Từ năm 2018 trở về trước, vào ngày thứ hai hàng tuần, các trường tiểu học thường tổ chức lễ chào cờ và sau đó là sinh hoạt với học sinh toàn trường…
Quang cảnh tiết sinh hoạt dưới cờ tại Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo, Q.1 (ảnh minh họa). Ảnh: Y.Hoa
Buổi sinh hoạt sau lễ chào cờ ấy thường được gọi là sinh hoạt đầu tuần, thường thực hiện theo các bước: Nhận xét hoạt động của nhà trường về mọi mặt trong tuần qua; phổ biến các hoạt động của nhà trường, của Đội trong tuần mới; tổ chức các hoạt động hay chuyên đề của nhà trường, của Đội. Nếu không có hoạt động, chuyên đề thì tổng phụ trách Đội có thể cho học sinh ca hát, vui chơi, tập bài hát mới… Có thể nói sinh hoạt đầu tuần được thực hiện với sự tham gia của tất cả học sinh nhà trường và những người tổ chức thực hiện là ban giám hiệu, tổng phụ trách Đội.
Tuy nhiên, kể từ năm học 2019-2020, thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở lớp 1, tiết sinh hoạt sau lễ chào cờ chính thức có tên gọi là sinh hoạt dưới cờ. Theo đó, sinh hoạt dưới cờ là một hoạt động của hoạt động trải nghiệm – một hoạt động giáo dục bắt buộc trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có nội dung cụ thể trong sách học sinh. Khi sinh hoạt dưới cờ được đưa vào chương trình có các nội dung cụ thể cho từng tuần thì rất nhiều giáo viên, nhất là ban giám hiệu đã đặt câu hỏi: “Sinh hoạt sau lễ chào cờ tổ chức cho học sinh toàn trường. Vậy khi lớp 1 (và năm học này thêm lớp 2) hoạt động theo chương trình thì các khối lớp còn lại sẽ làm gì?”. Trước tiên, các giáo viên cần phải nhận ra được sự khác biệt của sinh hoạt dưới cờ và sinh hoạt đầu tuần. Theo đó, sinh hoạt đầu tuần là hoạt động của riêng mỗi trường, nhà trường muốn hoạt động nào thì sẽ tổ chức hoạt động ấy. Còn sinh hoạt dưới cờ hiện nay là một nội dung của hoạt động giáo dục bắt buộc nằm trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với tên gọi là hoạt động trải nghiệm (ở THCS và THPT có tên gọi là hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp) và sẽ thực hiện xuyên suốt từ lớp 1 đến lớp 12, nó hoàn toàn khác với sinh hoạt đầu tuần.
Ngày 19-8-2019, Bộ GD-ĐT đã ban hành công văn số 3535/BGDĐT-GDTH về việc Hướng dẫn thực hiện nội dung hoạt động trải nghiệm cấp tiểu học trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 từ năm học 2020-2021. Công văn nêu rõ: “Hoạt động trải nghiệm được thực hiện thông qua 4 loại hình hoạt động chủ yếu là: Sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt lớp, hoạt động giáo dục theo chủ đề, hoạt động câu lạc bộ, trong đó câu lạc bộ là loại hình tự chọn”. Trong mục 1.3. Kế hoạch tổ chức hoạt động trải nghiệm, công văn đã nêu: “Hoạt động trải nghiệm được quy định 105 tiết/năm học, trong đó 35 tiết sinh hoạt dưới cờ (nhóm lớn, quy mô trường)”. Chính vì vậy, nếu sinh hoạt đầu tuần chỉ tổ chức với quy mô trường thì sinh hoạt dưới cờ còn có thể tổ chức dưới quy mô nhóm lớn (khối lớp). Như vậy, nhà trường hoàn toàn có thể tổ chức cho học sinh lớp 1, lớp 2 và các khối lớp khác sinh hoạt dưới cờ với nội dung riêng biệt và có thể “được tổ chức trong và ngoài lớp học” như công văn đã nêu. Cũng trong mục 1.3. Kế hoạch tổ chức hoạt động trải nghiệm, văn bản 3535 đã hướng dẫn cụ thể: “Căn cứ quy mô và nội dung của từng hoạt động cụ thể việc tổ chức hoạt động trải nghiệm, đặc biệt tổ chức ở quy mô khối lớp, quy mô trường phải có sự tham gia, phối hợp, liên kết của nhiều lực lượng giáo dục: Giáo viên chủ nhiệm, tổng phụ trách Đội, giáo viên dạy học các môn chuyên biệt (âm nhạc, mỹ thuật, thể chất), ban giám hiệu nhà trường…”. Như thế, việc sinh hoạt dưới cờ hiện nay có nhiều thành phần tham gia tổ chức hoạt động, không phải chỉ có ban giám hiệu, tổng phụ trách Đội “gánh vác” như sinh hoạt đầu tuần. Với nhiều thành viên tham gia tổ chức hoạt động trải nghiệm, việc sinh hoạt dưới cờ theo từng khối lớp (quy mô nhóm lớn) là hoàn toàn có thể thực hiện được.
Nếu các thầy cô nghiên cứu kỹ nội dung của sinh hoạt dưới cờ trong sách học sinh hoạt động trải nghiệm lớp 1 và lớp 2 (bộ Chân trời sáng tạo), nhà trường có thể chủ động, sáng tạo để thực hiện nội dung với quy mô toàn trường. Chẳng hạn, sinh hoạt dưới cờ tuần 1 ở lớp 1 có nội dung là: “Giới thiệu học sinh lớp 1”; tuần 1 ở lớp 2 có nội dung là: “Điều em thích trong lễ khai giảng”, với các nội dung tương thích như thế, nhà trường hoàn toàn có thể kết hợp các nội dung này lại để tổ chức cho toàn trường. Lớp 1, 2 thực hiện nội dung trên; lớp 3, 4, 5 lắng nghe và thực hiện nội dung kể lại lớp 1 của em trước đây, ấn tượng lễ khai giảng đầu tiên của em, lễ khai giảng em thích nhất… Hay sinh hoạt dưới cờ ở tuần 7, nội dung lớp 1 là: “Trò chơi: An toàn – nguy hiểm”, nội dung lớp 2 là: “Văn nghệ: Vì cuộc sống an toàn”; kết hợp 2 nội dung này lại, tổ chức với quy mô toàn trường, học sinh lớp 3, 4, 5 chắc chắn cũng hào hứng tham gia. Hoặc tuần 30, nội dung lớp 1 là: “Giới thiệu quê hương em”, lớp 2 là: “Truyền thông điệp bảo vệ môi trường”, với 2 nội dung này tổ chức với quy mô toàn trường sẽ rất thú vị, hấp dẫn. Hầu hết các nội dung sinh hoạt dưới cờ ở lớp 1 và 2 (bộ Chân trời sáng tạo) đều có thể linh động kết hợp để thực hiện với quy mô toàn trường. Mặt khác, với cách triển khai theo chủ đề, nhà trường còn có thể linh động hoán chuyển các nội dung sinh hoạt dưới cờ ở các tuần với nhau hoặc chủ động sáng tạo thêm các nội dung hoạt động phù hợp với thực tế là điều hoàn toàn có thể làm được.
Để việc tổ chức thực hiện nội dung sinh hoạt dưới cờ thành công, nhà trường chỉ cần lưu ý bám sát mục tiêu giáo dục và nội dung chủ đề của hoạt động trải nghiệm là sẽ đạt hiệu quả như mong muốn.
Lê Phương Trí
(tác giả sách Hoạt động
trải nghiệm lớp 1 và 2,
bộ Chân trời sáng tạo)
Bình luận (0)