Từ việc tạo thói quen đọc sách, báo, tôi tập tành viết lách và gửi những suy nghĩ, trăn trở, những chia sẻ chuyên môn đến với báo chí. Tôi luôn thầm cảm ơn nghề báo, đã giúp cho những người không chuyên ngành báo chí như tôi, được trải nghiệm, được cộng tác, được đọc lại những bài viết của mình trên phương tiện truyền thông, báo chí đăng tải. Quả thật, đó là niềm vui, hạnh phúc mà con chữ, báo chí đã ban tặng.
ThS. Nguyễn Hiếu Tín – cộng tác viên thường xuyên của Tạp chí Giáo dục TP.HCM
Từ thói quen đọc báo…
Từ thời phổ thông, tôi rất thích đọc sách, thi văn, báo chí. Bởi lẽ, tôi tâm niệm sách vở, báo chí là người thầy tốt, luôn cung cấp rất nhiều thông tin hay, bài học hữu ích. Đọc báo giúp tôi biết được những sự việc quan trọng đang xảy ra trên thế giới cũng như đất nước mình, những bài viết đăng tải trên các báo sẽ mang lại sự hiểu biết ở nhiều lĩnh vực để tôi có thể trau dồi, thảo luận và chia sẻ với bạn bè và phục vụ đắc lực cho việc học tập, nghiên cứu.
Trên báo chí, lúc đó tôi thường đọc những trang viết giới thiệu về sinh viên vượt khó, hiếu học, những đóng góp, sáng tạo, tư duy mới lạ của người trẻ, những bài viết đó góp phần tăng thêm tính nghị lực, trí tuệ cảm xúc cho người đọc. Lúc đó, tôi thầm mơ ước rất “trẻ con” rằng: Nếu sau này, đi lên Sài Gòn học, mình cố gắng học cho thật giỏi, làm việc thật tốt, cống hiến cho xã hội thật nhiều… để được quý anh chị nhà báo giới thiệu, chắc ba mẹ mình sẽ rất vui, như là một phần thưởng lớn của đời người. Ước mơ bé nhỏ của học sinh tỉnh lẻ như tôi, chỉ thoáng qua vì nghĩ rằng “không nên tiết kiệm với ước mơ mà!”. Thế rồi, mấy năm sau, tôi cũng như bạn bè khác được đi học ở Sài Gòn, vẫn duy trì thói quen đọc báo, và cố gắng nỗ lực học tập, tham gia nhiều hoạt động xã hội khác. Không ngờ, ước mơ ngày nào của tôi, may mắn cũng thành hiện thực. Tôi được các anh chị phóng viên giới thiệu, đưa tin khi tôi đạt “Giải nhất triển lãm tem trẻ toàn thành năm 2000, 2001” và khi tôi bảo vệ luận văn thạc sĩ đầu tiên về đề tài thư pháp Việt (tháng 9-2006), cũng như ra đời quyển sách đầu tay về thư pháp (2007). Điều đó, thật sự đối với tôi mừng “như trúng số”, vì ước mơ ngày nào đã được quý báo chí chắp cánh. Tôi luôn nghĩ, báo chí với sự khách quan của mình luôn khai thác những giá trị vốn có của cuộc sống và làm cho mọi người, mọi giới có thể được phấn đấu vì một lý tưởng nào đó, như tôi chẳng hạn. Có thể nói, báo chí, truyền thông là một người thầy tốt – người thầy cởi mở, chín chắn, hồn nhiên nhưng nghiêm trang của các bạn trẻ.
… Đến tập tành viết báo
Từ việc tạo thói quen đọc sách, báo, tôi tập tành viết lách và gửi những suy nghĩ, trăn trở, những chia sẻ chuyên môn đến với báo chí. Tôi luôn thầm cảm ơn nghề báo, đã giúp cho những người không chuyên ngành báo chí như tôi, được trải nghiệm, được cộng tác, được đọc lại những bài viết của mình trên phương tiện truyền thông, báo chí đăng tải. Quả thật, đó là niềm vui, hạnh phúc mà con chữ, báo chí đã ban tặng.
Bài viết đầu tiên trong đời của tôi liên quan đến thú chơi tem mà tôi yêu thích với chủ đề “Thư pháp Trung Hoa – nét đẹp văn hóa phương Đông” (năm 2002), may mắn được đăng trang trọng trên Tạp chí Tem Việt Nam. Từ bài viết này, đã trở thành nguồn động lực, niềm vui, háo hức giúp tôi có chút “duyên lành với bút mực”.
Xuất phát từ nhu cầu công việc giảng dạy, tôi tìm đọc những tạp chí chuyên ngành về giáo dục, đào tạo. Và nhân duyên đã dẫn tôi tìm đọc và cộng tác bài viết khá thường xuyên cho Báo Giáo dục TP.HCM (nay là Tạp chí Giáo dục TP.HCM – một tờ báo rất riêng, chuyên môn sâu về ngành giáo dục. Tôi may mắn có nhiều “duyên lành” khi được cộng tác với tờ báo chuyên ngành này từ năm 2008, đến nay được 15 năm, chứng kiến được sự trưởng thành và phát triển không ngừng của đơn vị báo chí này. Được tham gia viết báo, đứng cạnh những tên tuổi từng ngưỡng mộ – là những thầy cô giàu tâm huyết, là những nhà nghiên cứu đầy trách nhiệm, đối với tôi – một độc giả và bạn viết trung thành là một điều tự hào và vinh hạnh lớn.
Tên gọi Tạp chí Giáo dục TP.HCM đã đặt ra cho tôi một hướng tiếp cận liên ngành trong việc khai thác các đề tài văn hóa, xã hội… và đặc biệt là những bài học về cách ứng xử, cách viết báo. Có thể nói, Tạp chí Giáo dục TP.HCM đã trở thành một mảnh đất tốt lành nuôi dưỡng lòng đam mê, một môi trường, một cơ hội cho những nhà nghiên cứu, những người tâm huyết về giáo dục.
Một số bài viết của Nguyễn Hiếu Tín đăng trên Tạp chí Giáo dục TP.HCM
Tôi thích nhất ở Tạp chí Giáo dục TP.HCM là có nhiều chuyên mục hay, không chỉ thông tin về ngành mà có cả những bài chuyên sâu về văn hóa học đường, văn hóa giải trí, du lịch, giúp người đọc có cái nhìn đa chiều, tổng thể về tình hình văn hóa xã hội. Nội dung báo cũng không ngừng kết nối với cái hay, cái đẹp của quá khứ từ những bài viết về bản sắc văn hóa truyền thống của cha ông trong nhịp thở của đời sống đương đại. Tạp chí Giáo dục TP.HCM cũng tỏ ra bản lĩnh, trí tuệ trong việc cập nhật và phản biện, nêu bật những cái chưa tốt để hướng đến sự hoàn thiện, định hướng và điều chỉnh những hành vi chuẩn mực của xã hội, hướng đến giá trị chân thiện mỹ của dân tộc. Tôi vẫn nhớ mãi những bài viết của mình như: “Lạm phát kỷ lục thư pháp”, “Tá hỏa với sát thủ đầu mưng mủ”… được chọn đăng ở những năm trước. Cái hay của báo là sự sáng tạo và linh hoạt của người làm báo, bài viết đó được đưa vào mục “Bạn đọc viết” khiến tăng tính khách quan và rộng đường dư luận. Những bài viết này đối với cá nhân tôi là gia tài quý giá, là kỷ niệm đáng nhớ, sâu sắc, tôi luôn cất giữ cẩn thận và trân trọng. Ở chừng mực nào đó, Tạp chí Giáo dục TP.HCM là nơi gặp gỡ những tâm hồn đồng điệu và chung một khát vọng là cùng nhau xây dựng cho xã hội, cuộc sống được tốt đẹp hơn thông qua những trang viết hay, ý tưởng mới của mình.
Trong dòng chảy vô tận của báo chí, chữ nghĩa ngập tràn như hiện nay, Tạp chí Giáo dục TP.HCM lẳng lặng nhập cuộc vào đời sống xã hội đương thời với góc nhìn riêng của mình và không ngừng phát triển. Hành trình đó đã phản ánh được sự kiên trì, nhẫn nại, phát huy được vai trò của tổ chức, sự nỗ lực phấn đấu, tinh thần trách nhiệm và lòng nhiệt huyết của nhiều thế hệ trong Ban Biên tập. Kính chúc Tạp chí Giáo dục TP.HCM mãi là người bạn đường tin cậy, định hướng nhiều giá trị chuẩn mực cho bạn đọc, nhất là giới trẻ, là một kênh quan trọng cho những người có trách nhiệm hoạch định đường lối phát triển chiến lược giáo dục và được xác tín bằng niềm tin yêu của xã hội.
ThS. Nguyễn Hiếu Tín
Bình luận (0)