Bộ GD-ĐT vừa ban hành Thông tư 06 sửa đổi một số điều của Quy chế thi tốt nghiệp THPT, áp dụng từ kỳ thi năm 2023; trong đó điều chỉnh một số quy định liên quan đến nhân sự trong khâu làm đề thi nhằm bịt kẽ hở sai phạm.
Về trách nhiệm của thí sinh (TS), quy chế mới chính thức bãi bỏ quy định cho phép TS được mang vào phòng thi "các loại máy ghi âm, ghi hình chỉ có chức năng ghi thông tin nhưng không thể nghe, xem và không thể truyền, nhận được thông tin, tín hiệu âm thanh, hình ảnh trực tiếp nếu không có thiết bị hỗ trợ khác".
Thay vào đó là quy định TS "chỉ được mang vào phòng thi: bút viết, bút chì, compa, tẩy, thước kẻ, thước tính; máy tính bỏ túi không có chức năng soạn thảo văn bản, không có thẻ nhớ; atlat địa lý VN đối với môn thi địa lý".
Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2023 có một số điều chỉnh về vật dụng thí sinh được mang vào phòng thi. ĐÀO NGỌC THẠCH
Quy định cho TS mang thiết bị ghi âm, ghi hình đến năm nay là tròn 10 năm. Tuy nhiên, sau 10 năm và sau mỗi kỳ thi, ghi nhận cho thấy Bộ GD-ĐT chưa hề đánh giá tác động của quy định nói trên trong việc phòng ngừa gian lận trong thi cử. Có một thực tế là năm nào trước kỳ thi, các ý kiến từ cơ sở làm nhiệm vụ tổ chức kỳ thi cũng tỏ ra băn khoăn với quy định cho phép TS mang thiết bị ghi âm, ghi hình vào phòng thi. Điều cơ sở quan tâm nhất là cán bộ và giám thị khó có thể kiểm tra được hết những thiết bị TS được mang vào có đảm bảo không phát tín hiệu âm thanh, hình ảnh ra bên ngoài khi TS đang làm bài thi hay không. Nếu hội đồng thi không xác định rõ nguồn gốc, các chức năng của thiết bị ghi âm, ghi hình mà TS được mang vào phòng thi, có thể sẽ làm gia tăng gian lận như truyền tải đề thi ra bên ngoài. Do vậy, rất nhiều hội đồng thi thống nhất chặn mọi thiết bị mà họ không thể kiểm soát được tính năng.
Cũng liên quan đến quy định về vật dụng được phép và không được phép mang vào phòng thi, quy chế mới bãi bỏ toàn bộ điểm n khoản 4 điều 14 của quy chế về việc: "Cấm mang vào phòng thi: giấy than, bút xóa, đồ uống có cồn; vũ khí và chất gây nổ, gây cháy; tài liệu, thiết bị truyền tin hoặc chứa thông tin có thể lợi dụng để gian lận trong quá trình làm bài thi và quá trình chấm thi".
Giải thích với PV về việc bãi bỏ quy định này, PGS-TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT), cho rằng việc đã có quy định cụ thể chỉ được phép mang những vật dụng nào vào phòng thi có nghĩa là các vật dụng khác không được phép mang vào phòng thi nên không cần thiết phải liệt kê những vật dụng cấm nữa.
Chỉ cán bộ cơ hữu, đang công tác mới thực hiện khâu đề thi
Về hội đồng ra đề thi, quy chế mới sửa đổi, bổ sung như sau: "Ủy viên, thư ký, người làm nhiệm vụ về tin học – kỹ thuật là công chức, viên chức của các đơn vị thuộc Bộ GD-ĐT; trong đó, ủy viên thường trực là công chức thuộc Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT). Người soạn thảo đề thi và phản biện đề thi là công chức, viên chức ngành giáo dục hoặc các viện nghiên cứu; giảng viên cơ hữu, giáo viên cơ hữu đang công tác tại các cơ sở giáo dục. Mỗi bài thi/môn thi có một tổ ra đề thi gồm tổ trưởng và người soạn thảo đề thi, phản biện đề thi".
Bổ sung quy định đăng ký dự thi trực tuyến Thông tư cũng bổ sung quy định đăng ký dự thi bằng hình thức trực tuyến hoặc trực tiếp đối với TS là người đã học xong chương trình THPT trong năm tổ chức kỳ thi, thay vì chỉ đăng ký theo hình thức trực tiếp như trước. Đồng thời sửa đổi, bổ sung về quy định đăng ký dự thi với TS là người đã học xong chương trình THPT trong năm tổ chức kỳ thi. |
Như vậy, sau vụ việc khởi tố một số cá nhân về sai phạm trong quá trình soạn thảo đề thi tốt nghiệp THPT môn sinh học năm 2021, Bộ GD-ĐT đã sửa quy định về người soạn thảo và phản biện đề thi, quy định rõ phải là cán bộ cơ hữu và đang công tác thay vì cho phép cả những người đã công tác như quy định cũ: "Người soạn thảo đề thi và phản biện đề thi là những công chức, viên chức, giáo viên đã và đang công tác tại các cơ sở GD-ĐT, viện nghiên cứu; mỗi bài thi/môn thi có một tổ ra đề thi gồm tổ trưởng và người soạn thảo đề thi, phản biện đề thi".
Liên quan đến vấn đề này, trước đó, ngày 10.6.2022, Cơ quan An ninh điều tra đã khởi tố điều tra vụ án hình sự "lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" xảy ra tại Bộ GD-ĐT. Đây là vụ án có tính chất nghiêm trọng, phức tạp, có liên quan đến kỳ thi tốt nghiệp THPT, được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Kết quả điều tra xác định ngoài hành vi sai phạm của bị can Bùi Văn Sâm (Tổ phó Tổ ra đề môn sinh học – PV) và bị can Phạm Thị My (Tổ trưởng Tổ ra đề môn sinh học – PV) trong quá trình tham gia xây dựng ngân hàng câu hỏi và ra đề thi kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, cơ quan điều tra còn phát hiện một số tồn tại, bất cập, sơ hở, thiếu sót trong quá trình chỉ đạo, tổ chức xây dựng ngân hàng câu hỏi và ra đề thi kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Văn bản ký ngày 17.1.2023 của Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) gửi Bộ GD-ĐT yêu cầu khắc phục sơ hở thiếu sót trong công tác xây dựng ngân hàng câu hỏi và ra đề thi tốt nghiệp THPT có nêu: "Quá trình điều tra xác định, trong thời gian tham gia công tác xây dựng ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa năm 2021, tại đợt 1 và đợt 2, bị can Phạm Thị My đã mang các thông tin, tài liệu liên quan đến ngân hàng câu hỏi ra khỏi khu vực quy định, vi phạm quy định của quy trình xây dựng ngân hàng câu hỏi và các quy định về bảo mật tài liệu của Bộ GD-ĐT".
Thanh tra sẽ giám sát độc lập tất cả các khâu Theo Thông tư 06 sửa đổi một số điều của Quy chế thi tốt nghiệp THPT, mỗi bài thi tự luận do 2 cán bộ chấm thi chấm phúc khảo theo quy định tại điều 27 Quy chế thi tốt nghiệp THPT và phải được chấm bằng mực có màu khác với màu mực được dùng chấm trước đó trên bài làm của TS. Trong khi tiến hành các công việc liên quan đến phúc khảo, phải có ít nhất từ hai thành viên của ban phúc khảo bài thi tự luận trở lên. Như vậy, quy chế mới bỏ quy định "có sự giám sát của thanh tra". Ông Huỳnh Văn Chương giải thích: điều này không có nghĩa là bỏ sự giám sát của thanh tra mà trong kỳ thi thanh tra sẽ làm việc độc lập ở tất cả các khâu chứ không phải tham gia cùng. |
Cũng theo văn bản trên: "Để xảy ra hành vi vi phạm này, ngoài yếu tố chủ quan từ việc bị can Phạm Thị My đã không chấp hành các quy định, cam kết về công tác bảo mật thì cũng có trách nhiệm của cán bộ thực hiện công tác kiểm tra, giám sát được phân công trong các đợt công tác và trách nhiệm chỉ đạo của Ban Chỉ đạo xây dựng ngân hàng câu hỏi. Đồng thời, nguyên nhân cũng do Bộ GD-ĐT chưa có văn bản hướng dẫn, phân công công việc, trách nhiệm cụ thể đối với từng cá nhân tham gia giám sát, chưa có biện pháp chủ động trong công tác phòng ngừa vi phạm của thầy cô giáo khi tham gia xây dựng ngân hàng câu hỏi và ra đề thi".
Quy chế mới điều chỉnh một số quy định liên quan đến nhân sự trong khâu làm đề thi. NGỌC DƯƠNG
Do vậy, văn bản trên đề nghị Bộ GD-ĐT cần "kịp thời có biện pháp ngăn chặn, khắc phục ngay những sơ hở, thiếu sót trong công tác xây dựng ngân hàng câu hỏi thi và ra đề thi kỳ thi THPT quốc gia, đảm bảo khách quan, chặt chẽ, đúng quy định".
Bà Phạm Thị My (60 tuổi) và ông Bùi Văn Sâm (74 tuổi) thời điểm được điều động tham gia làm đề thi môn sinh học kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 đều là "nguyên giáo viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội", không phải giáo viên cơ hữu đang công tác tại đơn vị này nữa. Đó cũng là lý do Bộ GD-ĐT sửa quy chế, bỏ quy định cho phép nhân sự tham gia làm đề thi là những người đã công tác như trước đây.
Theo Tuệ Nguyễn/TNO
Bình luận (0)