Khoa học - Công nghệSản phẩm công nghệ

Mẫu chip khiến người dùng ở Trung Quốc chưa thể cài Windows 11

Tạp Chí Giáo Dục

Con chip TCM do Trung Quốc tự phát triển đang là rào cản khiến nhiều người dùng ở nước này chưa tiếp cận được Windows 11.
Microsoft phát hành Windows 11 vào ngày 5/10 nhưng nhiều người dùng máy tính ở Trung Quốc không thể chuyển sang phiên bản mới. Thiết bị của họ thiếu một thành phần bắt buộc, chip bảo mật có tên Trusted Platform Module (TPM).
TPM được tích hợp trên bo mạch chủ, giúp bảo vệ thông tin đăng nhập của người dùng và dữ liệu nhạy cảm bằng hàng rào phần cứng. TPM cũng hỗ trợ các phần mềm thực hiện tốt hơn tác vụ mã hóa.
Windows 11 đã có mặt trên toàn cầu từ 5/10 nhưng máy tính tại Trung Quốc vẫn chưa thể nâng cấp.
Trên phiên bản Windows 11, Microsoft yêu cầu cấu hình phần cứng tối thiểu bao gồm TPM 2.0. Tuy nhiên, theo SCMP, kể từ 1999, Trung Quốc đã cấm chip bảo mật của nước ngoài vì lo ngại ảnh hưởng đến an ninh quốc gia. Họ thay thế bằng con chip tự phát triển (TCM) và chính điều này đã khiến Windows 11 chưa thể tiếp cận người dùng ở Trung Quốc.
Xung đột tiêu chuẩn bảo mật
TPM được đề xuất trở thành tiêu chuẩn chung vào năm 2003 bởi Trusted Computing Group (TCG) – một liên minh các nhà sản xuất phần cứng quốc tế bao gồm Intel, IBM, HP và Sony. Ngay từ đầu, Bắc Kinh cho rằng tiêu chuẩn này không đáng tin cậy.
Để đáp trả lại, Trung Quốc triển khai tiêu chuẩn bảo mật riêng mang tên Trusted Cryptography Module (TCM), ra mắt cùng chip Hengzhi của Lenovo vào năm 2005. Đây cũng là một phần trong chiến lược cạnh tranh công nghệ với Mỹ.
Năm 2010, Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ chỉ trích Trung Quốc đơn phương đặt ra TCM làm phức tạp chuỗi cung ứng toàn cầu.
"Sự phát triển của TCM ở Trung Quốc được thúc đẩy bởi mong muốn giảm tiền bản quyền cho các sáng chế có trong tiêu chuẩn công nghệ TCG, ảnh hưởng xấu đến khả năng tương thích và chuỗi cung ứng toàn cầu", cơ quan này đánh giá.
Các công ty máy tính cũng bị lôi kéo vào cuộc chiến giữa TPM và TCM. Năm 2005, HP âm thầm giữ lại chip TPM đã vô hiệu hóa bên trong máy tính của họ ở Trung Quốc nhưng cuối cùng vẫn bị buộc loại bỏ hoàn toàn.
Vào năm 2012, The Register cho rằng Intel tìm cách thỏa thuận ngầm với các cơ quan quản lý Trung Quốc để giúp TCM tương thích với phần còn lại của thế giới.
Tuy nhiên, đến khi Windows 11 ra đời và yêu cầu phần cứng phải có TPM 2.0, hàng loạt người dùng Trung Quốc lại gặp rắc rối.
Chip bảo mật TPM là tiêu chuẩn phần cứng bắt buộc đối với máy tính chạy Windows 11.
"Hôm nay Microsoft đã phát hành Windows 11. Nhưng các laptop Dell bán ở Trung Quốc đã lọc bỏ TPM theo quy định. Vì vậy, chúng tôi không thể cài đặt nó. Hi vọng có phiên bản Windows 11 dành riêng cho Trung Quốc", một người dùng viết trên Weibo.
Microsoft sẽ xuống nước?
Theo SCMP, các nhà phân tích cho rằng vấn đề này sẽ sớm được giải quyết và Microsoft có thể chấp nhận hạ tiêu chuẩn phần cứng tối thiểu.
"Ở Trung Quốc, bất cứ điều gì liên quan đến an ninh đều có tầm quan trọng cấp quốc gia, phải được quản lý dựa trên các quy tắc hiện hành. Do đó, một số người dùng không thể nâng cấp Windows nếu chưa có sự chấp thuận của chính phủ đối với TPM", chuyên gia phân tích Himani Mukka của Canalys nhận định.
Ông cho rằng Microsoft sẽ tìm cách giải quyết vấn đề, tránh xảy ra tình trạng dừng cung cấp sản phẩm của mình bởi vì "thị trường Trung Quốc quá lớn".
Windows là hệ điều hành phổ biến hàng đầu ở Trung Quốc, nền kinh tế đứng thứ 2 thế giới và là thị trường PC lớn nhất toàn cầu. Trong quý II/2021, tổng lượng PC xuất xưởng tại Trung Quốc đạt 19,4 triệu chiếc.
Trong khi đó, William Li, nhà phân tích tại Counterpoint Research, cho biết Microsoft đã "bật đèn xanh" để một số hệ thống cập nhật mà không cần TPM. "Những dịch vụ này được điều chỉnh phù hợp với các quốc gia không cho phép công nghệ mã hóa gốc, cụ thể là Trung Quốc và Nga".
Trên thực tế, theo một ghi chú được công bố vào tháng 6, Microsoft để ngỏ khả năng cho phép các nhà sản xuất thiết bị gốc (OEM) xuất xưởng PC chạy Windows 11 không có chip TPM.
Máy tính cá nhân trên khắp thế giới sẽ bị ảnh hưởng bởi yêu cầu nghiêm ngặt của Microsoft đối với TPM 2.0. Nghiên cứu gần đây được công bố bởi Lansweeper, họ kiểm tra 30 triệu thiết bị Windows, một nửa trong số này không kích hoạt TPM.
PV (theo vietnamnet)

Bình luận (0)