Chuyên gia giáo dục Nguyễn Thúy Uyên Phương vừa thử dùng ChatGPT để thiết kế chương trình học cho học sinh. Bà bất ngờ khi ChatGPT chỉ mất 6 phút để soạn một giáo án dài 6 trang mà giáo viên có thể sử dụng ngay, với chất lượng khá. Để ra một kết quả tương tự, đội ngũ soạn giáo án của bà sẽ tốn ít nhất 1-2 buổi suy nghĩ và vài chục giờ làm việc.
PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, các giảng viên của trường đang bàn luận sôi nổi về ChatGPT. PGS. Điền nhìn nhận ứng dụng ChatGPT hiện mới chỉ dừng ở mức độ “chưa khôn”, nên chưa ảnh hưởng tới các cơ sở đào tạo chuyên sâu về công nghệ cũng như các ngành liên quan đến tính toán số liệu.
“Trước mắt, nhóm ngành bị ảnh hưởng bởi ứng dụng này lớn nhất là Khoa học xã hội và nhân văn, Kinh tế quản lý và luật”, PGS. Nguyễn Phong Điền khẳng định.
Giới trẻ luôn hứng thú với ứng dụng công nghệ mới. Ảnh: Xuân Tùng
PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm khoa Các khoa học, Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội, cho biết sự phát triển của ChatGPT khiến nhiều người lo lắng rằng đây là một con dao hai lưỡi. Người học sẽ sử dụng nó như một công cụ để gian lận.
“Tôi nghĩ những lo lắng về sự gian lận như vậy cũng chỉ là chuyện nhỏ. Chúng ta sợ sinh viên gian lận bằng cách nhờ ChatGPT viết bài luận, nhưng thực tế, sinh viên có thể thuê người viết. Điều nguy hiểm hơn, ChatGPT khiến học sinh, sinh viên sẽ không còn động lực học tập tích cực. ChatGPT có thể dịch được ra bất cứ ngôn ngữ nào khiến cho người học không còn động lực học ngoại ngữ”, PGS. Trần Thành Nam cảnh báo.
Ở hướng tích cực, PGS Nam cho rằng sử dụng đúng cách, ChatGPT có thể là một người bạn trong lớp học và là một công cụ tuyệt vời cho học sinh. Với trẻ nhỏ, gia đình có thể sử dụng ChatGPT như một gia sư số. Với học sinh, có thể sử dụng GPT để tạo ra các bản nháp đầu tiên. Dựa trên dàn ý đầu tiên này, bộ óc tư duy sáng tạo và phản biện của từng cá nhân sẽ viết tiếp để tạo nên những bài luận chất lượng nhất.
Theo TS. Tôn Quang Cường, Chủ nhiệm khoa Công nghệ Giáo dục, Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội, hiện nhiều trường học ở Mỹ, Úc… đã cấm học sinh sử dụng ChatGPT và một số chatbot AI khác có khả năng tạo lập văn bản như bài luận, bài kiểm tra…
Tuy vậy, TS. Tôn Quang Cường cho rằng, ChatGPT đã góp phần thay đổi và định hình lại quan niệm về dạy học, hướng mạnh đến thẩm quyền người học, một thứ “sư phạm tự quyết, tự định hướng và tự điều chỉnh” xuất phát từ chính người học.
Bình luận (0)