Theo Luật Giáo dục 2019, trường bồi dưỡng giáo dục không có tên trong hệ thống giáo dục. Tại TP.HCM, do đặc thù nên tại tất cả các quận huyện đều có trường bồi dưỡng giáo dục. Với quy mô lớn, hiện các địa phương đang gặp khó trong việc sắp xếp mô hình này…
TP.HCM yêu cầu đánh giá lại hiệu quả trường bồi dưỡng giáo dục (hình minh họa)
Tận dụng để làm nhân viên phòng giáo dục
Trường bồi dưỡng giáo dục được thành lập vào năm 1991, căn cứ theo Quyết định 2315/QĐ ngày 7-9-1991 do Bộ GD-ĐT ban hành về việc ban hành quy chế tổ chức các hoạt động của trường bồi dưỡng giáo dục.
Theo quyết định này, trường được xem là trung tâm bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, giáo viên cho từng quận, huyện, thị xã… Có nhiệm vụ tổ chức bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, giáo viên, nhân viên các cấp học, ngành học, giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục bổ túc, giáo dục chuyên nghiệp và hướng nghiệp, dạy nghề thuộc huyện quản lý, theo kế hoạch của Sở GD-ĐT, UBND huyện, sự chỉ đạo của Phòng GD-ĐT. Đồng thời tham gia nghiên cứu khoa học giáo dục.
Mặc dù vậy, theo Luật Giáo dục 2019, trường bồi dưỡng giáo dục không có tên trong hệ thống giáo dục của Việt Nam. Tại TP.HCM, các địa phương đang tiến hành sắp xếp mô hình này song gặp nhiều khó khăn do quy mô lớn.
“Ngày trước, trường bồi dưỡng giáo dục được lập ra để bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao kiến thức cho giáo viên, bắt nhịp kịp thời với đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, cung cấp kịp thời nguồn lực giáo viên cho từng địa phương. Tuy nhiên, sau này khi đổi mới giáo dục đòi hỏi nhều hơn, đặc biệt là việc đổi mới chương trình, việc bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho giáo viên do Bộ GD-ĐT và các trường ĐH Sư phạm đảm nhiệm thì các trường bồi dưỡng giáo dục có vai trò mờ nhạt hơn”, ông Trần Khắc Huy (Trưởng phòng GD-ĐT Q.Tân Bình) chia sẻ.
Đứng trước yêu cầu về việc kiện toàn lại đội ngũ của trường bồi dưỡng giáo dục, ông Huy cho biết, quận vẫn chưa thể sắp xếp được đội ngũ này, đang tính toán sao cho phù hợp.
Tại Q.Bình Tân, với dân số khoảng 20 triệu dân, tương đương với dân số một tỉnh nhỏ, song ông Ngô Văn Tuyên (Trưởng phòng GD-ĐT Q.Bình Tân) cho biết, chức danh về phổ cập giáo dục trên địa bàn quận lại rất ít, chỉ có 1 người/80 ngàn dân, gây khó khăn, quá tải trong công tác phổ cập.
“Việc sắp xếp lại hay giải thể trường đội ngũ của trường bồi dưỡng giáo dục quận cần có sự tính toán, cân nhắc bởi đội ngũ của trường là rất lớn, trước giờ hỗ trợ nhiều cho các hoạt động giáo dục của địa phương. Vì vậy, sắp xếp thể nào để có nguồn nhân lực, đảm bảo chất lượng giáo dục mỗi địa phương”, ông Tuyên nói.
Do đặc thù của TP.HCM, mỗi quận huyện đều có trường bồi dưỡng giáo dục. Ngoài TP.HCM, các tỉnh thành khác do quy mô nhỏ, yêu cầu khối lượng không bằng TP.HCM nên không có các chức danh về trường bồi dưỡng giáo dục cấp quận, huyện.
“Với tình hình thực tế tại TP.HCM, cần phải có đủ nguồn nhân lực chuyên trách phổ cập, bồi dưỡng mới đảm bảo yêu cầu, giữ được phổ cập giáo dục bền vững. Với trường bồi dưỡng giáo dục các quận, huyện có thể tiến tới sáp nhập thành một trường cấp TP để thực hiện bồi dưỡng cho cả TP”, đại diện một phòng GD-ĐT kiến nghị.
Đánh giá lại hiệu quả các trường bồi dưỡng giáo dục
Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu cho biết, vai trò của trường bồi dưỡng các quận, huyện là hỗ trợ bồi dưỡng giáo viên và công tác kiểm tra đánh giá của các phòng giáo dục. Do quy mô lớn nên một số phòng giáo dục đã sử dụng hệ thống giáo viên của các trường bồi dưỡng như chuyên viên của phòng giáo dục, hỗ trợ điều hành công tác chuyên môn.
“Theo Luật Giáo dục, trường bồi dưỡng giáo dục không có tên trong hệ thống giáo dục Việt Nam, nên TP.HCM đang vướng điều này. Sở GD-ĐT đã xin ý kiến Sở Nội vụ về việc sáp nhập hoặc duy trì tổ chức lại thành trường bồi dưỡng giáo dục cấp TP”.
Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM Huỳnh Thanh Nhân khẳng định, hiện nay không có quy định, cơ sở nào quy định thành lập trường bồi dưỡng giáo dục. Tại TP.HCM, đầu năm 2021, trên cơ sở sắp xếp lại, thành lập TP.Thủ Đức, Sở Nội vụ đã có văn bản tham mưu UBND TP và UBND TP cũng đã đề nghị rà soát, sắp xếp việc tổ chức hay không tổ chức các trường bồi dưỡng giáo dục.
“Qua nắm tình hình nhận thấy vai trò của trường bồi dưỡng giáo dục tại các quận huyện là rất phù hợp, hỗ trợ rất tốt cho công tác giáo dục ở địa phương. Tuy nhiên, do không có quy định nào để thành lập nên cần có một đánh giá cụ thể về hiệu quả hoạt động của mô hình này”.
Lãnh đạo sở này đánh giá và đề nghị Sở GD-ĐT căn cứ vào tình hình giáo dục của TP để có văn bản, tham mưu UBND TP. Nếu muốn tiếp tục duy trì mô hình thì kiến nghị lên Bộ GD-ĐT, Trung ương để có cơ sở pháp lý thành lập bởi còn liên quan đến tổ chức bộ máy, biên chế và chế độ chính sách…
Trước khó khăn của các địa phương với mô hình trường bồi dưỡng giáo dục, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức nhìn nhận, mô hình này có tính “lịch sử” và hiện đang tồn tại ở cấp quận, huyện. Ông yêu cầu, ngành giáo dục phải vào cuộc, cùng với Sở Nội vụ đánh giá toàn diện vai trò, thực trạng của hệ thống này ra sao, có những căn cứ pháp lý nào để cân nhắc đưa ra đề xuất cụ thể.
“Nếu đề xuất phù hợp với quy định hiện tại của pháp luật thì thực hiện ngay. Còn nếu chưa phù hợp thì phải có những kiến nghị cụ thể, rõ ràng kèm theo những lý luận để bảo vệ kiến nghị đó”, ông chỉ rõ.
Về thực trạng phòng giáo dục đang “tận dụng” lực lượng “bên lề” là biên chế của các trường bồi dưỡng giáo dục, sử dụng như nhân viên cho phòng giáo dục, ông yêu cầu Sở Nội vụ cần xem xét lại cơ cấu phòng giáo dục đã hợp lý hay chưa để có hướng giải quyết, trên tinh thần là các tổ chức phải đủ nguồn lực…
“Cần giải quyết rốt ráo, tận gốc rễ vấn đề chứ không chỉ nêu vấn đề lên, khỏa lấp hiện tượng thì vấn đề sẽ vẫn còn tồn tại. Giáo dục là loại hình đặc biệt, bắt buộc phải triển khai có chất lượng song muốn làm phải kiên trì có lý lẽ để thuyết phục”, ông nhấn mạnh.
Đỗ Giang Quân
Bình luận (0)