Cổ nhân nói “Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”. Nay thí sinh muốn đạt điểm cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT môn văn nói riêng và các môn thi khác nói chung, cần phải biết quy trình chấm bài, những mong muốn từ giám khảo và tuân thủ theo các yêu cầu để hạn chế sai sót…
Theo tác giả, chủ quan nộp bài sau 2/3 thời gian (với môn văn) là một sai lầm đáng tiếc của thí sinh (ảnh minh họa). Ảnh: Anh Khôi
Quy trình chấm thi tự luận môn văn
Mỗi địa phương (tỉnh/thành phố) là một hội đồng thi. Mỗi hội đồng gồm nhiều điểm thi và mỗi điểm thi gồm nhiều phòng. Trước khi chấm, bài làm của thí sinh được hội đồng chấm làm phách. Đó là cách xáo trộn bài của nhiều phòng (thường là 5 phòng) thành một bó, rồi tách ra thành nhiều túi theo số hoán vị riêng. Khâu này giúp cho việc bảo mật bài của thí sinh rất cao, vì đã xáo trộn số phòng so với ban đầu.
Quy trình chấm thi môn văn rất chặt chẽ. Bài thi khi được sắp xếp lại theo túi hoán được 2 giám khảo bố trí chấm theo 2 vòng độc lập. Thường thì trong những buổi đầu, nhiều giám khảo chấm chưa đều tay nên dễ lệch điểm. Nhưng sau khi đã quen với đáp án, và việc góp ý từ khâu chấm kiểm tra (yêu cầu chấm kiểm tra phải đạt 5% tổng số bài chấm của mỗi hội đồng), nên việc chấm hạn chế điểm lệch. Với đặc thù của môn văn, nếu điểm lệch từ 0,25 – 0,75, thì 2 giám khảo tự xử lý trên bài chấm. Nếu lệch từ 1,0 – 1,5 điểm, 2 giám khảo phải có biên bản thống nhất kèm theo phiếu chấm. Bài lệch từ 1,75 điểm trở lên phải được giám khảo chấm lần 3. Việc chấm vòng 3 cũng độc lập. Sau khi có 3 kết quả chấm của 3 giám khảo, cách tính điểm như sau: Nếu giám khảo 3 trùng điểm với 1 trong 2 giám khảo kia sẽ lấy điểm trùng đó; nếu cả 3 giám khảo lệch nhau, sẽ lấy điểm trung bình cộng và làm tròn đến 2 số thập phân. Các bài từ 1 điểm trở xuống (điểm liệt) và điểm từ 9 trở lên, giám khảo phải thật cân nhắc khi cho điểm. Vì những bài này phải có sự xem xét, thống nhất của tổ chấm.
Trong những năm gần đây, việc chấm thi môn văn đã đồng bộ hơn rất nhiều. Bởi vì đáp án, hướng dẫn chấm và phiếu chấm khá chi tiết, bài bản. Việc thanh kiểm tra và nội quy hội đồng chấm cũng nghiêm ngặt hơn, trách nhiệm của giám khảo cũng được ý thức đề cao rất rõ.
Giám khảo thường cho điểm cao những bài văn nào?
Muốn viết bài làm văn thi tốt nghiệp THPT đạt điểm cao, thí sinh cần biết giám khảo thường có những yêu cầu nào với bài làm của thí sinh khi chấm thi. Dưới đây là 10 lưu ý cho thí sinh khi làm bài:
Một, bài làm phải có bố cục rõ ràng, cân xứng trong các câu, giữa các phần và toàn bài. Hai, phải làm rõ được các trọng tâm của đề bài yêu cầu; trả lời đúng vào trọng tâm, không lạc đề; làm hết bài, không bỏ sót câu hỏi. Ba, bài làm nhất thiết phải thể hiện được quan điểm, chính kiến riêng của người viết. Có những phát hiện mới mẻ, bất ngờ, đúng, hay. Bốn, phải có dẫn chứng phong phú, dẫn chứng đúng trọng tâm đề bài, có cách trích dẫn hợp lý. Năm, có sự liên hệ, vận dụng đến các vấn đề xã hội. Và nêu được những bài học nhận thức của bản thân về các vấn đề ấy. Sáu, bài làm phải có cảm xúc, sử dụng nhiều yếu tố biểu cảm và giọng điệu riêng của người viết. Bảy, trình bày mạch lạc, tránh các lỗi về trình bày, diễn đạt, chính tả, dùng từ, đặt câu. Tám, bài làm cần sạch sẽ, hạn chế bôi xóa; chữ viết phải chuẩn, dễ đọc; chú ý canh lề, dòng, tách câu, đoạn. Chín, dung lượng độ dài phải tương đối, không quá ngắn, hoặc quá dài dòng lan man, dư thừa không cần thiết. Mười, thể hiện sự nhiệt tình, thiện ý của người viết. Vì vậy phải có thái độ đúng mực trong một “hoạt động giao tiếp” có văn hóa.
Thận trọng với các sai sót từ sự chủ quan
Mặc dù được sinh hoạt kỹ nội quy thi từ nhà trường và điểm thi, song năm nào cũng có thí sinh vi phạm quy chế thi, dẫn đến việc bị lập biên bản, bị đình chỉ thi. Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ sự chủ quan của thí sinh. Chẳng hạn, theo quy định, thí sinh không được đến trễ sau 15 phút từ khi tính giờ làm bài trong các buổi thi. Nhưng tại sao vẫn có nhiều thí sinh đi trễ? Vì các em ngủ dậy trễ do ôn bài quá khuya và không được báo thức kịp thời. Sự chủ quan với khoảng thời gian cố định từ nhà đến điểm thi mà không lường trước những bất trắc sẽ dẫn đến hệ lụy đến trễ. Ngoài việc không tạo cho thí sinh tâm lý thoải mái, đi trễ sẽ dễ kéo theo các vi phạm khác, chẳng hạn đem theo tài liệu, điện thoại vào phòng (do quên). Theo quy định của kỳ thi năm nay, mỗi điểm thi đều có vị trí riêng (cách xa các phòng thi 25m) để thí sinh để vật dụng cá nhân. Nhưng tốt nhất, thí sinh nên mang theo những vật dụng cần thiết theo quy chế để làm bài.
Viết vào giấy nháp hoặc thay giấy làm bài và viết lại không kịp là lỗi chủ quan thường có nữa của thí sinh. Vì vậy, thí sinh không nên viết nháp quá nhiều, quy định giấy nháp không được nộp để chấm. Nếu thay giấy mà cần bài làm từ giấy cũ thì có thể xin lại từ giám thị để nộp nếu hết thời gian. |
Chủ quan nên thí sinh ghi và tô sai số báo danh, mã đề thi. Các phiếu sau này khó được đổi, và nếu không phát hiện, khi chấm sẽ lọc ra riêng. Số báo danh của thí sinh gồm 8 chữ số, khi tô thí sinh chỉ ghi và tô 6 chữ số cuối (2 chữ số đầu là mã địa phương). Mỗi thí sinh sẽ có một mã đề riêng, trong đó 3 môn thi tổ hợp (khoa học tự nhiên và khoa học xã hội) phải cùng một mã đề. Nếu sai, bài làm sẽ sai lệch điểm.
Vì sơ ý, nhiều thí sinh đã phạm quy trong làm bài. Chẳng hạn đã có trường hợp thí sinh chỉ mang theo một cây bút vào phòng, và khi không dùng được phải mượn người khác. Hậu quả là bài làm có 2 màu mực. Giám khảo chấm thi cũng đã xử lý nhiều trường hợp bị coi như đánh dấu bài, như ghi thông tin không liên quan đến nội dung thi, viết chèn thêm chữ Hán vào bài làm hoặc ghi bên lề bố cục bài làm môn văn. Các trường hợp này được xem là đánh dấu và phải chấm chung, thường rất “chặt tay”. Không kiểm tra giấy thi, đề thi thật kỹ trước khi làm bài để được đổi đề nếu nhòe, mất trang. Hệ quả là tính toán sai, không được đổi đề (chỉ được đổi trong 5 phút kiểm tra đề), sẽ rất thiệt thòi. Viết vào giấy nháp hoặc thay giấy làm bài và viết lại không kịp là lỗi chủ quan thường có nữa của thí sinh. Vì vậy, thí sinh không nên viết nháp quá nhiều, bởi quy định giấy nháp không được nộp để chấm. Nếu thay giấy mà cần bài làm từ giấy cũ thì có thể xin lại từ giám thị để nộp nếu hết thời gian.
Với bài làm trắc nghiệm, nhiều khi những câu đơn giản lại dễ sai vì chủ quan. Cho nên thí sinh phải thật khách quan kiểm tra lại sau khi làm xong. Chủ quan nộp bài sau 2/3 thời gian (với môn văn) cũng là một sai lầm đáng tiếc. Vì nếu muốn điều chỉnh bài làm thì không còn cơ hội. Quy định không cho thí sinh trở lại phòng thi sau khi đã ra khỏi phòng.
Trần Nhân Trung
Bình luận (0)