Sinh viên ngủ hoặc không chịu tương tác, mạng rớt hay bài học buồn tẻ… đều là những áp lực mà giảng viên và sinh viên đang phải “gánh” trong lớp học trực tuyến.
Trần Thị Cẩm Tiên, sinh viên (SV) Trường CĐ Kinh tế đối ngoại, cho biết điều căng thẳng nhất khi học trực tuyến là khi đường truyền không ổn định, mạng rớt liên tục khiến việc học bị đứt quãng, làm giảm đi khả năng tiếp thu kiến thức. “Việc tiếp thu bài giảng còn bị hạn chế bởi cảm xúc của thầy cô lẫn SV đều bị giảm khi dạy và học qua màn hình. Sự tương tác yếu dẫn đến việc giảng viên (GV) mất đi cảm hứng và người học thì dễ… buồn ngủ”, Cẩm Tiên nhìn nhận.
Cả thầy và trò đều gặp áp lực khi học trực tuyến. LƯƠNG NHUNG
Theo Cẩm Tiên, nếu SV áp lực một, thì GV có lẽ áp lực gấp đôi: “Trong lớp trực tuyến, SV cũng ít tương tác hơn làm cho cảm hứng giảng dạy của GV cũng không còn. Chưa kể đôi khi lớp học còn bị người lạ đột nhập vào “phá bĩnh”, ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng”. Hiện Cẩm Tiên bắt đầu học các môn chuyên ngành nên nếu học trực tuyến kéo dài, nữ SV này lo lắng mình sẽ không nắm vững hết các kiến thức mà thầy cô truyền đạt.
Nguyễn Bảo Huy, SV năm 4 ngành cơ điện tử, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cũng cho rằng khó tiếp thu bài giảng vì mạng chập chờn, chưa kể có những môn chuyên ngành rất khó, học qua màn hình bằng một vài video thì không thể nắm bắt đầy đủ kiến thức. “Vì thế, tụi em rất áp lực khi không hiểu bài mà vẫn phải làm bài kiểm tra và thi. Đa số phải hỏi thêm thầy hoặc tự mày mò, tìm thêm tài liệu để nghiên cứu”, Huy nói.
PGS-TS Đỗ Phú Trần Tình, GV Trường ĐH Kinh tế – Luật TP.HCM, thừa nhận khi học trực tuyến, áp lực nhất là lớp học không có sự tương tác, SV không chú tâm học. “Nhiều khi, GV như đang nói chuyện với… cái màn hình. Chỉ một số SV tích cực trao đổi còn đa số là không, thậm chí nhiều em mở máy rồi đi ngủ hoặc làm việc riêng, nhưng thầy cô cũng không có cách kiểm soát cũng như khuyến khích phát biểu như khi dạy trực tiếp. Việc ít tương tác của SV với GV trong lớp học trực tuyến sẽ làm giảm đi cảm xúc và nhiệt huyết rất nhiều, ảnh hưởng lớn tới chất lượng bài giảng”, PGS-TS Đỗ Phú Trần Tình chia sẻ.
Tiến sĩ Huỳnh Văn Thông, Trưởng bộ môn Truyền thông, Khoa Báo chí Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, tâm tư: “Tôi thấy thương lắm. Học trực tuyến SV không được đến trường, không được học hành trong một thứ “khí quyển xã hội” giàu ngữ nghĩa của những ánh mắt láu lỉnh, của những nụ cười sảng khoái, của thanh xuân rực rỡ náo nhiệt giờ ra chơi…”.
Theo Mỹ Quyên/TNO
Bình luận (0)