Việc góp ý sách giáo khoa Chương trình GDPT 2018 ở các khối lớp 4, 8, 11 đang được TP.HCM thực hiện nghiêm túc, trách nhiệm, thực chất, đảm bảo quyền lợi của giáo viên.
Góp ý sách giáo khoa là quyền lợi của giáo viên
Quyền lợi của giáo viên
TP.HCM đang tổ chức cho giáo viên góp ý sách giáo khoa chương trình mới ở các khối lớp 4, 8, 11. Sở GD-ĐT TP.HCM yêu cầu các địa phương, nhà trường cử giáo viên có kinh nghiệm để nghiên cứu, góp ý các bản mẫu sách giáo khoa (dạng PDF) trên website của các tổ chức, nhà xuất bản.
Thầy Trần Văn Luyện – Hiệu trưởng Trường THCS Hồng Bàng (Q.5) cho biết, nhà trường có cử 4 giáo viên tham gia góp ý sách giáo khoa chương trình mới ở các bộ môn tiếng Anh, hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp, khoa học tự nhiên và ngữ văn. Đây đều là các thầy cô có kinh nghiệm, năng lực chuyên môn cao để làm hết trách nhiệm.
Hiệu trưởng này đánh giá: Các góp ý của giáo viên trong giai đoạn đầu trước khi sách được phát hành có vai trò đặc biệt quan trọng, quyết định đến việc lựa chọn sách giáo khoa sau này đưa vào giảng dạy trong nhà trường. Lúc này, thầy cô được toàn quyền để nghiên cứu góp ý về nội dung, hình thức của sách, so với trình độ nhận thức của học sinh thì có phù hợp hay không, có đúng với định hướng phát triển phẩm chất năng lực của học sinh hay không, khả năng giáo viên khi giảng dạy có phù hợp.
Tương tự, Trường TH Trần Hưng Đạo (Q.1) cũng có một giáo viên đại diện để nêu ý kiến về sách giáo khoa mới lớp 4 năm học tới. Nhận thức được đây là quyền lợi của không chỉ giáo viên được tham gia góp ý mà còn là giáo viên toàn trường, nhà trường đã sâu sát để giáo viên cùng tham khảo bản mẫu sách giáo khoa (dạng PDF).
“Giáo viên cùng nhau nghiên cứu để đưa ra ý kiến về nội dung, hình thức của sách, đã thực sự phù hợp với mục tiêu dạy học phát triển phẩm chất năng lực học sinh chưa, các chủ đề sắp xếp đã thực sự khoa học chưa, ngữ liệu sử dụng trong sách đã phù hợp chưa…” – cô Lê Thanh Hương – Hiệu trưởng Trường TH Trần Hưng Đạo chia sẻ.
Hiệu trưởng một trường tiểu học TP.Thủ Đức cũng chia sẻ, nhà trường luôn quán triệt việc nghiên cứu, góp ý, đề xuất sách giáo khoa là trách nhiệm, quyền lợi của giáo viên, tác động đến công tác giảng dạy của thầy cô sau này. Để khuyến khích thầy cô làm hết trách nhiệm, nhà trường đều có các chế độ động viên thầy cô, thậm chí san sẻ bớt công việc để thầy cô có thời gian, điều kiện nghiên cứu sách một cách trọn vẹn nhất.
Để tránh sự “lệch pha” khi giảng dạy
Cô Trương Hồ Trâm Anh – Phó Hiệu trưởng Trường TH Lạc Long Quân (Q.11) đánh giá, việc góp ý sách giáo khoa hiện nay dù đã được giáo viên, các địa phương thực hiện nghiêm túc, trách nhiệm song trên thực tế khi đi vào giảng dạy giáo viên mới có thể nhận thấy sách đã ổn hay chưa ổn, ngữ liệu phù hợp hay chưa phù hợp.
“Khi nghiên cứu góp ý, giáo viên chưa thể có cái nhìn đa diện về sách được bởi lúc đó mới chỉ là những đánh giá, nhận xét, định lượng bằng mắt và bằng cảm quan chứ chưa phải đi thực nghiệm cụ thể trên đối tượng học sinh. Vì vậy, ngoài việc góp ý sách, nhà trường đẩy mạnh vai trò trong lựa chọn sách giáo khoa chương trình mới, thầy cô cùng nghiên cứu, thảo luận lựa chọn bộ sách phù hợp nhất ở mỗi môn học, đảm bảo tính kế thừa mạch kiến thức, phù hợp với nhận thức tiếp thu của học sinh và thuận lợi cho thầy cô khi đứng lớp. Trong quá trình giảng dạy, trường cũng tăng cường sinh hoạt tổ chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học để hạn chế sự “lệch pha” từ sách đến việc giảng dạy thực tế” – cô Trương Hồ Trâm Anh chia sẻ.
Thầy Trần Văn Luyện – Hiệu trưởng Trường THCS Hồng Bàng cũng cho rằng, thực tế giảng dạy Chương trình GDPT 2018 ở bậc THCS trong suốt 2 năm qua, rõ ràng nhận thấy đâu đó vẫn còn giáo viên than thở rằng sách chưa phù hợp dù đã được góp ý, được trao quyền lựa chọn. Điều này theo ông không phải quá trình nghiên cứu, góp ý, đề xuất chỉnh sửa, lựa chọn sách giáo viên chưa làm hết trách nhiệm mà là thực tế giảng dạy và sự nghiên cứu có sự “lệch pha” do nhiều nguyên nhân, từ việc thầy cô chịu quá nhiều áp lực, công việc giảng dạy trên lớp, học tập nâng cao…
“Để hạn chế thấp nhất sự “lệch pha” này, nhà trường đưa việc nghiên cứu, tìm hiểu các bộ sách giáo khoa đã được phê duyệt vào sinh hoạt chuyên môn, yêu cầu giáo viên thực hiện nghiêm túc, trách nhiệm. Tôi cho rằng, về phía Sở GD-ĐT TP.HCM khi thực hiện góp ý sách giáo khoa ở các bộ sách, ở từng bộ môn sở nên giao về cho từng quận, huyện chịu trách nhiệm nghiên cứu sâu theo từng chương (từng nội dung) để có sự góp ý, đề xuất chuyên sâu, trách nhiệm nhất” – thầy Luyện đề xuất.
Việc góp ý sách giáo khoa chương trình mới sẽ tác động trực tiếp đến quá trình giảng dạy của giáo viên sau này vì vậy nên tránh việc góp ý cho có, sơ sài
Về việc góp ý sách giáo khoa chương trình mới, Sở GD-ĐT TP.HCM gợi ý, các nội dung góp ý sẽ thực hiện đối chiếu nội dung mỗi bài học trong bản mẫu sách giáo khoa với yêu cầu cần đạt trong Chương trình GDPT 2018 để góp ý chỉnh sửa, bảo đảm nội dung không vượt quá yêu cầu của chương trình môn học, hoạt động giáo dục.
Cạnh đó, giáo viên cần xem xét tính chính xác, khoa học và sự phù hợp của các ngữ liệu, hình ảnh trong bản mẫu sách giáo khoa với đối tượng học sinh, đề xuất cách chỉnh sửa cụ thể đối với từng ngữ liệu/hình ảnh chưa phù hợp. Xem xét các câu hỏi, câu lệnh, nhiệm vụ học tập trong các bài học bảo đảm được mục tiêu, yêu cầu cần đạt, kết quả hoạt động (đọc/xem/viết/nghe/nói/làm) của học sinh; bảo đảm cho giáo viên và học sinh khai thác hiệu quả nội dung, hình ảnh, ngữ liệu trong sách giáo khoa để tổ chức hoạt động giảng dạy.
“Để giáo viên sớm tiếp cận với các bản mẫu sách giáo khoa, phòng giáo dục cần hướng dẫn tất cả giáo viên được phân công dạy các khối lớp theo chương trình mới năm học 2022-2023 cách thức nghiên cứu, góp ý các bản mẫu sách giáo khoa dạng PDF. Đặc biệt, các nhà trường cần đưa việc tìm hiểu nội dung các bản mẫu sách giáo khoa chương trình mới vào sinh hoạt tổ chuyên môn để chuẩn bị đề xuất lựa chọn sách giáo khoa” – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Bảo Quốc yêu cầu.
Đồng thời ông Bảo cũng lưu ý các phòng giáo dục cần có trách nhiệm thông báo cho cán bộ quản lý, giáo viên tìm hiểu, góp ý các bản mẫu sách giáo khoa bản PDF đã được các đơn vị biên soạn sách giáo khoa hoàn thiện sau góp ý, đưa lên website trước khi in và phát hành. Quá trình góp ý cần thực hiện nghiêm túc, trách nhiệm, tránh làm cho có.
Đỗ Yến Hoa
Bình luận (0)