Từ những nguyên liệu có sẵn trong tự nhiên, cô Lê Thị Thúy (giáo viên môn công nghệ Trường THPT Lê Quý Đôn, Q.3, TP.HCM) đã chế tạo thành những chai xà phòng hữu cơ thơm ngát, thân thiện với môi trường.
Cô Lê Thị Thúy giới thiệu các sản phẩm xà phòng hữu cơ do cô nghiên cứu theo công thức riêng
Với thành quả nghiên cứu của mình, cô Thúy đang hướng đến con đường khởi nghiệp để đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Bởi sản phẩm có giá thành rẻ nhưng hiệu quả, an toàn, được nhiều người quan tâm.
Nguyên liệu hoàn toàn tự nhiên
Từ tháng 2-2021, cô Lê Thị Thúy đã bắt tay vào việc tìm hiểu nguyên liệu để nghiên cứu làm xà phòng hữu cơ. Theo đó, cô thấy rằng trong tự nhiên có rất nhiều thứ có thể tạo ra xà phòng an toàn, chất lượng nhưng giá thành rẻ. Tuy nhiên, qua quá trình tìm hiểu, thử nghiệm, cô Thúy nhận ra nguyên liệu mà mình có thể chọn chính là bồ kết hoặc bồ hòn kết hợp với lá trầu, sả, chanh, vỏ bưởi, hoa khô, dầu dừa, glycerin, tinh dầu.
Theo cách làm của cô Thúy, quy trình điều chế ra xà phòng hữu cơ rất đơn giản, không dùng đến chất hóa học NaOH (dung dịch dùng tạo ra xà phòng thường sử dụng trong nghiên cứu). “Đưa hỗn hợp nguyên liệu đã được chuẩn bị lên nấu, sau đó hòa thêm nguyên liệu để hỗn hợp có độ đặc, nhiều bọt, tỏa ra mùi thơm. Điều quan trọng ở khâu điều chế xà phòng là người nấu phải biết nguyên liệu nào tạo mùi, nguyên liệu nào tạo bọt, tạo đặc, khử khuẩn… Khi nấu, người nấu cũng phải canh lửa, thời gian, chú ý đảo hỗn hợp để sản phẩm được tạo ra tối ưu nhất, không bị hư hỏng”, cô Thúy chia sẻ. Những chai xà phòng hữu cơ đầu tiên ra đời đã tạo động lực rất lớn cho cô giáo trẻ. Nhìn những chai xà phòng do mình làm ra, cô Thúy vô cùng vui mừng và xúc động. “Đó là thành quả mà tôi đã ngày đêm nghiên cứu. Qua mấy lần thất bại mới thành công”, cô Thúy nói.
Xà phòng hữu cơ do cô Lê Thị Thúy điều chế
Điểm khác biệt trong nghiên cứu của cô Thúy đó là nguyên liệu 100% từ tự nhiên. Trong đó dung dịch để tạo ra xà phòng do cô nghiên cứu, không giống của bất kỳ ai. Cô chỉ suy nghĩ chất nào có thể liên kết với nhau để tạo ra xà phòng và vẫn đảm bảo an toàn. Đặc biệt, nguyên liệu cũng được cô Thúy chọn theo sở thích cá nhân nên tất cả đều là sản phẩm đặc sắc, rất riêng. Theo đó, trong quá trình nghiên cứu, cô Thúy luôn suy nghĩ tới mùi thơm. Đó cũng là điều luôn làm cô trăn trở. Bởi vì nguyên liệu có tính khử mùi rất tốt nhưng không lưu lại hương thơm dài lâu như xà phòng hóa học. Vì nhiều người vẫn luôn muốn mùi thơm lưu lại trên da thật lâu. Việc mùi thơm không lưu lại lâu rất tốt cho việc rửa chén nhưng cô vẫn muốn tìm cách để lưu lại mùi thơm cho dầu gội, tắm, rửa tay… mà không phải dùng mùi thơm công nghiệp. Tuy nhiên, đây lại là bài toán khó và cần phải có nhiều thời gian tìm hiểu và nghiên cứu…
Đưa sản phẩm lên sàn thương mại
Những chai xà phòng hữu cơ ra đời chính là thành quả của một quá trình tìm hiểu, sáng tạo của cô Thúy. “Hiện tại, ở Việt Nam đã có nhiều sản phẩm xà phòng hữu cơ bán trên thị trường nhưng giá thành khá đắt. Còn loại khác có giá rẻ thì không biết chất lượng như thế nào. Chính vì vậy, bản thân tôi muốn hướng đến nghiên cứu xà phòng hữu cơ nhằm mục đích tạo ra sản phẩm vừa an toàn, vừa tiết kiệm lại thân thiện với môi trường xung quanh”, cô Thúy cho biết.
Theo cô Thúy, tác dụng của xà phòng hữu cơ rất đa năng, có thể dùng cho bất kỳ nhu cầu nào vì nó không gây tác hại cho con người. Sản phẩm có thể dùng để tắm, gội, rửa tay, rửa chén, lau sàn… Cụ thể, khi rửa chén, xà phòng khử mùi tanh của thức ăn, không trơn như xà phòng hóa học nên dễ cầm nắm, khử khuẩn tốt, rửa các sản phẩm bằng kim loại ít bị ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Nếu dùng làm nước lau sàn thì sạch, nhanh khô, khử mùi, khử khuẩn tốt. Đối với tắm, gội, rửa tay…, do xà phòng chủ yếu là nguyên liệu an toàn (bồ kết, chanh, sả, vỏ bưởi…) nên đảm bảo chất lượng, không gây hại cho cơ thể. Nếu dùng loại có bồ hòn thì tẩy rửa tốt, thậm chí giặt rất sạch phù hợp cho các loại khăn tắm của trẻ em. “Hiện các thành viên trong gia đình tôi đều dùng xà phòng do tôi làm. Ngoài ra, tôi còn tặng một số người bạn sử dụng. Có người thì tin tưởng dùng bảo tốt, bọt nhiều, sạch. Có người thì chưa biết nên chưa an tâm dùng thử. Riêng gia đình tôi thì dùng từ tháng 2 đến nay. Vì dịch không mua được các loại xà phòng hóa học nên dùng các loại hữu cơ tôi làm tiết kiệm được chi phí”, cô Thúy chia sẻ.
Giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm sản phẩm của Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3
Nói về tiềm năng của sản phẩm, cô Thúy cho biết tiềm năng thương mại hóa của sản phẩm xà phòng hữu cơ là rất lớn. “Hiện tại đã có nhiều người đặt hàng xà phòng hữu cơ do tôi làm nhưng vì chưa có thời gian nên tôi chưa thể điều chế để giao cho khách. Trước mắt tôi sẽ cố gắng hoàn thành đơn hàng 50 chai (300ml) cho một người bạn. Tôi cũng đã có kế hoạch ra mắt sản phẩm này tặng kèm xà bông giấy hữu cơ do mình nghiên cứu… Giá sản phẩm đảm bảo rẻ, ai cũng có thể mua được”, cô Thúy cho hay. Hiện cô Thúy đang tập trung cho 2 loại xà phòng hữu cơ: dùng hỗn hợp bồ hòn (có thể tắm và gội) và dùng hỗn hợp bồ kết kết hợp tắm, gội. Bên cạnh đó, cô cũng đang nghiên cứu xà phòng giấy để tạo sự tiện lợi trong quá trình sử dụng.
Theo cô Thúy, xà phòng hữu cơ do cô làm có thời hạn dài, sử dụng trên 6 tháng mà sản phẩm vẫn còn tốt, không gặp vấn đề gì. Sản phẩm có kết quả xét nghiệm của Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng. “Mới đây có một công ty ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã liên hệ với tôi hỏi về công thức điều chế xà phòng hữu cơ. Tôi rất mừng vì sản phẩm được nhiều người biết đến mặc dù chưa phổ biến rộng rãi trên thị trường”, cô Thúy cho hay.
Hồ Trinh
Bình luận (0)