Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 4-11-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa – hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, ngành giáo dục TP.Đà Nẵng đã gặt hái được nhiều thành quả đáng ghi nhận…
Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29, giáo dục Đà Nẵng đã có nhiều bước phát triển
Giáo dục TP có nhiều đổi mới
10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 29, Đà Nẵng đã ban hành nhiều chương trình, chính sách, cơ chế nhân văn trên lĩnh vực GD-ĐT. Trong đó, nổi bật là chương trình không có học sinh bỏ học (trong chương trình TP “5 không”), đề án Sữa học đường, thí điểm giữ trẻ từ 6-18 tháng tuổi tại các trường mầm non công lập; chính sách hỗ trợ học phí đối với trẻ mầm non và học sinh phổ thông. Đặc biệt, từ năm học 2023-2024, hỗ trợ cả trường công lập và ngoài công lập với số tiền trên 400 tỷ/năm… Hằng năm, tổng chi sự nghiệp GD-ĐT và dạy nghề chiếm trên 7-8% tổng chi ngân sách TP; trong đó, chi cho giáo dục chiếm khoảng 30% chi thường xuyên.
TP đã chỉ đạo các đơn vị, trường học tập trung đổi mới thực hiện chương trình; đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học; đổi mới hình thức và phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả; công tác kiểm định chất lượng giáo dục được triển khai trên diện rộng, trong đó chú trọng công tác tự đánh giá và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đánh giá ngoài.
Hệ thống giáo dục quốc dân dần được hoàn thiện theo hướng hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT cơ bản duy trì ổn định; 100% xã, phường, quận, huyện duy trì và giữ vững kết quả phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; huy động 100% trẻ trong độ tuổi từ 6 đến 14 tuổi ra lớp; Kết quả thi học sinh giỏi cấp quốc gia đạt 713 giải; 14 giải cấp quốc tế và khu vực… Chất lượng giáo dục ĐH được nâng lên, cơ bản đảm bảo yêu cầu cung cấp nhân lực cho sự phát triển kinh tế xã hội TP nói riêng, của khu vực và cả nước nói chung.
Tìm giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục
Ông Tô Hùng, Bí thư Huyện ủy Hòa Vang nhìn nhận, chất lượng giáo dục vẫn đang là vấn đề cần quan tâm trong giai đoạn hiện nay. Dẫn chứng thực tế tại huyện Hòa Vang, tỷ lệ học sinh đỗ vào lớp 10 công lập còn thấp, đạt 78%. “Mỗi năm huyện phải thực hiện phân luồng cho hơn 700 học sinh THCS nhưng học nghề cũng không hề dễ dàng. Đối tượng học sinh này nếu không được đi học là điều đáng lo ngại, nhất là tình trạng vi phạm pháp luật trên địa bàn huyện ở độ tuổi thanh thiếu niên có chiều hướng gia tăng. Cần có giải pháp nâng cao công tác đào tạo nghề, thu hút học sinh; trong đó các Sở LĐ-TB&XH, Sở GD-ĐT, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần quan tâm hơn nữa đến công tác đào tạo nghề cho vùng ven Hòa Vang.
Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Lê Trung Chinh nhìn nhận, Nghị quyết 29 là cơ sở quan trọng để cả hệ thống chính trị, đặc biệt ngành GD-ĐT triển khai có hiệu quả, nâng cao chất lượng. 10 năm qua, ngành giáo dục đã xây dựng được đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng nhu cầu đổi mới; đầu tư cơ sở vật chất trường học tương đối đồng bộ, đẩy mạnh xã hội hóa công tác giáo dục; nâng cao chất lượng, rút ngắn khoảng cách giữa vùng ven và nội thành…
Chặng đường 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 là cơ hội để đánh giá một cách khách quan, đề ra những giải pháp phù hợp cũng như ưu tiên nguồn lực tài chính, nâng cao trách nhiệm chính trị của cấp ủy, chính quyền từ TP đến cơ sở đối với GD-ĐT. Về phía UBND TP, tiếp tục triển khai đầy đủ, nghiêm túc chỉ đạo của Trung ương, Thành ủy liên quan đến nội dung đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Đồng thời, chỉ đạo Sở GD-ĐT, Sở LĐ-TB&XH tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng đào tạo và phối hợp ĐH Đà Nẵng, các trường ĐH ngoài công lập quan tâm đến đào tạo nguồn nhân lực và phẩm chất, năng lực của học sinh, sinh viên đáp ứng nhu cầu của xã hội; nhất là nguồn nhân lực phù hợp 5 ngành kinh tế mũi nhọn của TP.
Tỷ lệ huy động trẻ ra lớp tại Đà Nẵng các năm qua luôn đạt 100%
TP tiếp tục đầu tư cơ sở, vật chất kỹ thuật cho giáo dục; trong đó triển khai đề án xây dựng, nâng cấp, mở rộng trường học trên địa bàn TP với mức đầu tư hơn 8.000 tỷ đồng; xây dựng chính sách về xã hội hóa, ưu tiên quỹ đất cho giáo dục, miễn giảm học phí, bảo đảm kinh phí cho các cơ sở giáo dục; tập trung đào tạo giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên…
Kết luận tại hội nghị tổng kết, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Lương Nguyễn Minh Triết đánh giá cao nỗ lực của toàn hệ thống chính trị trong 10 năm triển khai Nghị quyết 29 – NQ/TW. Ông Lương Nguyễn Minh Triết đề nghị Đảng Đoàn HĐND TP phối hợp với Ban Cán sự Đảng UBND TP chỉ đạo rà soát, đánh giá tổng thể việc cụ thể hóa, tính hiệu quả các cơ chế, chính sách đã được ban hành liên quan đến công tác GD-ĐT, qua đó, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế cho phù hợp với thực tiễn để tạo động lực cho đổi mới GD-ĐT theo hướng thật chất, toàn diện.
Ông Triết cũng đề nghị Đảng ủy ĐH Đà Nẵng chỉ đạo ĐH Đà Nẵng chủ động, tăng cường phối hợp với các bộ ngành Trung ương và cơ quan chức năng của TP đẩy nhanh tiến độ thực hiện đề án xây dựng và phát triển ĐH Đà Nẵng trở thành ĐH Quốc gia Đà Nẵng và dự án phát triển ĐH Đà Nẵng tại Hòa Quý, Điện Ngọc; tập trung đầu tư các ngành nghề phục vụ cho thị trường lao động như: CNTT, công nghệ cao, logistics; đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục ĐH…
Vĩnh Yên
Bình luận (0)