Sự kiện giáo dụcTin tức

Đoàn đại biểu TP.HCM dâng hương tưởng niệm cố Tổng Bí thư Trần Phú

Tạp Chí Giáo Dục

Nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Trần Phú (1-5-1904 / 1-5-2024), sáng 1-5, tại Di tích Quốc gia khu trại giam Bệnh viện Chợ Quán (Quận 5), đoàn đại biểu TP.HCM do Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải làm trưởng đoàn, đã đến dâng hương, dâng hoa tưởng niệm đồng chí Trần Phú.


Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải cùng các đại biểu dâng hương tưởng niệm đồng chí Trần Phú

Khu trại giam Bệnh viện Chợ Quán trước đây là nơi đồng chí Trần Phú – Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Đông Dương, nay là Đảng Cộng sản Việt Nam bị giam giữ và hy sinh.

Tại buổi lễ, Phó Bí Thường trực Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải cùng các đại biểu thành kính dâng hoa, dâng hương và dành phút mặc niệm tưởng nhớ, bày tỏ lòng tri ân sâu sắc đến công lao to lớn đối với đồng chí Trần Phú – Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam và các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập dân tộc, vì tự do của nhân dân.

Sau khi dâng hương tưởng niệm đồng chí Trần Phú, Phó Bí Thường trực Thành ủy Nguyễn Hồ Hải cùng các đại biểu đã tham quan tìm hiểu di tích Khu trại giam Bệnh viện Chợ Quán.

Cố Tổng Bí thư Trần Phú sinh ngày 1-5-1904 tại làng An Thổ, tổng An Sơn, phủ Tuy An (nay là thôn An Thổ, xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên).

Tại Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng tháng 10-1930, Luận cương Chính trị được thông qua, đồng chí được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng Cộng sản Việt Nam.


Đoàn đại biểu tham quan phòng giam tập thể khu trại giam Bệnh viện Chợ Quán

Trên cương vị Tổng Bí thư, đồng chí Trần Phú đã có nhiều đóng góp to lớn về chính trị, tư tưởng và tổ chức trong công tác xây dựng Đảng. Trong giai đoạn này, các tổ chức, phong trào khí thế cách mạng bùng lên mạnh mẽ, tạo ra cao trào cách mạng 1930 – 1931, mà đỉnh cao là Xô Viết Nghệ – Tĩnh.

Ngày 26-8-1931, đồng chí Trần Phú sau khi bị bắt, tra tấn, lâm trọng bệnh được đưa về khu trại giam này. Đến ngày 6-9-1931, ông hy sinh ở tuổi 27 sau khi để lại lời nhắn: "Hãy giữ vững chí khí chiến đấu"

Ngày nay, Khu trại giam trong Bệnh viện Chợ Quán được mở cửa để đón khách tham quan. Di tích vẫn còn in đậm dấu vết của gông cùm, xiềng xích dưới chế độ thực dân; cũng như những dấu ấn về cuộc chiến đấu kiên cường, bất khuất của các chiến sĩ cách mạng với những khẩu hiệu đấu tranh bằng máu còn rõ nét trên các bức tường.

Ngày 16-11-1988, Khu trại giam Bệnh viện Chợ Quán được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia.

N.Trinh

Bình luận (0)