Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Học tập, trao đổi kinh nghiệm thực hiện chương trình GDPT 2018 giữa TP. Cần Thơ và tỉnh Quảng Nam

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày  29-4-2024,  tại  trường THCS & THPT Trần Ngọc Hoằng, xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ, TP. Cần Thơ,  đoàn cán bộ cốt cán thuộc   Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT)  TP. Cần Thơ  do ông  Trần Thanh Bình Giám đốc Sở GD&ĐT TP. Cần Thơ, làm trưởng đoàn;  phối hợp cùng Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam do ông  Thái Viết TườngGiám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam làm trưởng đoàn, tổ chức hội nghị (HN) học tập, trao đổi kinh nghiệm thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018.


Ông  Trần Thanh Bình – Giám đốc Sở GD&ĐT TP. Cần Thơ, khái quát một số thành tựu của ngành GD-ĐT Cần Thơ

Khái quát về ngành GD-ĐT TP.Cần Thơ, Giám đốc Sở GD-ĐT Trần Thanh Bình cho biết, đến nay mạng lưới trường lớp của Cần Thơ đã đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân. Hiện TP có hơn 448 trường, tỷ lệ phòng học kiên cố và bán kiên cố đạt trên 99,84%. Số trường phổ thông các cấp đạt chuẩn quốc gia là 345 (đạt 77,35%); 100% trường học được kết nối mạng internet và có website, trang thiết bị dạy học được đầu tư, cơ bản đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng dạy – học.


Quang cảnh HN

Theo lãnh đạo Sở GD – ĐT TP. Cần Thơ, trong thành quả trên có yếu tố quan trọng là sự quan tâm đầu tư của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố. Mỗi năm TP đầu tư hàng trăm tỉ đồng cho công tác xây dựng, nâng cấp trường học và bổ sung trang thiết bị dạy học. Mức đầu tư cho GD – ĐT ngày càng tăng. Năm 2020 trên 712,1 tỉ đồng; năm 2021 trên 955,4 tỉ đồng… Toàn ngành có gần 15.000  biên chế. Số giáo viên (GV) có trình độ đạt và trên chuẩn ngày càng tăng, trong đó cấp THPT đạt gần 100%. Từ nền tảng trên đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục các cấp học, trong đó tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT và trúng tuyển các trường đại học ngày càng tăng. Ngành triển khai hiệu quả Ðề án trường điển hình đổi mới giai đoạn 2017-2020, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục  và tạo cơ sở vững chắc cho  triển khai thực hiện  hiệu quả chương trình GDPT 2018.

TP. Cần Thơ có 6 trường đại học và nhiều trường cao đẳng, trung cấp nghề tạo điều kiện thuận lợi cho công tác phân luồng cũng như việc  học tập bậc cao của HS. Theo số liệu điều tra dân số, Cần Thơ nằm trong Top đầu của cả nước về tỷ lệ HS tiếp tục học lên cao sau khi tốt nghiệp THPT.


Thầy Huỳnh Thanh Lộc – Trưởng phòng GD Trung học, Sở GD-ĐT TP.Cần Thơ, trình bày quá trình thực hiện chương trình GDPT mới

Trao đổi về các biện pháp để thực hiện hiệu quả chương trình GDPT 2018, thầy Huỳnh Thanh Lộc – Trưởng phòng GD Trung học, Sở GD-ĐT TP.Cần Thơ cho biết: Sở GD-ĐT đã tăng cường công tác tuyên truyền về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo cho cộng đồng; cán bộ quản lý GD, GV, HS và cha mẹ học sinh. Đẩy mạnh đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát triển năng lực cá nhân của người học, chú trọng rèn luyện phương pháp tự học; tăng cường các hoạt động xã hội, nghiên cứu khoa học và vận dụng kiến thức vào thực tế. Đổi mới nội dung, hình thức kiểm tra, thi và đánh giá chất lượng; đánh giá người học ngay trong quá trình và kết quả từng giai đoạn giáo dục, nhằm kịp thời điều chỉnh, nâng cao hiệu quả hoạt động dạy và học.


Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam Thái Viết Tường (thứ 2 từ trái vào), trao quà lưu niệm cho Sở GD-ĐT TP.Cần Thơ, Phòng GD-ĐT huyện Cờ Đỏ và trường  THCS & THPT Trần Ngọc Hoằng

Giao quyền tự chủ cho các cơ sở GD trực thuộc tổ chức tuyển dụng GV đảm bảo đủ biên chế được giao. Đồng thời đẩy mạnh trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở giáo dục, kết hợp rà  soát, bổ sung cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, trong đó đã triển khai Đề án ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong GD-ĐT giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Đến nay Chương trình GDPT 2018 đã triển khai đến lớp 4 (cấp tiểu học), lớp 8 (cấp THCS) và lớp 11 (cấp THPT).  Kết quả về rèn luyện của HS học chương trình GDPT 2018: Tốt: 68,66% (76,74%); Khá: 22,58% (18,96%); Đạt: 6,38% (2,74%); Chưa đạt: 2,38% (1,56%). Về Học tập: Tốt: 3,76% (1,96%); Khá: 27,56% (51,81%); Đạt: 52,62%.

Là ngôi trường ở vùng sâu, vinh  dự  đón tiếp đoàn cán bộ lãnh đạo GD-ĐT tỉnh Quảng Nam đến  tham quan và học tập,  trường THCS và THPT Trần Ngọc Hoằng  có hơn 1.400 HS, trong đó cấp THCS có 997 HS, còn lại là bậc THPT.  Thời gian qua, nhất là  những năm gần đây,  chất lượng giáo dục  ngày được nâng lên, tỷ lệ HS lên lớp, tốt nghiệp THPT, thi đậu vào các trường Đại học và Cao đẳng ngày càng cao, HS khá giỏi ở các lớp và HS giỏi các cấp ngày càng tăng. Trường  từng bước khẳng định được uy tín, chất lượng  trong các phong trào thi đua, phong trào  dạy và học.


HS trường  THCS & THPT Trần Ngọc Hoằng  trình diễn tiết mục võ thuật

Thầy Lê Văn DũngBí thư Chi bộ, Hiệu trưởng (HT) nhà trường, cho biết: Triết lý và phương châm GD của nhà trường là “Đạo đức – Kỹ năng sống – Kiến thức”: “Các em HS học tập, rèn luyện trong sự yêu thương, hết lòng vì học sinh của đội ngũ GV; Học trong sự giúp đỡ nhiệt tình của cha mẹ, các cựu HS và chính quyền địa phương; Học trong sự đoàn kết, giúp đỡ  nhau, cùng nhau tiến bộ” – Thầy HT nhấn mạnh.

Trường tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa, góp phần GD kỹ năng sống và giúp HS học kết hợp với hành, như  hoạt động trải nghiệm trồng trọt: Hằng năm, dịp xuân về, trường  cho HS trồng bắp cải và hoa vạn thọ. Năm học 2023 – 2024, trường phát động các em trồng 500 chậu bắp cải và 700 chậu hoa vạn thọ. Trường thành lập ban tổ chức, xây dựng lịch trồng và chăm sóc cây gắn với các mốc thời gian cụ thể; đồng thời phân công GV có chuyên môn theo dõi, đôn đốc và hỗ trợ các em trong kỹ thuật chăm sóc… Kinh phí thu được từ sản phẩm dùng để phát học bổng những HS có hoàn cảnh đặc biệt, và hỗ trợ các hoạt động của nhà trường.


Lãnh đạo các sở GD-ĐT: TP.Cần Thơ, tỉnh Quảng Ninh và thầy HT trường THCS & THPT Trần Ngọc Hoằng bên những bắp cải do HS  trồng

Thầy Dũng cho biết: Tuy còn  khó khăn về nhiều mặt, song HS trường rất tích cực trong các phong trào. Nhà trường tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, giải trí, giúp các em nâng cao đời sống văn hóa tinh thần. Đầu năm học, trường tổ chức chương trình đối thoại với HS để lắng nghe tâm tư và nguyện vọng của các em. Từ đó, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao được hình thành và phát triển. Hằng năm, nhà trường tổ chức các hoạt động như: Cuộc thi đồng diễn “We are one”, cuộc thi “Tìm kiếm tài năng trường Trần Ngọc Hoằng”, Hội trại văn hóa dân gian với các hội thi: “Lễ hội bánh quê”, “Đêm hội Vũ khúc giao mùa”, Phiên chợ văn hóa ASEAN, cuộc thi nói tiếng Anh gắn với lễ hội Halloween… và  hàng chục hoạt động lồng ghép trong các buổi sinh hoạt dưới cờ, giờ ra chơi… Tất cả tạo nên không khí thi đua sôi nổi, tạo dựng môi trường học đường năng động và hạnh phúc cho GV và HS.

Hội nghị tập trung trao đổi, tìm giải pháp tháo gỡ những vướng mắc đã ảnh hưởng quá trình triển khai thực hiện chương trình GDPT 2018 như: Việc đào tạo GV chuyên ngành chưa kịp thời đối với các môn: Khoa học tự nhiên; lịch sử và địa lí (đến năm học 2023-2024 có rất ít trường đào tạo các ngành này). Việc điều chỉnh môn lịch sử là môn học lựa chọn thành môn học bắt buộc làm ảnh hưởng đến toàn bộ định hướng chương trình GDPT 2018 đối với giai đoạn định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12). Tổ chức cho HS chọn các tổ hợp 4 môn học – làm sao để sử dụng đầy đủ, hiệu quả đội ngũ GV? Vướng mắc trong tổ  chức tuyển sinh đối với các môn chuyên (vật lí, hóa học, sinh học; lịch sử, địa lí)…

Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam Thái Viết Tường cho biết: Quảng Nam có 725 trường phổ thông từ mầm non đến THPT, hơn 26.000 cán bộ, GV, nhân viên. Ngành GD còn khó khăn do có nhiều huyện miền núi, cơ sở vật chất và GV còn thiếu, nhất là GV cho chương trình GDPT 2018: “Qua trao đổi, chúng tôi học được của Cần Thơ, đặc biệt là từ trường THCS&THPT Trần Ngọc Hoằng, cách làm hay trong khắc phục khó khăn để thực hiện chương trình GDPT mới; những yếu tố để xây dựng trường học hạnh phúc, biện pháp GD để HS chăm, ngoan và học kết hợp với hành trong điều kiện cụ thể của từng trường” – GĐ sở GD-ĐT Quảng Nam bày tỏ.

Đan Phượng

Bình luận (0)