Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Quận 1 kiến nghị tăng mức thu tiền ăn bán trú trong NQ04

Tạp Chí Giáo Dục

Sáng 19-3, Ban VHXH, HĐND TP.HCM đã tổ chức khảo sát về tình hình triển khai Nghị quyết 04 năm 2023 của HĐND TP.HCM về quy định các khoản thu, mức thu, cơ chế quản lý thu chi đối với các dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn TP.HCM năm học 2023-2024 tại một số cơ sở giáo dục trên địa bàn quận 1.


Các cơ sở giáo dục quận 1 kiến nghị tăng thêm mức thu tiền ăn bán trú trong NQ04. Trong hình: Học sinh Trường THCS Võ Trường Toản (quận 1) trong giờ ăn bán trú

“35.000 đồng là trường gặp khó trong cân đối”

Tại Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, báo cáo về tình hình triển khai NQ 04/2023 của HĐND TP.HCM trong năm học 2023-2024, cô Đỗ Ngọc Chi – Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trước khi thực hiện các khoản thu, nhà trường tổ chức các buổi họp để thảo luận, lấy ý kiến thống nhất của cha mẹ học sinh đối với các khoản thu trong năm học.

Ngoài các nội dung thu quy định trong NQ04, nhà trường thực hiện thu thêm 2 khoản thu khác là BHYT (tham gia bắt buộc, áp dụng cho học sinh từ lớp 2- lớp 5) và BHTN (tham gia trên tinh thần tự nguyện) với mức 27.000 đồng/học sinh/năm.


Cô Đỗ Ngọc Chi – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm tại buổi khảo sát

Theo cô Chi, năm học 2023-2024 là năm đầu tiên có NQ04 của HĐND TP giúp nhà trường có được căn cứ để dự toán thu chi, là cơ sở xây dựng kế hoạch thu, các loại hình thu, từ đó thực hiện các khoản thu hộ, chi hộ trong năm học một cách chi tiết, rõ ràng, tránh được tình trạng lạm thu. Tạo được sự công khai, minh bạch trong công tác thu chi của nhà trường, tạo điều kiện thuận lợi để cha mẹ học sinh nắm bắt, giám sát các khoản thu trong trường.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy mức thu tiền ăn trưa bán trú quy định trong NQ chưa phù hợp. Với mức thu tối đa 35 ngàn đồng/suất/ ngày với trường khu vực trung tâm như quận 1 khá khó khăn trong việc cân đối đảm bảo chất lượng bữa ăn bán trú.

“Suất ăn trưa bán trú của trường còn có cả phần ăn xế cho học sinh. Thực tế trong 2 năm qua nhà trường cũng nhận được nhiều phản hồi của cha mẹ học sinh, mong muốn được nâng tiền suất ăn bán trú thêm 5 ngàn đồng/học sinh, lên mức 40.000 đồng/suất/ngày/học sinh, để phục vụ bữa ăn cho trẻ tốt hơn” – cô Chi kiến nghị.


Ông Võ Cao Long – Trưởng phòng GD-ĐT quận 1 cho biết các cơ sở giáo dục quận 1 mong muốn được tăng biên độ tiền ăn bán trú lên 40.000 đồng

Ông Hứa Thiện Vương (Ban Đại diện CMHS Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm) cho rằng NQ 04 giúp cha mẹ học sinh phần nào bớt lo lắng về các khoản thu cho con, ổn định khoản thu hàng tháng song mức tiền ăn bán trú 35.000 đồng với giá cả hiện nay thì chưa phù hợp, phụ huynh đều mong muốn được điều chỉnh mức thu. “Gần như buổi họp nào ban đại diện CMHS trường đều nhận được ý kiến của ban đại diện CMHS các lớp về đề xuất tăng mức tiền ăn”.

Tương tự, cô Nguyễn Thị Mỹ Hạnh – Hiệu trưởng Trường THCS Võ Trường Toản (quận 1) chia sẻ, để NQ04 đi vào thực tế nhà trường lấy ý kiến đồng thuận của phụ huynh học sinh. Tỷ lệ đồng thuận của phụ huynh nhà trường là 100%. Phụ huynh chỉ băn khoăn về phần suất ăn bán trú, mong muốn được duy trì mức thu 40.000 đồng/suất/học sinh như các năm trước. Trong 1 tuần nhà trường tổ chức 2 ngày có các món nước, học sinh luôn chờ đợi để được ăn các món nước. Tuy nhiên, nấu các món này luôn mắc hơn món cơm, nhưng vì các em thích món nước nên nhà trường phải thay đổi thực đơn…

Từ thực tế sau gần 1 năm triển khai NQ04 trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn quận 1, ông Võ Cao Long – Trưởng phòng GD-ĐT quận 1- cho biết các cơ sở giáo dục trên địa bàn quận đều mong muốn được tăng tiền ăn bán trú, từ 35.000 đồng/học sinh/suất lên 40.000 đồng, với giá sàn và giá trần. Từ đó, tùy điều kiện các cơ sở giáo dục, tùy điều kiện của phụ huynh học sinh tính toán mức giá phù hợp để đảm bảo chất lượng, khẩu phần dinh dưỡng, chăm lo thể chất cho học sinh… Ông cũng kiến nghị không đánh thuế vào bữa ăn bán trú, cần có cơ chế riêng đặc thù để đảm bảo chất lượng bữa ăn bán trú.

Sẽ có NQ mới thay thế NQ04

Tại buổi khảo sát, bà Mai Thị Hồng Hoa – Phó Chủ tịch UBND quận 1 thông tin, ngay từ đầu năm học khi tổ chức các buổi gặp gỡ, lắng nghe ý kiến của phụ huynh học sinh thì phụ huynh đều rất đồng tình với NQ04. NQ04 ra đời như một hành lang pháp lý rất an toàn, là cơ sở pháp lý chặt chẽ để các cơ sở giáo dục triển khai các nội dung thu, hơn là so với trước đây chỉ là sự thỏa thuận, có thể có sự khác biệt giữa các cơ sở giáo dục.

Tuy nhiên, quận cũng tiếp nhận nhiều ý kiến của phụ huynh mong muốn có thể được điều chỉnh NQ04, làm sao tăng thêm biên độ mức thu để một số đơn vị có thể vận dụng, áp dụng. Mục đích cuối cùng là tạo điều kiện tốt nhất cho con em của mình được học tập, phát triển một cách đầy đủ. Trong đó, về mức thu suất ăn 35.000 đồng khá sát so với giá cả, điều kiện của học sinh ở trung tâm quận 1…


Ông Cao Thanh Bình – Trưởng Ban VHXH, HĐND TP.HCM cho biết HĐND TP lấy ý kiến các cơ sở giáo dục để ban hành một NQ mới thay thế NQ04 áp dụng trong năm học mới

Thông tin tại buổi khảo sát, ông Cao Thanh Bình – Trưởng Ban VHXH, HĐND TP.HCM cho biết, NQ04/2023 của HĐND TP.HCM lần đầu được ban hành chỉ áp dụng trong năm học 2023-2024. Trong quá trình thực hiện sẽ được HĐND TP.HCM lấy ý kiến để sửa đổi, ban hành một NQ mới thay thế, thực sự đi vào đời sống ngành giáo dục. Trong tháng 5/2024 sẽ hoàn thành tờ trình về NQ mới, để đầu tháng 7 có kỳ họp HĐND TP thông qua nghị quyết mới thay thế NQ04 áp dụng cho năm học 2024-2025. Việc quận 1 đề nghị có biên độ mức thu rộng hơn là rất thoả đáng.

“Làm sao khi ban hành được NQ rồi thì tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là giáo dục. Khi thực hiện thì phụ huynh học sinh an tâm với các khoản đóng góp, tác động hiệu quả đến việc giảng dạy của nhà trường, giúp cho học sinh phát triển toàn diện. Làm như thế nào đó để với mỗi khoản thu đều nhận được sự đồng thuận của phụ huynh” – ông Bình kỳ vọng.

Sau buổi giám sát tại quận 1, ông đề nghị các trường cần so sánh mức thu NQ04 với các mức thu trong năm học trước. Đề nghị phòng giáo dục tiếp tục rà soát các trường ngoài các nội dung thu trong NQ04 thì còn là các khoản thu khác như nguồn tài trợ, nguồn kinh phí cha mẹ học sinh lớp…, để đánh giá tác động chung sao cho có sự quản lý chặt chẽ. Trong quá trình triển khai thực hiện cần công khai minh bạch, tạo sự đồng thuận của phụ huynh.

“26 khoản thu trong NQ04 là định mức khung, tuy nhiên NQ nói rất rõ là phải có sự thống nhất giữa cha mẹ học sinh và nhà trường. Nếu cha mẹ học sinh không đồng ý thì không được thu. Chứ không phải NQ nêu ra mức thu đó là nhà trường phải thực hiện. Cạnh đó, mức thực hiện là do sự thống nhất giữa nhà trường, phụ huynh, không vượt quá mức trần mà NQ đưa ra. Một số khoản thu nếu trong quá trình hành thu, thực chi mà không thực hiện đúng theo từng mục mà gộp chung chung vào là sẽ sai. Sở GD-ĐT TP.HCM và Sở Tài chính cần có thêm hướng dẫn…”.

Yến Hoa

Bình luận (0)