Chiều 11-4, Ban Tuyên giáo Thành ủy – Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM tổ chức họp báo cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế – xã hội trên địa bàn TP.HCM.
Chất lượng thu thập thông tin và tiến độ hoàn thành khối lượng các cuộc điều tra tại TP.HCM tác động đến xu thế phát triển kinh tế – xã hội của cả nước
Tại họp báo, ông Trần Phước Tường – Phó Cục Trưởng Cục Thống kê TP.HCM thông tin, ngày 27-3, UBND TP đã ban hành công văn về việc giao nhiệm vụ cho Cục chủ trì phối hợp với các sở ngành tổ chức thực hiện các cuộc điều tra thống kê trên địa bàn năm 2024.
Việc này nhằm đảm bảo hoàn thành đúng thời gian quy định, nâng cao chất lượng thu thập thông tin, đáp ứng nhu cầu phục vụ công tác quản lý, điều hành, đánh giá và dự báo tình hình kinh tế – xã hội, lập chính sách, kế hoạch phát triển của TP năm 2024 theo Quyết định số 613/QĐ-TCTK năm 2023 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê về Kế hoạch điều tra thống kê năm 2024 trên phạm vi cả nước.
Với xu thế chuyển đổi số, hơn 95% các cuộc điều tra thống kê được thực hiện trên thiết bị thông minh (CAPI), hoặc trên trang Web.
Kết quả, tính đến ngày 10-4, điều tra doanh nghiệp (thu thập thông tin từ ngày 1-4 đến ngày 31-7-2024) đạt 22.489/312.389 doanh nghiệp kê khai thông tin trên trang Web, đạt tỷ lệ 7,2%.
Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024 (thời gian thu thập thông tin từ ngày 1-4 đến ngày 30-4-2024) là cuộc điều tra chọn mẫu tại 2.273 địa bàn với 68.190 hộ, tổng số hộ đã điều tra là 34.544 hộ, đạt tỷ lệ 50,7%.
Đây là 2 cuộc điều tra có quy mô lớn, cần sự phối hợp của nhiều sở ngành.
Đối với điều tra cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể (thời gian thu thập thông tin từ ngày 1-1 đến ngày 31-1-2024) đã kết thúc với số lượng điều tra chọn mẫu là 86.685 cơ sở.
Điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2024 được bắt đầu từ ngày 1-7 đến ngày 15-8-2024. Đây là cuộc điều tra toàn bộ kết hợp với điều tra chọn mẫu. Điều tra viên đến từng hộ để thu thập thông tin trên thiết bị di động thông minh. Công tác lập bảng kê sẽ được tiến hành từ ngày 1-6-2024.
Ngoài 23 cuộc điều tra thống kê của Tổng cục Thống kê tổ chức là chưa kể đến các cuộc điều tra, khảo sát theo yêu cầu của TP như khảo sát chỉ số hài lòng, điều tra thương mại điện tử, đổi mới sáng tạo,…
Qua quá trình tổ chức thực hiện, Cục Thống kê cho biết bên cạnh những thuận lợi vẫn gặp khó khăn, tồn tại, hạn chế.
Các cuộc điều tra thống kê là những cuộc điều tra có quy mô lớn, có tính chất phức tạp, phạm vi điều tra rộng, đặc biệt càng phức tạp đối với thành phố lớn như TP.HCM với số lượng doanh nghiệp trên 300 nghìn, cơ sở cá thể trên 450 nghìn trong khi đó nhân sự của ngành thống kê TP chỉ khoảng 180 người.
Tình hình di biến động của các doanh nghiệp khá lớn như thay đổi địa điểm kinh doanh, thay đổi nhân sự, thay đổi ngành nghề kinh doanh, thay đổi email, điện thoại … nên mất nhiều thời gian để điều tra viên tiếp cận, đôn đốc.
Bên cạnh đó, tâm lý e ngại trả lời của không ít người dân đối với một số chỉ tiêu nhạy cảm như thu nhập, sinh đẻ.
Khi chuyển sang điều tra trực tuyến trên Web đòi hỏi băng thông, đường truyền ổn định, cơ sở hạ tầng CNTT phải đủ mạnh trong khi trang thiết bị CNTT của Cục Thống kê còn hạn chế.
Từ thực tiễn này, Cục Thống kê TP kêu gọi sự hợp tác của người dân, cộng đồng doanh nghiệp trong kê khai, cung cấp thông tin; sự phối hợp của các sở ngành trong khai thác dữ liệu hành chính; sự chỉ đạo quyết liệt, tạo điều kiện hỗ trợ công tác thống kê của UBND các quận huyện, thành phố Thủ Đức; và trên hết là tinh thần trách nhiệm của hơn 1.000 điều tra viên.
Theo Cục Thống kê, TP.HCM dẫn đầu cả nước về quy mô dân số, số lượng cơ sở kinh tế nên chiếm vai trò quan trọng trong các cuộc điều tra thống kê hằng năm. Chất lượng thu thập thông tin và tiến độ hoàn thành khối lượng các cuộc điều tra tại TP tác động đến xu thế phát triển kinh tế – xã hội của cả nước.
N.Trinh
Bình luận (0)