Được ví là thuyền trưởng tại các cơ sở giáo dục, người hiệu trưởng hiện nay không chỉ đơn thuần là người truyền đạt, triển khai chương trình trong nhà trường mà còn “tiếp lửa”, tạo điều kiện thúc đẩy đội ngũ giáo viên đổi mới…
Người hiệu trưởng tại các cơ sở giáo dục luôn được ví là “thuyền trưởng của con tàu đổi mới giáo dục”. Trong ảnh: Học sinh tiểu học tham gia một hoạt động ngoại khóa trong năm học 2020-2021
Hành trình đổi mới nhẹ nhàng hơn khi được thấu hiểu
Bước sang năm thứ 2 triển khai chương trình mới ở bậc tiểu học, nhìn lại hành trình đổi mới, nhiều giáo viên tiểu học nhận định sự sẵn sàng về cơ sở vật chất, trang thiết bị chỉ là hỗ trợ, chất xúc tác thực sự làm nên thành công khi triển khai chương trình phải kể đến sự sẵn sàng của mỗi giáo viên, trong đó quan trọng là sự động viên, tiếp lửa của hiệu trưởng nhà trường. “Thực ra cơ sở vật chất, trang thiết bị chỉ là bề nổi trong đổi mới giáo dục, được xem là phương tiện giúp quá trình đổi mới được thuận lợi. Tuy nhiên, để giúp giáo viên thăng hoa trong đổi mới thì vai trò của người hiệu trưởng lại cực kỳ quan trọng, thậm chí quyết định sự thành bại của quá trình đổi mới”, cô N.T.D (giáo viên dạy lớp 1, đang công tác tại một trường tiểu học ở Q.Tân Phú, TP.HCM) chia sẻ.
Từ câu chuyện đổi mới của bản thân, cô D. cho biết thời gian đầu khi bắt tay vào bồi dưỡng, tập huấn về chương trình mới, sách giáo khoa mới, hầu như giáo viên nào cũng nản vì đã quá quen với những lối mòn, vừa phải đứng lớp, hoàn thành tốt chương trình hiện hành, vừa phải tập huấn cho chương trình mới. Có những khi làm bài tập huấn các module đến tận khuya… “Điều mà giáo viên thấy có động lực nhất đó là sự động viên kịp thời của hiệu trưởng nhà trường. Thấu hiểu sự khó khăn của giáo viên, hiệu trưởng nhà trường đã tổ chức những buổi tọa đàm, bồi dưỡng, mời chuyên gia về tập huấn, trang bị kiến thức cho giáo viên, tạo điều kiện để thầy cô được chia sẻ, trao đổi, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình đổi mới”, cô D. cho biết thêm.
Thầy Võ Kim Bảo (giáo viên Trường THCS Nguyễn Du, Q.1, TP.HCM) nhìn nhận, để mỗi giáo viên không đơn độc trong hành trình đổi mới giáo dục thì cần có sự đồng hành, chia lửa, tinh thần chủ động, mạnh dạn, dám nghĩ dám làm của người hiệu trưởng. Theo thầy Bảo, câu chuyện đổi mới không phải là câu chuyện ngày một, ngày hai hay một sớm một chiều. Đó là cả một hành trình từ nhận thức, sự thấu hiểu cho đến hành động. Trong hành trình đó, để mỗi giáo viên chuyển mình từ những thứ quen thuộc, rập khuôn sang bắt tay vào làm những cái mới, những cái lần đầu tiên tiếp xúc, không ngừng học hỏi, nghiên cứu, bắt nhịp với những yêu cầu của đổi mới thì vai trò hậu thuẫn của người hiệu trưởng là cực kỳ quan trọng. “Thuận lợi là hiệu trưởng trường tôi trẻ tuổi, lại là tổ trưởng bộ môn của quận nên tiếp cận cái mới nhanh, không cứng nhắc; ngược lại tạo môi trường thuận lợi để giáo viên được cọ xát, đổi mới. Ví dụ, thay vì tổ chức thi giáo viên dạy giỏi cấp trường thì nhà trường đổi thành các cuộc thi giáo viên sáng tạo ứng dụng công nghệ thông tin, sáng tạo về phương pháp dạy học mới… Chính những sân chơi thực tiễn này giúp giáo viên được tự nghiên cứu, trưởng thành”, thầy Bảo cho biết.
Mấu chốt trong đổi mới, theo nhiều giáo viên, người hiệu trưởng phải nắm rõ chương trình mới, dám đổi mới, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh phải linh hoạt chuyển đổi môi trường để giáo viên không ngừng được bồi dưỡng, tiếp sức. “Trong dịch bệnh, nhà trường mời các chuyên gia, tìm các khóa học hay gửi trong group để giáo viên nắm, gợi ý cho giáo viên đi học. Không những vậy, sự động viên ghi nhận kịp thời cũng được nhà trường thực hiện. Trong năm học này, hàng tháng mỗi tổ bộ môn sẽ đề xuất một giáo viên tiêu biểu của tổ, tích cực đổi mới trong dạy và học để nhà trường khen thưởng… Điều này làm giáo viên cảm thấy được ghi nhận, phát triển hơn và tạo làn sóng thi đua đổi mới trong toàn trường”, thầy Bảo chia sẻ.
Đồng hành cùng giáo viên đổi mới
Hiệu trưởng một trường THCS tại TP.Thủ Đức thừa nhận, có một thực tế là khi đổi mới, đa phần giáo viên đều đợi “nước đến chân mới nhảy”, thậm chí ngay cả khi “nước đến cổ mới… bơi”. Đến khi vào cuộc, bắt tay vào thực tế thì gặp khó khăn. “Khi chúng tôi cử giáo viên đi học về chương trình mới, dạy tích hợp liên môn, có một giáo viên lấy lý do… còn 5 năm nữa về hưu nên xin không đi học, xin dạy các lớp học chương trình hiện hành. Phải rất kiên trì, năm lần bảy lượt nói chuyện hơn thiệt, đánh vào tính tự cao của giáo viên thì chúng tôi mới thuyết phục được giáo viên này đi học”, vị hiệu trưởng cho biết.
Hiệu trưởng này cho biết thêm phải luôn theo sát động viên, tạo điều kiện, môi trường để giáo viên được ứng dụng những điều đã học. Khi tiếp cận cái mới, tinh thần là nhà trường không đòi hỏi sự cầu toàn, chấp nhận sự chưa hoàn thiện. Cái gì mới quá cũng cần có thời gian để mỗi giáo viên hoàn thiện, tạo điều kiện để giáo viên hoàn thiện. Quan trọng nhất là động viên để giáo viên dám làm, hòa mình vào cùng chiến lược đổi mới của nhà trường.
Đánh giá hành trình đổi mới của giáo viên không thể thiếu sự đồng hành của người hiệu trưởng, cô Phạm Thúy Hà (Phó Trưởng phòng GD-ĐT Q.4, TP.HCM) khẳng định, chỉ khi cùng giáo viên làm cái mới, người hiệu trưởng mới nhận ra cái khó của thầy cô để kịp thời gỡ khó. Chỉ khi đồng hành, kề vai sát cánh với giáo viên, người hiệu trưởng mới nhận ra những bất cập trong đổi mới chương trình, tạo môi trường để giáo viên sáng tạo. “Đơn giản như khi cùng với giáo viên soạn bài giảng, người hiệu trưởng sẽ nhận ra tiến trình soạn hiệu quả nhất, đáp ứng được yêu cầu của chương trình mới. Sự đồng hành này cũng sẽ tạo tâm lý thoải mái cho giáo viên đón nhận những gì mình chưa có kinh nghiệm, tự tin hơn, dám làm, chủ động làm, không rập khuôn, đối phó theo những giáo án có sẵn”, cô Hà nêu.
Trong khi đó, thầy Nguyễn Văn Ngai (nguyên Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM) lại đề cao tính nêu gương của người hiệu trưởng mỗi đơn vị. Ông cho rằng trong môi trường giáo dục, tính nêu gương của người hiệu trưởng đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Trong đổi mới, tính nêu gương thể hiện ở sự đổi mới của… chính hiệu trưởng – mạnh dạn, ham học hỏi, chủ động đổi mới, mày mò sáng tạo. Nó sẽ trở thành động lực để đội ngũ giáo viên nhìn vào học hỏi, kéo cả “toa tàu” đổi mới của nhà trường đi theo. “Có một bộ phận giáo viên đứng lớp nhiều năm chủ quan cho rằng mình có nhiều kinh nghiệm, vì thế sức ì trong đổi mới sẽ rất lớn. Người hiệu trưởng thể hiện tính nêu gương, đồng hành sẽ giúp giáo viên bớt chủ quan, tự ý thức nâng cao kiến thức, đổi mới chuyên môn”, thầy Ngai nói.
Bài, ảnh: Đỗ giang Quân
Bình luận (0)