Sở GD-ĐT TP.HCM hướng dẫn, các cơ sở giáo dục có cấp học THPT hoạt động theo cấp độ dịch của TP; Cơ sở giáo dục còn lại hoạt động theo cấp độ dịch của TP.Thủ Đức hoặc quận, huyện nơi thường trú đóng.
Sở GD-ĐT TP.HCM hướng dẫn tạm thời việc tổ chức dạy học trực tiếp theo từng cấp độ dịch
Sở GD-ĐT TP.HCM vừa có văn bản về hướng dẫn tạm thời việc tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn TP.HCM. Theo đó, Sở GD-ĐT yêu cầu, tất cả các cơ sở giáo dục khi hoạt động trực tiếp phải xây dựng được kế hoạch, phương án đảm bảo công tác phòng chống dịch COVID-19 khi tổ chức dạy học trực tiếp trở lại, có sự góp ý của cán bộ, giáo viên, nhân viên cha mẹ học sinh, được Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.Thủ Đức và các quận, huyện phê duyệt. Tổ chức dạy học trực tiếp trở lại theo kế hoạch của UBND TP.HCM, UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện.
Đặc biệt, Sở GD-ĐT TP chỉ rõ, các cơ sở giáo dục có cấp học THPT hoạt động theo cấp độ dịch của TP; Cơ sở giáo dục còn lại hoạt động theo cấp độ dịch của TP.Thủ Đức hoặc quận, huyện nơi thường trú đóng.
Cụ thể:
Đối với các cơ sở giáo dục ở địa bàn được xác định dịch ở cấp độ 1 (nguy cơ thấp): được phép tổ chức dạy học trực tiếp, đảm bảo quy định về phòng chống dịch. Các trường THCS, THPT thực hiện toàn bộ thời lượng theo kế hoạch giáo dục nhà trường. Trong đó, thời khoá biểu dạy học trực tiếp không quá 30 tiết/tuần; thời lượng học trực tiếp ưu tiên cho chương trình chính khoá, các hoạt động phụ đạo, bồi dưỡng, nhằm khắc phục khó khăn, hạn chế do dạy học trên internet.
Thời lượng dạy học còn lại, các cơ sở được thực hiện trên internet thông qua hệ thống quản lý LMS.
Đối với cơ sở giáo dục ở địa bàn được xác định dịch cấp độ 2 (nguy cơ trung bình): Tổ chức dạy học trực tiếp, đảm bảo quy định về phòng chống dịch; Củng cố các điều kiện hạ tầng CNTT, trang thiết bị, phương tiện, sẵn sàng chuyển sang hình thức dạy học khác khi dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Trong đó, cấp MN trẻ từ 25 tháng tuổi -6 tuổi học 100%. Không tổ chức hoạt động ngoài nhà trường. Kết hợp gửi các clip về hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ, tạo điều kiện cho phụ huynh hỗ trợ chăm sóc trẻ tại nhà.
Cấp TH: Lớp 1, 2 học 100%, thời lượng học 100%; lớp 3, 4, 5 học 100% với thời lượng 50%.
Cấp THCS, THPT, GDTX: Thực hiện toàn bộ thời lượng dạy học theo kế hoạch giáo dục nhà trường. Trong đó, thời khoá biểu trực tiếp không quá 18 tiết/tuần, ưu tiên chương trình chính khoá, phụ đạo, bồi dưỡng học sinh… Riêng học sinh lớp 6, 9, 12 có thể bố trí thời lượng học trực tiếp tăng thêm nhưng không quá 24 tiết/tuần.
Trung tâm ngoại ngữ, tin học: hoạt động tối đa 50% số lượng học viên tại cùng một thời điểm, phối hợp dạy trực tuyến và trực tiếp.
Đối với cơ sở giáo dục ở địa bàn dịch cấp độ 3 (nguy cơ cao): Tổ chức dạy học trực tiếp kết hợp trực tuyến, trên truyền hình. Căn cứ điều kiện thực tế, địa phương quyết định dạy học từng lớp, khối lớp, ưu tiên dạy trực tiếp lớp 1, 2, 6, 9, 12.
Cấp MN: trẻ mẫu giáo 4, 5 học 100%, không tổ chức ăn sáng, hạn chế hoạt động ngoại khoá, kết hợp gửi clip hoạt động chăm sóc giáo dục trẻ cho phụ huynh.
Cấp TH: lớp 1, 2 học 100% với thời lượng 50%, lớp 3, 4, 5 tổ chức học trực tuyến.
Cấp THCS, THPT, GDTX: Thực hiện toàn bộ thời lượng dạy học theo chương trình chính khoá. Thời khoá biểu dạy học trực tiếp không quá 12 tiết/tuần, ưu tiên chương trình chính khoá, thời lượng còn lại được dạy học trên internet… Khối 6, 9, 12 có thể bố trí thời lượng học trực tiếp tăng thêm nhưng không quá 18 tiết/tuần. Không tổ chức chương trình nhà trường, không dạy học 2 buổi/ngày.
Trung tâm ngoai ngữ, tin học: Hoạt động tối đa 25% số lượng học viên tại 1 thời điểm, phối hợp dạy học trực tuyến và trực tiếp.
Đối với cơ sở giáo dục ở địa bàn dịch cấp độ 4 (nguy cơ rất cao): Tổ chức dạy học trực tuyến, trên truyền hình, giao bài tự học. Giáo viên hướng dẫn phụ huynh hỗ trợ, giúp đỡ học sinh học tập vui chơi tại nhà theo hình thức phù hợp. Có phương án chuyển tài liệu đến học sinh thiếu thiết bị học trực tuyến, học qua truyền hình.
Yến Hoa
Bình luận (0)