TP.HCM cần sớm đưa các công trình mới vào hoạt động để tạo năng lực cho tăng trưởng, tránh tình trạng dồn vào cuối năm. Đây là ý kiến của các đại biểu tại cuộc họp kinh tế – xã hội tháng 4 của UBND TP.HCM.
Ông Phan Văn Mãi – Chủ tịch UBND TP.HCM phát biểu chỉ đạo
Chưa có “cú hích” đủ mạnh để kinh tế TP đi nhanh hơn
Ông Nguyễn Khắc Hoàng – Cục trưởng Cục Thống kê TP – cho rằng, đến nay vẫn chưa có một cú hích đủ mạnh để kinh tế TP đi nhanh hơn. 4 tháng đầu năm, sản xuất công nghiệp tăng 5,1%, tuy nhiên nếu tính bình quân sau dịch đến nay thì hàng năm chỉ tăng 2,4%, tức mức độ phục hồi còn khá chậm đối với ngành sản xuất công nghiệp. Tổng mức bán lẻ hàng hóa 4 tháng tăng trên 12% là mức tăng khá cao so với các năm qua, nhưng xét quy mô hiện nay vẫn tương đương với tháng 4-2022, cho thấy sức mua vẫn thấp. Số dự án FDI tăng nhưng tổng vốn giảm nhiều, lên đến 24,3%. Doanh nghiệp trong nước cấp phép tăng nhưng vốn cũng giảm.
Để tiếp tục cho tăng trưởng quý 2, ông Hoàng cho rằng các giải pháp cần chú trọng đầu tiên về tiêu dùng nội địa. Đây vẫn là động lực chính để tăng trưởng. Bên cạnh đó là đẩy mạnh thực hiện đầu tư công. Sớm đưa các công trình mới vào hoạt động để tạo năng lực mới cho tăng trưởng, tránh tình trạng dồn vào cuối năm. “Hầu hết các dự án đều có độ trễ, nếu dồn hết vào cuối năm thì kết quả đạt được sẽ rơi vào năm sau”, ông Hoàng nói.
Ngoài ra, cần sớm xây dựng đề án nâng cao năng suất lao động của TP để tạo sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo “số” và “xanh”. Chính quyền cần tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp, nhất là các gói hỗ trợ thuế, phí.
Nhận định trong bối cảnh “cầu” chưa tăng mạnh và còn nhiều diễn biến khó, ông Nguyễn Ngọc Hòa – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP – nhấn mạnh, kích cầu trong nước là nhân tố sống còn, có ý nghĩa quyết định đối với hoạt động doanh nghiệp. TP có trở lại một số đơn hàng xuất khẩu nhưng chủ yếu đơn hàng ngắn hạn và rơi vào quý 1, 2. Một số doanh nghiệp có đơn hàng nhưng phải kèm theo điều kiện giảm đơn giá và tiêu chuẩn hàng rào kỹ thuật xanh, môi trường…
Phân bổ sớm 33.000 tỷ đồng còn lại của kế hoạch đầu tư công 2024 Phát biểu kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4-2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, giải ngân vốn đầu tư công 4 tháng đầu năm đạt 17,46% kế hoạch, cao hơn cùng kỳ năm 2023 (15,65%). Theo đó, nhiệm vụ trong thời gian tới là đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của bộ, ngành, địa phương. Cụ thể, tiếp tục triển khai hiệu quả hoạt động của 5 tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ; phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 tối thiểu đạt 95%; phân bổ sớm 33.000 tỷ đồng còn lại của kế hoạch đầu tư công 2024. Đề xuất tháo gỡ các điểm nghẽn, vướng mắc pháp lý cho các dự án, nhất là trong tách giải phóng mặt bằng thành dự án riêng; kiên quyết tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về mỏ vật liệu xây dựng, đảm bảo cung ứng đủ cho các dự án giao thông, các công trình trọng điểm. Theo Thủ tướng, trước đây, các dự án đầu tư công hay kéo dài thì nay việc này đang từng bước khắc phục, nhiều dự án đúng hạn. Đặc biệt, nhiều dự án cao tốc có khả năng hoàn thành trước từ 3-6 tháng so với kế hoạch và dự kiến tới 30-6-2025 chúng ta có thể nối trục đường bộ cao tốc Thống Nhất từ Hà Nội tới TP.HCM, tất nhiên còn một số đoạn tuyến phải mở rộng đúng tiêu chuẩn cao tốc. T.Ban |
Cũng theo ông Hòa, cộng đồng doanh nghiệp rất kỳ vọng TP sớm phê duyệt quyết định kích cầu trên cơ sở Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. Trong đó, sớm phê duyệt để triển khai các dự án mới, chủ yếu là lĩnh vực y tế, giáo dục và các dự án liên quan đến hạ tầng.
“Nếu đẩy nhanh đầu tư công trong lĩnh vực hạ tầng, các doanh nghiệp có thể vay nguồn vốn kích cầu để thực hiện các dự án mà TP triển khai đấu thầu. Đồng thời, cần sớm rà soát, có quyết định tháo gỡ khó khăn đối với các dự án kích cầu có tính chất chuyển tiếp; xem xét xây dựng, kích hoạt các dự án có tính chất liên vùng”, ông Hòa cho hay.
Mỗi tháng phải dùng 10.000 tỷ đồng đầu tư công
Chỉ ra một số khó khăn như kết quả giải ngân vốn đầu tư công tháng 4 còn thấp và điều này đang tác động trực tiếp đến tăng trưởng của TP.HCM, trong đó có sự phục hồi của thị trường và doanh nghiệp trên địa bàn TP, ông Phan Văn Mãi – Chủ tịch UBND TP – cho rằng, cần nghiêm túc nhận diện các vấn đề còn tồn đọng để nỗ lực hơn và có những giải pháp phù hợp trong các tháng còn lại và không chủ quan.
“Sau quý 1 phần tăng trưởng khá hơn mức bình quân chung cả nước nhưng không có nghĩa là quý 2 cũng thế. Vì vậy phải tiếp tục nỗ lực”, ông Mãi nói.
Theo đó, Chủ tịch TP đề nghị lãnh đạo các sở, ngành, chủ tịch các quận, huyện, TP.Thủ Đức, thủ trưởng các đơn vị, doanh nghiệp nghiêm túc phân tích, đánh giá sát vấn đề, tìm cách tháo gỡ. Đó là việc điều hành thực hiện các nhiệm vụ tại đơn vị và phối hợp giữa các đơn vị với nhau vẫn chưa tốt. Thậm chí gần đây có phần chậm lại; tập trung triển khai những phần việc có liên quan tới điều chỉnh quy hoạch các dự án lớn. Những dự án còn vướng về quy hoạch, về pháp lý đất đai sẽ để sau, những dự án đủ điều kiện về quy hoạch, về pháp lý đất đai thì triển khai làm ngay…
“Còn khoảng 70.000 tỷ đồng cho kế hoạch đầu tư công năm nay, có nghĩa mỗi tháng phải dùng 10.000 tỷ đồng. Các chủ đầu tư, quận, huyện, TP.Thủ Đức căn cứ chương trình hành động về đầu tư công đã có để triển khai; duy trì hoạt động của các tổ công tác đầu tư công, ban chỉ đạo công trình, dự án trọng điểm để tháo gỡ các vướng mắc. Các chủ đầu tư phải lên kế hoạch giải ngân hàng tháng và giám sát theo kế hoạch. Phải xử lý các công ty chây ì. Cùng với chi tiêu thường xuyên thì đầu tư công cũng đóng góp trực tiếp cho tăng trưởng. Từng chủ đầu tư, cơ quan liên quan phải hết sức nghiêm túc kiểm điểm để từ đó có giải pháp”, ông Mãi nhấn mạnh.
Phú Cát
Bình luận (0)