Năm học 2023-2024, TP.HCM xây dựng trường học hạnh phúc, tiếp tục chuyển đổi số mạnh mẽ trong các trường học, đặc biệt là kiên định mục tiêu đổi mới giáo dục.
Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu
Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Hiếu – Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM về những mục tiêu của ngành giáo dục TP trong năm học 2023-2024.
+ Phóng viên: Năm học 2023-2024, TP.HCM tiếp tục đối mặt với bài toán khó về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, trường lớp. Ngành giáo dục đã có giải pháp gì để khắc phục, thưa ông?
– Ông Nguyễn Văn Hiếu: Sở GD-ĐT TP.HCM đã làm việc với thường trực Quận, Huyện ủy TP.Thủ Đức và các quận, huyện bàn về giải pháp khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, đầu tư xây dựng trường học.
Sở và các quận, huyện đã thống nhất được thời gian tuyển giáo viên, công bố kết quả. Tránh tình trạng dữ liệu ảo ở một số quận, huyện khi tuyển giáo viên xong thì một số quận, huyện tuyển sau gây ra tình trạng những ứng viên đã trúng tuyển rồi vẫn tiếp tục tham gia dự tuyển ở các quận, huyện khác, gây khó khăn trong công tác tuyển dụng.
Về đầu tư cơ sở vật chất là vấn đề lâu dài, TP.HCM đã đầu tư rất nhiều năm. Trước đây có Quyết định số 02/2005 của UBND TP về quy hoạch mạng lưới trường lớp đến năm 2020. Kết quả quy hoạch đặt ra mục tiêu phải có 2.000 hécta đất cho giáo dục nhưng đến hiện nay sau khi đã tổng kết Quyết định 02 thì chúng ta mới chỉ có 1.000 hécta đất đã thực hiện được, mới đạt hơn 50% mục tiêu của quyết định.
Những năm vừa qua, nguồn quy hoạch đất dành cho giáo dục cũng hết sức khó khăn, đất sạch sẵn sàng dành cho giáo dục thì rất khó. Khu vực vùng ven, ngoại thành với tốc độ dân cư tăng rất nhanh, ví dụ như huyện Bình Chánh có những xã có tới hơn 160.000 dân ở một địa phương thì đã phá vỡ mọi quy hoạch về dân cư cũng như quy hoạch về trường học trong thời gian vừa qua.
Năm học 2023-2024, TP.HCM đặt mục tiêu xây dựng trường học hạnh phúc
Sắp tới, TP.HCM có quyết định đầu tư xây dựng 4.500 phòng học đến năm 2025. Đây là một trong 50 công trình TP chọn để chào mừng 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. TP đầu tư ngân sách xây dựng khoảng 3.000 phòng học, số còn lại 1.500 phòng học sẽ kêu gọi đầu tư xã hội hóa từ doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước có phòng học trong năm học tới.
+ Năm học 2023-2024, TP.HCM sẽ chú trọng những nội dung gì trong phương hướng nhiệm vụ giải pháp năm học, thưa ông?
– Năm học 2023-2024 là năm áp cuối việc triển khai thực hiện Nghị quyết 88 của Quốc hội về Chương trình, sách giáo khoa GDPT. Tức là lớp 4, lớp 8, 11, chỉ còn 1 năm nữa là về đích Chương trình GDPT 2018. Do vậy, năm học 2023-2024 là năm học có vai trò cực kỳ quan trọng để chúng ta khẳng định được việc thực hiện Chương trình GDPT 2018 theo định hướng phẩm chất, năng lực học sinh đi vào đúng định hướng, mục tiêu.
TP.HCM sẽ tiếp tục kiên trì tổ chức các hoạt động tập huấn, bồi dưỡng cho giáo viên, xác định ngay từ đầu các môn mới như lịch sử – địa lý, khoa học tự nhiên ở bậc THCS và các môn mới ở bậc THPT mặc dù giáo viên thiếu, giáo viên mới được tập huấn sẽ có khó khăn thế nhưng với mục đích là giảm tải kiến thức, định hướng mới của Chương trình GDPT 2018 là tiếp cận năng lực, TP.HCM sẽ tiếp tục kiên trì tập huấn bồi dưỡng giáo viên, phối hợp với các trường ĐH, nhất là ĐH Sài Gòn có nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng hơn.
Hiện nay, TP.HCM có hơn 5.000 giáo viên đang bồi dưỡng, tập huấn ở các môn học mới tại ĐH Sài Gòn như khoa học tự nhiên, lịch sử – địa lý. Đồng thời Trường ĐH Sài Gòn cũng đã đang đào tạo mới đến khóa thứ 5 đội ngũ sinh viên này, mỗi khóa như vậy có khoảng 30 sinh viên các môn học mới, sắp tới sẽ ra trường cuốn chiếu. Chính vì thế, nhiệm vụ năm học mới là tiếp tục thực hiện lộ trình Chương trình GDPT 2018.
Ngoài thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của mầm non, phổ thông, năm học mới ngành giáo dục TP sẽ tiếp tục tập trung thêm ở các hoạt động nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh, mang đến trường học an toàn, hạnh phúc cho học sinh.
Mô hình trường học hạnh phúc thời gian qua đã được sở tổ chức các hội thảo để lấy ý kiến các nhà khoa học, các chuyên gia để nghiên cứu ban hành bộ tiêu chí về trường học hạnh phúc. Ở nơi đó, học sinh đến trường học là vui học, được thể hiện mình, được sự quan tâm chăm lo của thầy cô giáo cũng như được trải nghiệm trong không gian học tập có nhiều bạn bè, thoải mái trong trường học.
Đặc biệt, trong năm học mới TP.HCM sẽ tiếp tục xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh trong các nhà trường. Theo chỉ đạo trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XI của Đảng bộ TP là tập trung xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh trong tất cả các lĩnh vực, bao gồm cả ngành giáo dục. Ngành giáo dục cũng có riêng một kế hoạch để triển khai xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh trong từng trường học, ở mỗi trường học được trưng bày các hình ảnh, nội dung, câu chuyện về cuộc đời hoạt động của Bác Hồ, để học sinh, giáo viên có nhiều trải nghiệm, điều kiện để nghiên cứu học tập về Bác.
Trong năm học vừa qua, nhiều trường học đã có rất nhiều sáng tạo, triển khai một cách hiệu quả trong triển khai thực hiện Không gian văn hóa Hồ Chí Minh trong trường học, góp phần nâng cao hơn nữa việc giáo dục chính trị, tư tưởng cho học sinh, đội ngũ giáo viên trong nhà trường. Năm học mới, các mô hình hay, hiệu quả sẽ tiếp tục được nhân rộng để việc học tập và làm theo Bác đi sâu, lan tỏa, thấm nhuần trong mỗi học sinh, nhà trường…
+ Năm học 2023-2024, TP.HCM tiếp tục đẩy mạnh việc chuyển đổi số trong trường học. Đây có được xem là giải pháp để TP khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, thiếu cơ sở vật chất trong các nhà trường trong bối cảnh hiện nay không, thưa ông?
– Chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ quan trọng được ngành giáo dục TP.HCM chú trọng triển khai trong những năm qua. Tuy nhiên, những năm qua chuyển đổi số mới tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu số toàn ngành. Tính đến nay, toàn TP đã có hơn 1,7 triệu học sinh và 120 ngàn giáo viên đã có cơ sở dữ liệu số. Cạnh đó, Sở GD-ĐT cũng đã có chỉ đạo số hóa tất cả các trang thiết bị dạy và học trong nhà trường để làm sao có thể quản lý, dự báo trang thiết bị một cách phù hợp.
Cũng như là số hóa sách giáo khoa, tài liệu, thư viện số, các kế hoạch dạy học số để chia sẻ bài học hay cho tất cả học sinh ở các vùng miền khó khăn của TP. Khi thực hiện tốt giải pháp số thì sẽ hỗ trợ tốt các trường vùng xa, ngoại thành, xã đảo Thạnh An, thiếu giáo viên thì có thể chia sẻ các tiết học tốt cho học sinh ở xã đảo.
TP.HCM cũng đang tính toán để giáo viên có thể quản lý được các lớp học ở xã đảo, song đây là vấn đề khó khăn. Các quy định vẫn còn chưa đảm bảo được việc này. Tuy nhiên, lớp học số sẽ mang lại giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục cho các trường vùng xa. Hiện nay, ngoài tin học, ngoại ngữ giảng dạy theo mô hình lớp học số, Sở GD-ĐT đang tính đến các tiết thao giảng, tiết dạy giỏi của giáo viên ở các môn khác để làm dữ liệu dùng chung cho các trường tham khảo trong quá trình dạy học, từng bước nâng cao chất lượng dạy học, triển khai định hướng của toàn ngành.
Đặc biệt là việc thực hiện bồi dưỡng giáo viên, Phòng Giáo dục Tân Bình đã đưa lên nền tảng số các chủ đề dạy học môn khoa học tự nhiên ở THCS. Đây cũng là giải pháp giảm bớt khó khăn trong việc chưa đồng bộ ở tập huấn và đội ngũ giáo viên thực hiện các môn học trong chương trình mới.
+ Xin cảm ơn ông!
Đỗ Yến Hoa (thực hiện)
Bình luận (0)