Năm 2021, dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng nguồn tài chính đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam lại tăng cao. Hơn 1,3 tỷ USD đã được ghi nhận đầu tư cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam, cao nhất từ trước đến nay.
PGS.TS Huỳnh Thành Đạt (Bộ trưởng Bộ Khoa học – Công nghệ) phát biểu tại chương trình
Hơn 1,3 tỷ USD đầu tư cho khởi nghiệp trong nước
Tại chương trình, PGS.TS Huỳnh Thành Đạt (Bộ trưởng Bộ Khoa học – Công nghệ) cho rằng việc thay đổi để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19 đã trở thành điều kiện tất yếu của cuộc sống trong trạng thái bình thường mới. Trong bối cảnh đó, một mặt khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo cung cấp những giải pháp mới, công cụ hiệu quả cho việc phòng chống đại dịch; mặt khác cũng được ứng dụng mạnh mẽ vào cuộc sống để kiến tạo và phát triển môi trường bình thường mới. Trong nguy có cơ, chính bối cảnh đại dịch cũng là cơ hội để đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở từng ngành, từng lĩnh vực. Ở bối cảnh bình thường mới này, các sáng kiến, giải pháp, dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo càng phải thể hiện được vai trò tiên phong trong giải quyết những vấn đề kinh tế – xã hội trên nền tảng phát huy tính tự chủ, sáng tạo, đổi mới của dân tộc Việt Nam mà đại diện là thế hệ trẻ. Ông Đạt thông tin, năm 2021, dù dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng nguồn tài chính đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam lại tăng cao. Hơn 1,3 tỷ USD đã được ghi nhận đầu tư cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam, cao nhất từ trước đến nay. Trong hệ sinh thái, sự tham gia của các chủ thể ngày càng tích cực và đã có sự tăng trưởng tốt về số lượng. Cụ thể, hiện có hơn 1.000 tổ chức có năng lực hỗ trợ khởi nghiệp. Trong đó có 202 khu làm việc chung; 217 quỹ đầu tư, nhà đầu tư; 79 cơ sở ươm tạo… Đồng thời, cả nước cũng có trên 140 trường ĐH, CĐ tổ chức hoạt động khởi nghiệp sáng tạo. Các doanh nghiệp, tập đoàn lớn cũng tham gia hỗ trợ khởi nghiệp với vai trò là nhà đầu tư tài chính cho doanh nghiệp khởi nghiệp, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm, tư vấn chuyên môn.
Cũng theo ông Đạt, chúng ta đã thiết lập được mạng lưới hỗ trợ, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam và mạng lưới các hội tri thức kiều bào hỗ trợ đổi mới sáng tạo, thương mại hóa công nghệ. Đây là những tiền đề quan trọng để mở rộng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia, nhằm kết nối ngày càng hữu cơ hơn, hiệu quả hơn với các hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo khác trong khu vực và thế giới. “Nhiều thành tựu đã đạt được, nhiều khó khăn đã vượt qua, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo đã đi được chặng đường 5 năm từ khi đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia được phê duyệt ban hành. Đây là thời điểm để tăng tốc đẩy mạnh liên kết các nguồn lực trong và ngoài nước nhằm tạo ra động lực cho sự phát triển hệ sinh thái; không chỉ là môi trường mà phải trở thành bệ đỡ cho sự phát triển của các thành phần, là nơi kết nối nguồn cung và nguồn cầu về đổi mới sáng tạo”, ông Đạt nhấn mạnh.
Hoạt động đổi mới sáng tạo phải sát thực tiễn
Để làm được những điều nói trên, PGS.TS Huỳnh Thành Đạt mong muốn trong thời gian tới, hệ sinh thái cần có sự thay đổi tư duy trong xây dựng và phát triển từ đóng sang mở. Mở rộng liên kết hợp tác khai thác nguồn lực lẫn nhau giữa các thành phần trong hệ sinh thái. Các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo cần tích cực chủ động trở thành đối tác chủ thể trong hệ sinh thái thay vì chỉ là đối tượng nhận hỗ trợ. Tiếp đó, tăng cường và phát triển hoạt động liên kết trong mạng lưới kết nối khởi nghiệp quốc gia; kết nối các nguồn lực trong nước, quốc tế, thu hút chuyên gia, người Việt Nam thành công ở nước ngoài tham gia hỗ trợ đầu tư cho hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia. Đồng thời, các doanh nghiệp, tập đoàn, địa phương, tổ chức chính trị – xã hội cần tăng cường đặt hàng sử dụng các sản phẩm dịch vụ từ những startup; thúc đẩy phát triển thị trường sản phẩm đổi mới sáng tạo. Đặc biệt, cùng chung tay phát triển nền tảng đổi mới sáng tạo mở quốc gia; kết nối các thành phần trong hệ sinh thái theo mô hình mở; kết nối các dịch vụ hỗ trợ hệ sinh thái trên cùng một nền tảng, chia sẻ thông tin, dữ liệu để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia. “Để hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia phát triển mạnh mẽ, bền vững, cần dự tính sự phát triển của từng thành phần và tính liên kết chặt chẽ của hệ sinh thái với các đối tác trên thế giới, khả năng thu hút các nguồn lực quốc tế cho hệ sinh thái quốc gia”, ông Đạt nhấn mạnh.
Diễn đàn đối thoại cấp cao chủ đề “Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo mở” diễn ra trong khuôn khổ chương trình
Tham dự và phát biểu tại chương trình, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng nhận định, năm 2021 mặc dù có nhiều khó khăn nhưng sự nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của nước ta đã đạt được những kết quả đáng trân trọng và hết sức ý nghĩa. “Sự nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam cũng được xếp thứ 44 trên 135 nước trên thế giới, tuy nhiên chúng ta vẫn chưa đạt được như mong muốn của chính mình, đây là điều quan trọng. Chúng ta còn mong muốn một kết quả tốt hơn, một phong trào khởi nghiệp sáng tạo mạnh mẽ, sâu rộng và hiệu quả hơn nữa”, Thủ tướng Chính phủ nói. Những kết quả đạt được của năm 2021, theo Thủ tướng Chính phủ có một số nguyên nhân. Một là chúng ta bám sát đường lối, chủ trương của Đảng. Thứ hai, chúng ta cụ thể hóa chính sách pháp luật của Nhà nước để thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; có sự nỗ lực, phấn đấu vươn lên của tất cả các chủ thể. Thứ ba, có sự phối hợp liên kết trong và ngoài nước, kết hợp giữa phát huy sức mạnh nội lực với sức mạnh ngoại lực.
Khẳng định bất cứ quốc gia nào, bất cứ thời kỳ nào cũng cần đổi mới sáng tạo và đổi mới sáng tạo vừa là trung tâm vừa là động lực của sự phát triển, Thủ tướng Chính phủ cho rằng hoạt động này phải xuất phát, bám sát và tôn trọng thực tiễn; góp phần làm cho người dân được ấm no, hạnh phúc. Hoạt động đổi mới sáng tạo cũng phải được triển khai đồng bộ, tổng thể, liên thông, toàn diện, bao trùm tất cả bộ, ngành, địa phương; phải thành phong trào không phân biệt già trẻ, vùng miền, giới tính… và phải kết nối với giá trị toàn cầu, với các chuỗi cung ứng toàn cầu để tham gia vào quá trình đổi mới sáng tạo của thế giới.
Bài, ảnh: Mê Tâm
Bình luận (0)