Theo Reuters, thông tin chi tiết về thời gian và quy mô của đợt giao hàng này chưa được tiết lộ. Tuy nhiên, người phát ngôn cho biết Berlin đang nỗ lực thúc đẩy để những người mang quốc tịch khác – không chỉ công dân Đức – được phép tiếp cận lô vắc xin nếu muốn. Con số này có thể lên đến khoảng 20.000 người.
Chuyến hàng được thực hiện sau khi Trung Quốc đồng ý cho phép công dân Đức ở nước này được tiêm vắc xin BioNTech bằng một thỏa thuận trong chuyến thăm Bắc Kinh của Thủ tướng Đức Olaf Scholz hồi tháng trước. Nhà lãnh đạo Đức đã thúc giục Bắc Kinh cho phép cung cấp miễn phí vắc xin cho cả công dân Trung Quốc.
Theo nguồn thạo tin, số vắc xin BioNTech này sẽ được chuyển đến các công ty cũng như cơ quan ngoại giao Đức ở Trung Quốc. Việc đàm phán với chính phủ các nước Liên minh châu Âu (EU) khác về việc cung cấp số vắc xin này cho công dân EU cũng đang được tiến hành.
Nguồn tin của Reuters cho biết Bắc Kinh sẽ cần phê duyệt việc mở rộng quyền tiếp cận lô vắc xin nói trên đối với những đối tượng khác ngoài công dân Đức. Đổi lại, công dân Trung Quốc ở châu Âu có thể được tiêm vắc xin SinoVac của Trung Quốc.
Đến thời điểm hiện tại, Trung Quốc vẫn chỉ “trung thành” với loại vắc xin nội địa, được sản xuất dựa trên các công nghệ truyền thống thay vì công nghệ mRNA của phương Tây.
Trung Quốc hiện có 9 loại vắc xin nội được cấp phép sử dụng, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Nhưng chưa có loại nào trong số đó được cập nhật để nhắm vào biến thể Omicron có khả năng lây lan cao.
Cơ quan y tế Trung Quốc đã cam kết vào cuối tháng trước rằng sẽ nỗ lực đẩy mạnh tiêm chủng cho những người trên 60 tuổi. Trong bối cảnh chính sách “zero COVID” gần như đã được dỡ bỏ, việc tiêm vắc xin cho nhóm dễ bị tổn thương thậm chí còn trở nên quan trọng hơn nhiều.
Bà Xu Yafa (64 tuổi, sống tại Zhongmin – một ngôi làng nhỏ ở ngoại ô Thượng Hải) là một trong số ít cư dân cao tuổi bất chấp giá lạnh để tham gia chiến dịch bao phủ vắc xin của chính phủ. Khi được hỏi vì sao quyết định tiêm mũi vắc xin thứ tư, bà Xu nói: “Vì tôi sợ!”.
Wang Yaqian, một bác sĩ tham gia chương trình tiêm chủng ở làng Zhongmin nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đưa vắc xin đến vùng sâu vùng xa. “Chúng tôi bắt đầu tiêm chủng vào năm ngoái. Mũi đầu tiên, mũi thứ hai, mũi thứ ba đều được tiêm trong làng vì có rất nhiều người già và họ đi lại khá khó khăn, hơn nữa trung tâm dịch vụ của chúng tôi ở khá xa", Wang nói.
Người cao tuổi đi tiêm vắc xin ở làng Zhongmin. Ảnh: Reuters
Ảnh: Reuters
Zhao Hui, một quan chức địa phương, cho biết họ đã trực tiếp thuyết phục người dân về tầm quan trọng của việc tiêm phòng. “Có một số người quả thực có chút e ngại nên chúng tôi đã mời bác sĩ gia đình đến tận nhà vận động, căn cứ bệnh tật hoặc loại thuốc mà họ đang uống để khuyến cáo có tiêm được hay không", Zhao nói.
Zhao cho biết làng Zhongmin mới chỉ ghi nhận một số ít trường hợp dương tính, nhưng có lo ngại rằng những người về quê ăn Tết vào tháng 1 có thể khiến cộng đồng người cao tuổi đối mặt với nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn. "Vì vậy, mọi người đều hy vọng rằng họ có thể tiêm vắc xin liều tăng cường và bảo vệ sức khỏe của chính họ".
Theo Minh Hạnh/TPO
Bình luận (0)