Ngày nay, với sự phát triển không ngừng của khoa học công nghệ, đặc biệt là lĩnh vực hình ảnh học, việc phát hiện và điều trị ung thư đã mang lại nhiều kết quả khả quan, giúp bệnh nhân ung thư có cơ hội vượt qua cửa tử.
TS.BS Võ Văn Kha – Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ, phát biểu về tầm quan trọng của hình ảnh trong tầm soát và điều trị các bệnh ung thư
Đó là thông điệp “biết sớm, trị lành” được đưa ra tại Hội thảo khoa học “Hình ảnh học trong ung bướu thường niên Cần Thơ lần thứ 1 – năm 2023”, do Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ phối hợp Hội Ung thư TP.Cần Thơ và Liên chi hội Chẩn đoán hình ảnh TP.
TS.BS Võ Văn Kha – Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ, thông tin: Đây là Hội thảo đầu tiên tại Việt Nam đề cập vai trò của chẩn đoán hình ảnh trong tầm soát và điều trị các bệnh ung thư. Hội thảo nhằm tạo điều kiện để các chuyên gia ung bướu, chẩn đoán hình ảnh trên toàn quốc có dịp chia sẻ kinh nghiệm, cập nhật kiến thức, kỹ năng và ứng dụng một số tiến bộ kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh trong thực hành lâm sàng. Từ đó góp phần thực hiện nhiệm vụ đào tạo chuyên sâu về chẩn đoán hình ảnh, nâng cao năng lực cho đội ngũ nhân viên y tế, nâng cao chất lượng phát hiện sớm và điều trị cho người dân, góp phần giảm gánh nặng ung thư cho cộng đồng.
Đoàn chủ tọa tại phiên toàn thể
Bác sĩ chuyên khoa II Cao Thiên Tượng (công tác tại Bệnh viện Chợ Rẫy và Hội Chẩn đoán hình ảnh TP.HCM) cho biết: Các phương tiện hình ảnh đánh giá giải phẫu bệnh đã có bước tiến từ X quang sang chụp mạch số hóa xóa nền (DSA), tới siêu âm, rồi chụp CT và hiện nay hiện đại nhất là kỹ thuật chụp MRI. Đây là quá trình chuyển hóa từ các phương tiện hình ảnh học chức năng sang chẩn đoán bằng đồng vị phóng xạ. Trên cơ sở đó, MRI có vai trò tầm soát, phát hiện sớm, chẩn đoán được những tổn thương trước khi điều trị trên lâm sàng. Các kỹ thuật điều trị sẽ được can thiệp ít xâm lấn nhất. Bệnh nhân cũng được theo dõi các tổn thương xuất hiện sớm sau điều trị nhờ vào sự hỗ trợ của chẩn đoán hình ảnh. Với MRI, các chất đồng vị phóng xạ di chuyển trong tế bào, giúp bác sĩ chẩn đoán chính xác được mức độ tổn thương cũng như phân loại ung thư lành hay ác tính. Từ đó, bác sĩ sẽ có được phác đồ điều trị trúng đích, giúp bảo tồn cao nhất các mô lành tính…
GS.BS Nguyễn Chấn Hùng – Chủ tịch danh dự Hội Ung thư Việt Nam, chia sẻ về lịch sử phát triển của chẩn đoán hình ảnh trong ung bướu
Chiếm tỷ lệ tử vong hàng đầu trong các bệnh ung thư, mỗi năm có hơn 1,3 triệu người trên thế giới chết vì ung thư phổi. Tại Việt Nam, ung thư phổi đứng hàng thứ 2 về tỷ lệ mắc mới với hơn 26.000 ca, số tử vong gần 24.000 ca/năm. PGS.TS Phạm Ngọc Hoa – Chủ tịch Liên chi hội Chẩn đoán hình ảnh TP.HCM, cho biết: Khoảng 70% bệnh nhân không thể chữa khỏi lúc phát bệnh, vì ở giai đoạn đầu, người bệnh thường không có dấu hiệu rõ ràng. Phần lớn người bệnh đi khám bệnh khi cơ thể đã xuất hiện những dấu hiệu nghiêm trọng và lúc này bệnh đã ở giai đoạn muộn. BS Phạm Ngọc Hoa lưu ý: Sẽ giảm được tỷ lệ tử vong qua việc tầm soát ung thư phổi để phát hiện sớm bệnh. Ngoài các phương pháp xét nghiệm, bác sĩ kết hợp chẩn đoán hình ảnh để đưa ra chẩn đoán chính xác, trong đó kỹ thuật tầm soát ung thư phổi thường được khuyến nghị là chụp cắt lớp vi tính lồng ngực liều thấp (LDCT): Máy X-quang sử dụng lượng bức xạ liều thấp chụp ảnh chi tiết phổi và quá trình chụp chỉ mất vài phút. Nếu trên hình ảnh LDCT phát hiện thấy bất thường, bác sĩ sẽ đưa ra các khuyến nghị theo hướng dẫn hiện hành. Nếu phát hiện thấy nốt nghi ngờ, các nghiên cứu hình ảnh bổ sung như chụp PET/CT được chỉ định và làm sinh thiết để xác nhận nốt đó có phải là ung thư hay không: “Nghiên cứu cho thấy: Tầm soát ung thư phổi bằng LDCT có thể ngăn ngừa 1 người tử vong do ung thư phổi trên 320 bệnh nhân được tầm soát” – BS Phạm Ngọc Hoa nhấn mạnh.
Điều trị bệnh nhân ung thư bằng kỹ thuật xạ trị áp sát tại BV Ung bướu Cần Thơ
Cùng với sự tiến bộ vượt bậc của hình ảnh học, hiện nay các bác sĩ đã có thể thực hiện các thủ pháp như sinh thiết lõi kim qua hướng dẫn siêu âm/CT; hút chân không trong điều trị ung thư khi đưa kim vào tạo áp lực chân không hút các mô tổn thương ra thay vì phải mổ hở như các phương pháp truyền thống; Đốt sóng cao tần (RFA – điều trị ít xâm lấn, trúng đích) trong điều trị ung thư tuyến giáp, ung thư gan… là những loại ung thư trước đây gần như tỷ lệ mổ hở 100%.
GS.BS Nguyễn Chấn Hùng – Chủ tịch danh dự Hội Ung thư Việt Nam, nhấn mạnh: Những tiến bộ của hình ảnh học có thể giúp các bác sĩ chuyên khoa ung bướu phát hiện sớm, đánh giá mức độ u chính xác; đánh giá thay đổi sau điều trị; phát hiện các tác dụng phụ trong điều trị; theo dõi và phát hiện sớm u tái phát.
Tuy nhiên, việc đánh giá chính xác chỉ có thể được đảm bảo với các tiêu chuẩn kỹ thuật, quy trình nghiêm ngặt, trao đổi dữ liệu mạng (protocol) chuẩn và khả năng đọc kết quả đúng từ bác sĩ. Do đó, các bác sĩ phải không ngừng trau dồi chuyên môn, khả năng làm chủ công nghệ, cũng như ý thức giữ gìn y đức. Có như vậy, khi thực hành trên lâm sàng, các bác sĩ mới có thể phối hợp nhiều loại chẩn đoán hình ảnh, phù hợp với từng ca bệnh.
Cũng tại Hội thảo, các bác sĩ, nhân viên y tế đến từ các cơ sở điều trị ung bướu đã tham gia các phiên tập huấn chuyên đề: Hình ảnh ung thư vùng cổ – ngực; Hình ảnh ung thư vùng bụng; Hình ảnh ung thư cơ quan sinh dục…
Đan Phượng
Bình luận (0)