Sau một năm thực hiện tổ chức chính quyền đô thị (TCCQĐT) theo Nghị quyết 131/2020 của Quốc hội tại TP.HCM, nhiều nơi đã phát huy được tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong thực hiện chức trách nhiệm vụ; quyền làm chủ của nhân dân được bảo đảm. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, muốn TCCQĐT thực sự hiệu quả thì cần phải tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, tổ chức bộ máy, nhân lực…
Việc thực hiện chính quyền đô thị tại TP.HCM còn bất cập cần được tháo gỡ
Nhiều người xin nghỉ việc
Nói về những hạn chế, vướng mắc, bất cập trong thực hiện TCCQĐT, ông Huỳnh Thanh Sang – Phó Chủ tịch UBND quận 8 – cho biết, chỉ riêng vấn đề nhân sự đã thấy không ổn. Số lượng cán bộ, công chức được phân bổ cho UBND các phường khi thực hiện TCCQĐT bình quân là 21 người (mỗi phường gồm 15 công chức và 6 cán bộ), thấp hơn so với trước đó nên không phù hợp với vị trí việc làm và khối lượng công việc, quy mô dân số, đặc điểm an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội, quản lý hạ tầng cơ sở trên địa bàn.
Về nhân sự không chuyên trách, theo quy định phường loại I được bố trí 14 người, phường loại II là 12 người; tuy nhiên những người này không đủ khả năng đáp ứng khối lượng công việc mà yêu cầu thực tiễn đặt ra.
Bà Phạm Mai Hoa – Trưởng phòng Nội vụ TP.Thủ Đức – cho biết, Thủ Đức có 7 phường trên 50.000 dân, khi giao biên chế phải cân nhắc giảm công chức tại các phường ít dân đưa về phường đông dân. Lực lượng không chuyên trách công việc nhiều, áp lực cao, lại không được tăng lương như công chức nên nhiều người xin nghỉ việc. Chỉ riêng quý III/2022 đã có đến 20 người nghỉ việc…
Phải có dự phòng ngân sách
Thực hiện TCCQĐT, UBND quận, phường chuyển từ được cấp ngân sách thành đơn vị dự toán. Điều này khiến các quận, phường gặp nhiều khó khăn trong việc chủ động thực hiện những nhiệm vụ cấp bách cũng như không còn nguồn kết dư, dự phòng, tăng thu ngân sách…
Ông Lê Tấn Hồng – Trưởng phòng Tài chính TP.Thủ Đức – cho rằng, không có kết dư thì phường vẫn làm được nhưng phải có dự phòng ngân sách để chi các vấn đề phát sinh, nhất là những vấn đề cấp bách quan trọng về quốc phòng, an ninh, thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh. Theo quy định hiện nay, nếu có phát sinh ngân sách thì các phường phải tổng hợp để phòng tài chính báo cáo UBND TP.Thủ Đức trình HĐND TP.Thủ Đức xem xét, giải quyết. Điều này sẽ thiếu đi tính kịp thời và chủ động.
“Thủ Đức có 34 phường, mỗi phường có đặc điểm khác nhau. Lúc xảy ra tình huống cấp bách cần đến ngân sách chăm lo mà phải trình, đợi thời gian phê duyệt, giải quyết thì rất khó. Những việc này cũng không thể đòi hỏi chủ tịch phường bỏ tiền túi ra giải quyết”, ông Hồng nói.
Tại quận 3, ông Võ Văn Đức – Chủ tịch UBND quận – nhấn mạnh, TCCQĐT giúp lãnh đạo tập trung, chỉ đạo quyết liệt và đi thẳng vào các vấn đề ở cơ sở. Song luật pháp chưa đồng bộ dẫn đến việc không thể thực hiện được một số nhiệm vụ chính trị của địa phương.
“Thiết nghĩ, những dự án dân sinh nên phân cấp ủy quyền cho chủ tịch quận thực hiện. Nếu làm sai thì chủ tịch chịu trách nhiệm, như vậy mới tăng được quyền và trách nhiệm của người đứng đầu trong quá trình chỉ đạo, điều hành. Cụ thể như việc giải quyết công trình hơn 3 tỷ đến 4 tỷ đồng phải báo cáo tập trung về TP, sau đó nếu để Sở Xây dựng gom lại xét duyệt thì có khi đến cuối nhiệm kỳ cũng chưa xong…”, ông Đức nói.
Một người đang làm việc của 3 người
TP.Thủ Đức được định hướng phát triển thành khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông. Tuy nhiên, hiện Thủ Đức vẫn chưa có nhiều điều kiện thuận lợi để có thể phát triển đúng định hướng.
Theo ông Võ Tấn Quan – Chánh Văn phòng UBND TP.Thủ Đức – thì Thủ Đức cần được tăng thẩm quyền, có đủ thẩm quyền để quyết định vấn đề quản lý Nhà nước trên địa bàn mới chủ động và làm tốt công việc. Từ khi thành lập đến nay, Thủ Đức đã chủ động đề xuất với TP.HCM tăng thẩm quyền và đề xuất Trung ương ban hành cơ chế chính sách đặc thù cho địa phương. Mặt khác, để quản lý, vận hành một TP có quy mô hành chính lớn nhất cả nước với 34 phường thì phải có cơ chế đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Cơ chế đó không khác gì phân cấp ủy quyền, là cốt lõi đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ theo mô hình mới hiện nay.
“Trước đây để giải quyết các công việc của 3 quận (quận 2, 9 và Thủ Đức) có 12 đồng chí lãnh đạo nhưng bây giờ chỉ có 4 đồng chí. Như vậy, hiện một người đang làm khối lượng công việc của 3 người cũ. Nếu có cơ chế thì việc này được trải đều về phường, tăng tính tự chủ, tự quyết cho các phường trong quá trình tham gia công tác quản lý trên địa bàn”, ông Quan nói.
Hiện TP.Thủ Đức đã phân cấp, ủy quyền 86 nội dung cho UBND các phường, trong đó có 77 nội dung ủy quyền và 9 nội dung phân cấp.
Trinh Nguyễn
Bình luận (0)