Nhiều chuyên gia marketing và branding nhận định chiêu trò đổi tên có lẽ là phương án giúp Facebook thoát khỏi tầm mắt của công chúng và cơ quan quản lý sau những thiệt hại mà công ty gây ra.
Hôm 19.10, The Verge đưa tin Facebook có ý định đổi tên công ty để phản ánh những tham vọng mới, dù Facebook vẫn chưa xác nhận thông tin này. Bên cạnh việc sở hữu mạng xã hội phổ biến toàn cầu, công ty có trụ sở tại California (Mỹ) cũng sở hữu ứng dụng Instagram, WhatsApp, sản xuất kính thực tế ảo Oculus và sắp tới sẽ đầu tư mạnh vào kế hoạch metaverse (vũ trụ ảo).
Đổi tên công ty sẽ giúp những thương hiệu khác của Facebook thoát khỏi tai tiếng. Ảnh: Bloomberg
Reuter dẫn lời James Cordwell – một nhà phân tích tại Atlantic Equities nhận định: "Các nhà lập pháp và chính trị gia đủ thông minh để không bị lừa bởi chiêu đổi thương hiệu".
"Đổi tên công ty có thể là chiến lược hiệu quả, cho phép các thương hiệu con duy trì danh tiếng", Marisa Mulvihill – trưởng bộ phận thương hiệu tại công ty tư vấn tiếp thị Prophet cho biết. Dù vậy, các cơ quan quản lý sẽ không vì thế mà ngừng điều tra và yêu cầu Facebook cải cách.
Cụ thể, việc đổi tên sẽ giúp tiếng xấu của Facebook không ảnh hưởng đến các sản phẩm khác như WhatsApp – hiện có gần 2 tỉ người dùng trên toàn cầu và kính thực tế ảo Oculus được xem như tương lai của metaverse.
Dựa trên xếp hạng hằng năm của Prophet, mức độ tin cậy của Facebook đã tụt dốc không phanh trong mắt người dùng Mỹ những năm gần đây.
Deborah Stafford-Watson – trưởng bộ phận chiến lược của công ty tư vấn thương hiệu Elmwood cũng có quan điểm tương tự những chuyên gia khác trong ngành. Người này cho biết: "Họ không muốn (tiếng xấu) lan rộng và có ảnh hưởng tiêu cực đến những bộ phận khác trong doanh nghiệp".
Marisa Mulvihill dẫn trường hợp công ty thuốc lá Philip Morris đổi tên thành tập đoàn Altria sau khi sở hữu thương hiệu thực phẩm Kraft Foods vào năm 2003. Động thái này giúp Kraft Foods có thể phát triển, không bị những tai tiếng về thuốc lá của Philip Morris ảnh hưởng.
Theo Mai Anh/TNO
Bình luận (0)