự nghiệp y tế công lập. Đồng thời, đánh giá lại tình trạng mất cân đối về nguồn nhân lực giữa các địa bàn, giữa các tuyến, các chuyên môn, chuyên ngành y tế để điều chỉnh, bổ trợ cho nhau.
|
THÀNH AN (theo SGGP)
Bình luận (0)