Mạng lưới đường hầm phân bố theo mô hình xuyên tâm từ trung tâm thành phố đá Houchengzui nổi tiếng, phục vụ giao thông và cả quân sự.
Theo Heritage Daily, các cuộc khai quật trước đây đã xác định niên đại của cả Houchengzui là khoảng 4.300 đến 4.500 năm tuổi, đồng nghĩa mạng lưới đường hầm bên dưới cũng được xây dựng ít nhất 4.300 năm trước.
Lối vào mạng lưới đường hầm lộ ra ở khu vực khai quật thuộc di tích thành phố đá Houchengzui. Ảnh: CASS
Thành phố đá Houchengzui là một di tích nổi tiếng nằm trên bờ phía Bắc sông Hun thuộc huyện Thanh Thủy Hà, TP Hohhot, Khu tự trị Nội Mông – Trung Quốc.
Thành phố đá cổ đại này được xây dựng trong thời kỳ Long Sơn, đánh dấu sự xuất hiện của các xã hội thời đại đồ đá mới như Đồ gốm đen hay văn hóa Long Sơn.
Houchengzui trải rộng trên diện tích khoảng 138 ha, bao gồm cả nội và ngoại thành, được củng cố bởi hệ thống phòng thủ ba lớp bao gồm hào và tường.
Theo Viện Khảo cổ học thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc (CASS), các cuộc khai quật cho thấy mạng lưới đường hầm vừa được phát hiện phân bố theo mô hình xuyên tâm từ trung tâm thành phố cổ.
Mạng lưới đường hầm này gồm 6 lối đi chính, có độ sâu từ 1,5 đến 6 m, trần hình vòm tương tự các ngôi nhà trong hang động thuộc nền văn hóa Long Sơn.
Các đường hầm này phục vụ cho cả mục đích giao thông, phòng thủ và tấn công.
Ngoài ra, theo ông Sun Jinsong, Giám đốc Học viện Khảo cổ và di tích văn hóa Nội Mông, các hào xung quanh cũng như các vành đai phòng thủ bên ngoài Houchengzui là trọng tâm của các nghiên cứu gần đây.
Các cuộc khai quật trong đó mạng lưới đường hầm đã lộ diện cũng tiết lộ thêm ba cổng thành của Houchengzui cũng như các công trình phòng thủ khác, bao gồm các đoạn tường thành và pháo đài.
Theo Anh Thư/NLĐO
Bình luận (0)