Nếu trước đây tiết học chỉ có một hình ảnh thầy đọc, trò ghi qua thuyết giảng một chiều của người dạy thì nay đã có những tiết học phá bỏ cách dạy cũ nhằm phát huy tính tích cực của người học, khi người thầy biết khuyến khích tư duy phản biện của học sinh.
Theo tác giả, không ít tiết học thất bại ngoài lỗi của học sinh còn có trách nhiệm của giáo viên khi chưa tạo ra được những cuộc đối thoại sôi nổi trong lớp học (ảnh minh họa). Ảnh: Anh Khôi
Học sinh cần “chất nhiều hơn lượng”
Cách dạy “tầm chương trích cú” trước đây yêu cầu người học tiếp thu hết mọi kiến thức của người thầy dù rộng hay hẹp, hoặc dù đúng hay sai. Người dạy với vai trò trung tâm của lớp học có trách nhiệm truyền đạt lượng thông tin một chiều cho học sinh để tiếp thu kiến thức. Vì thế, các em được ví là những “chiếc bình” để người dạy đổ nhiều nước vào đó không cần biết loại “nước” gì. Tuy nhiên, không phải loại “nước” nào mọi “chiếc bình” cũng có thể tiếp thu được, nhưng để có những ý kiến phản hồi với thầy cô thì không phải là điều dễ dàng đối với học sinh. Đó là câu chuyện khi chúng tôi vào học năm đầu tiên cấp 3, trong một giờ học văn, khi thầy giáo đưa ra khái niệm “chân lý, công lý” thì hầu hết các bạn trong lớp đều không hiểu vì thuật ngữ xa lạ quá trừu tượng. Vì không dám hỏi thầy nên chúng tôi chỉ biết kháo nhau ở phía dưới. May thay hôm đó là tiết dự giờ nên sau khi hết tiết, một thầy giáo khác trong tổ ngồi bàn sau cùng đã ở lại giải thích cho chúng tôi rõ thuật ngữ trừu tượng này. Tuy không phải là ý kiến khác nhưng sự thắc mắc này cũng chính là cách phản biện của người học mà đáng lẽ chúng tôi phải đứng lên có ý kiến với thầy giáo bộ môn. Nếu không phải tiết dự giờ thì câu hỏi của chúng tôi vẫn chỉ là một ẩn số mà chắc chắn khi lên lớp trên mới được giải mã.
Hiện nay trong luồng gió đổi mới phương pháp giáo dục, cách dạy nhồi nhét kiến thức cho người học thật sự không còn phù hợp nữa vì học sinh cần “chất nhiều hơn lượng” của thông tin. Thực tế cho thấy có những thông tin của người dạy không còn phù hợp với “khẩu vị” của người học. Vì thế đòi hỏi cần có sự phản biện nhiệt tình của người tiếp nhận thông tin. Xét về mặt khoa học, tư duy phản biện hay tư duy phân tích là một quá trình tư duy biện chứng gồm phân tích và đánh giá một thông tin đã có theo các cách nhìn khác cho vấn đề đã đặt ra nhằm làm sáng tỏ và khẳng định lại tính chính xác của vấn đề. Tư duy phản biện không chỉ đơn thuần là sự tiếp nhận và duy trì thông tin thụ động. Đó có thể tóm tắt là quá trình tư duy tìm lập luận phản bác lại kết quả của một quá trình tư duy khác để xác định lại tính chính xác của thông tin.
Đánh thức khám phá cho người học
Dựa vào những nghiên cứu gần đây, các nhà giáo dục đã hoàn toàn tin tưởng rằng trường học nên tập trung hơn vào việc dạy học sinh tư duy phản biện. Khi phản biện yêu cầu lập luận phải rõ ràng, logic, có đầy đủ bằng chứng, tỉ mỉ và công tâm. Mọi người hoàn toàn có thể tự luyện tập tư duy phản biện theo 4 bước: đặt câu hỏi, tìm kiếm thông tin, phân tích sự việc và đưa ra giải pháp.
Theo đó, đặt câu hỏi là việc khởi đầu cho mọi quá trình học tập. Hầu hết những người có tư duy phản biện đều luôn tò mò và có thói quen tự đặt câu hỏi cho những gì đang diễn ra trước mắt họ. Thói quen trước nay chỉ có giáo viên đặt câu hỏi cho học sinh trả lời nên thiếu không khí phản biện trong lớp học. Nếu học sinh đặt câu hỏi thì giáo viên có thể quy chụp học sinh “làm khó” hay vô lễ với thầy cô. Thế nhưng, việc đặt câu hỏi không chỉ giúp học sinh có thêm câu trả lời mà còn giúp các em có được cái nhìn rộng và khách quan hơn để lựa chọn sau khi đưa lên bàn cân nhiều câu trả lời khác nhau. Không khí lớp học từ đó cũng sôi nổi và hào hứng hơn. Các câu hỏi còn giúp bạn bè trong lớp có thêm cơ hội tìm kiếm thông tin để tự trả lời thông qua internet, sách vở tài liệu hoặc “tra cứu” từ người khác. Khi đã có thông tin, giáo viên và học sinh phân tích tất cả với một tâm trí mở, khách quan, không thành kiến. Đây có thể là bước khó khăn nhất nhưng cũng thú vị và cần thiết nhất để luyện tập.
Tư duy phản biện của học sinh còn giúp người dạy nắm được tình hình học tập của cả lớp. Bởi tiết dạy sẽ thật buồn tẻ nếu học sinh không trả lời và cũng không có ý kiến gì cả. Thông qua phản biện của học sinh, giáo viên có thể tự đánh giá được kiến thức và cả phương pháp mình vừa chuyển tải cho các em trong một tiết học, tránh được tình trạng đánh giá sai lệch khả năng và phương pháp sư phạm của người thầy.
Câu chuyện TS. Lê Bá Khánh Trình đoạt giải cao với số điểm tuyệt đối tại kỳ thi học sinh giỏi toán quốc tế khi còn là học sinh Trường Quốc học Huế đã cho thấy giá trị tư duy phản biện của người học. Ban giám khảo quốc tế thật sự nể phục vì ngoài cách giải như đáp án có sẵn, thí sinh nam đến từ Việt Nam – một quốc gia có truyền thống đào tạo học sinh giỏi toán – đã có một đáp án khác như một cách giải mới. Rõ ràng ngoài trí thông minh, Lê Bá Khánh Trình còn có một tư duy phản biện tốt và đưa ra thật đúng lúc, đúng chỗ.
Giáo viên phải thật sự tôn trọng những ý kiến của học sinh dù có thể chưa đúng để điều chỉnh phù hợp, có như vậy mới phát huy được tính tích cực của người học cho những tiết học sau đó. Phản biện cũng là cầu nối giúp học sinh có thêm cơ hội đối thoại và giao lưu chuyên môn một cách bình đẳng và hứng thú. Không ít tiết học thất bại ngoài lỗi của học sinh còn có trách nhiệm của giáo viên khi chưa tạo ra được những cuộc đối thoại sôi nổi trong lớp học. Về mặt tổ chức sư phạm, tư duy phản biện còn hạn chế được những tiêu cực của người học trong tiết học, tránh làm việc riêng, tập trung vào việc khác, hướng các em đi đúng quỹ đạo của giờ học. Có như vậy mới thổi hồn vào từng tiết học để khơi gợi và nuôi dưỡng niềm hứng khởi trên con đường học tập, khám phá và tự khẳng định bản thân bằng đôi cánh vững vàng của trí tuệ.
Nguyễn Hoàng Anh
Bình luận (0)