Cụm công trình “Nghiên cứu đổi mới, phát triển công nghệ, thiết bị chế biến lương thực – thực phẩm và nông sản Việt Nam” của NGND.PGS.TS Trần Doãn Sơn (Giảng viên khoa cơ khí, Trường ĐH Bách khoa – ĐH Quốc gia TP.HCM) vừa được Hội đồng cấp Nhà nước đề nghị tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh trong lĩnh vực khoa học công nghệ đợt 6 năm nay.
NGND.PGS.TS Trần Doãn Sơn giới thiệu những công trình chế biến nông sản xuất khẩu ra thế giới tại triển làm các công trình của ĐH Quốc gia TP.HCM
Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ được Đảng và Nhà nước xét tặng cho các công trình, cụm công trình xuất sắc, có giá trị cao về khoa học công nghệ. Đây được xem là giải thưởng danh giá hiện nay tại Việt Nam, bắt đầu từ năm 1996, công bố 5 năm một lần và đến nay đã trải qua 5 đợt xét tặng.
Hơn 20 năm chế tạo, nghiên cứu
Cụm nói trên của NGND.PGS.TS Trần Doãn Sơn gồm 8 công trình, bao trùm lĩnh vực chế biến tinh các sản phẩm chủ lực về nông nghiệp và lương thực Việt Nam. Thông qua thực hiện 5 đề tài cấp Nhà nước, 9 bằng sáng chế, cụm công trình thực hiện hơn 20 năm đã mang lại những hiệu quả lớn đến kinh tế và xã hội của đất nước.
Cụ thể, công trình bánh tráng gạo (bánh tráng truyền thống) được thực hiện từ năm 1998 đến nay. Với việc chuyển đổi từ công nghệ thủ công sang sản xuất bằng dây chuyền tự động với chất lượng và năng suất cao, công trình đã được chuyển giao cho nhiều công ty, xí nghiệp và cơ sở sản xuất. Tiếp đó là công trình bánh tráng bía (bánh tráng xốp) được dùng để sản xuất chả giò bía. Trước đây, công nghệ này vẫn phải thực hiện thủ công. Nhóm tác giả đã nghiên cứu, sáng tạo và chuyển đổi từ thủ công sang dây chuyền tự động (cấp bột, tráng bánh, xếp bánh và bao gói), đưa lại năng suất cao hơn 10 lao động trong một đơn vị thời gian. Sản phẩm sản xuất ra đạt chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm, được khách hàng trong và ngoài nước đặt hàng tiêu thụ.
Thứ 3 là công trình bánh tráng rế, được cấp tới 2 bằng sáng chế. Trước khi thực hiện công trình này, công nghệ sản xuất bánh tráng chủ yếu tập trung ở miền Nam, công nghệ thủ công rất vất vả cho người lao động, năng suất thấp. Sau khi chuyển đổi công nghệ thành công, dây chuyền sản xuất tự động ra đời, năng suất cao đủ sản lượng để xúc tiến thương mại khắp cả nước và xuất khẩu ra nước ngoài. Nhóm tác giả đã sử dụng thiết bị robot để thay thế các thao tác trong điều kiện lao động nhiệt độ cao và cường độ tập trung lớn. Thứ 4, công trình thiết bị sản xuất phở tươi, bánh cuốn, mì quảng dạng mini nhằm thương mại hóa toàn cầu, mục đích chính là giới thiệu các món ẩm thực của Việt Nam đến bạn bè thế giới. Hiện thiết bị này đã xuất khẩu khắp thế giới và đã xây dựng được thương hiệu.
Thứ 5, công trình sản xuất thiết bị sản xuất bún mini, tác giả muốn giới thiệu ẩm thực bún, bánh canh, bánh hỏi… cho thế giới thông qua sản xuất tại chỗ ở các nhà hàng, khách sạn. Theo đó, tác giả đã cho ra đời hàng loạt thiết bị với những kỹ thuật điều khiển khác nhau. Đây là đề tài mới thực hiện trong năm 2018-2021 nên kết quả thương mại chưa lớn nhưng trước mắt đã xuất khẩu cho một số nước như Hàn Quốc, Nhật Bản. Công trình này đã được cấp Bằng Giải pháp hữu ích số 2065.
Một trong các sáng chế của NGND.PGS.TS Trần Doãn Sơn
Công trình thứ 6 là thiết bị sản xuất bún, bánh hỏi, bánh canh, phở, bánh cuốn, mì quảng đồng thời trên một thiết bị. Đây là một mô hình sáng tạo và rất mới, chưa xuất hiện trong và ngoài nước. Thiết bị kết hợp nhiều công nghệ khác nhau, có kích thước nhỏ gọn để trang bị cho các nhà hàng, sản xuất đồng thời nhiều món ẩm thực khác nhau. Công trình thứ 7 là công nghệ và thiết bị chế biến hạt điều, được tác giả thực hiện trong thời gian dài, hơn 20 năm. Trong lĩnh vực chế biến điều, tác giả đã chuyển giao khoảng 200 dây chuyền đồng bộ trong và ngoài nước. Đặc biệt trong vài năm lại đây, nhóm tác giả đã xây dựng nhiều nhà máy chế biến điều hiện đại cho các nước châu Phi và Ấn Độ. Các dây chuyền này hầu như tự động hoàn toàn và đã ứng dụng công nghệ 4.0. Công trình được cấp hai bằng sáng chế.
Công trình thứ 8 là về cà phê, tác giả cùng một số công ty cà phê như Trung Nguyên giải mã và nâng cấp, thay đổi những thiết bị nổi tiếng của thế giới cho phù hợp điều kiện Việt Nam. Công trình đã chuyển giao cho cho hàng trăm cơ sở chế biến cà phê nhân trong và ngoài nước. Những công ty chế biến cà phê tiêu biểu như Trung Nguyên, Phúc Long… đều sử dụng những thiết bị từ kết quả của dự án.
Nâng cao vị thế nông nghiệp nước nhà
NGND.PGS.TS sinh năm 1954, từng tốt nghiệp Trường ĐH Bách khoa Hà Nội ngành công nghệ chế tạo máy, thực hiện nghiên cứu sinh tại Tiệp Khắc về lĩnh vực này vào năm 1982. Đến nay, ông đã có thâm niên giảng dạy gần 45 năm tại Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM). Ngoài 9 sáng chế đã được cấp, ông Sơn còn 6 sáng chế khác đã nộp đang chờ thẩm định.
NGND.PGS.TS Trần Doãn Sơn
Nói về lý do tập trung các sáng chế vào phát triển lĩnh vực nông nghiệp, NGND.PGS.TS Trần Doãn Sơn cho biết, Việt Nam là nước nông nghiệp, sản phẩm chủ yếu là lúa gạo, cà phê, hạt điều… Với nông nghiệp, trước đây, nước ta chủ yếu xuất khẩu nguyên liệu thô, giá trị thấp. Việc nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp thông qua con đường chế biến với công nghệ hiện đại là nhiệm vụ rất quan trọng của các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, trong đó có bản thân ông.
Nhưng để các nghiên cứu, sáng chế dễ được chuyển giao vào thực tế, theo ông Sơn, việc kết nối giữa trường ĐH với các doanh nghiệp phải chuẩn bị ngay từ thời trứng nước. Tức là từ lúc nghiên cứu, thực hiện một đề tài, nếu cả nhóm phân tích được tiềm năng thì phải chuẩn bị kế hoạch khởi nghiệp và phân công nhân sự cụ thể. Sau khi kết thúc dự án tiến tới mở công ty khởi nghiệp để triển khai.
Mê Tâm
Bình luận (0)