ĐH Quốc gia Hà Nội dự kiến năm 2022 tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực nhiều đợt từ tháng 2 đến tháng 8 ở nhiều tỉnh/thành, trong đó có TP.HCM. Hiện đã có gần 50 cơ sở giáo dục ĐH đề nghị ĐH Quốc gia Hà Nội chia sẻ kết quả thi này phục vụ công tác xét tuyển.
Thí sinh thi đánh giá năng lực năm 2021
Dữ liệu phân tích kết quả thi năm 2021 cho thấy bài thi này là công cụ hữu hiệu để đánh giá năng lực học sinh sau tốt nghiệp THPT, phục vụ tuyển sinh và dự báo kết quả học tập bậc ĐH, tư vấn cho hoạt động dạy – học, dự báo chất lượng nhân lực cũng như hướng nghiệp cho học sinh…
Thí sinh nghèo, khó khăn được miễn lệ phí
Theo thông tin công bố trên website ĐH Quốc gia Hà Nội, dự kiến kỳ thi đánh giá năng lực năm 2022 được ĐH này tổ chức theo quy trình chuẩn hóa thi trên máy tính. Các đợt thi được thực hiện từ tháng 2 đến tháng 8 tại nhiều tỉnh/thành trong cả nước như: Hà Nội, Hải Dương, Nam Định, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng, TP.HCM (tùy theo mức độ kiểm soát dịch Covid-19). Bài thi được thiết kế để đánh giá 3 nhóm năng lực chính của học sinh tốt nghiệp chương trình THPT gồm: Sáng tạo và giải quyết vấn đề; năng lực toán, tiếng Việt, tư duy ngôn ngữ, lập luận, logic, tính toán và xử lý số liệu; tự khám phá và ứng dụng công nghệ/khoa học (tự nhiên – xã hội). Năm 2022, bài thi sẽ có tính phân loại cao; hướng tới tương quan thuận với kết quả thi tốt nghiệp THPT nhưng có độ khó, tính phân loại cao hơn; sẵn sàng phục vụ tuyển sinh ĐH và xét tuyển nhiều đợt. ĐH Quốc gia Hà Nội sẽ tăng cường sử dụng kết quả bài thi đánh giá năng lực để làm cơ sở tuyển sinh trong năm 2022. Bên cạnh đó, các đơn vị đào tạo sẽ chủ động bổ sung thêm những phương thức xét tuyển phù hợp khác để tuyển sinh thích hợp với ngành đặc thù. Nhiều ngành có thể xét kết quả thi đánh giá năng lực lên đến 40% chỉ tiêu so với các phương thức xét tuyển khác. Để tạo điều kiện cho tất cả thí sinh có nhu cầu có thể tham gia dự thi, ĐH Quốc gia Hà Nội sẽ hỗ trợ 50% kinh phí cho các em. Thí sinh hộ nghèo, hộ cận nghèo, có hoàn cảnh gia đình khó khăn được miễn lệ phí.
Gần 50 trường ĐH xét kết quả thi đánh giá năng lực
ĐH Quốc gia Hà Nội cũng tính toán việc triển khai xây dựng phần mềm xét tuyển chung cho khối trường ĐH sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực phục vụ tuyển sinh. ĐH này mong muốn nhận được sự tham gia của các trường ĐH trong toàn quốc nhằm tạo hiệu ứng xã hội tốt để tăng chất lượng, phối hợp sử dụng kết quả thi hoặc phối hợp tổ chức thi. Đặc biệt, ĐH Quốc gia Hà Nội cam kết chịu trách nhiệm về chất lượng và tính khách quan trong bài thi đánh giá năng lực. Các đơn vị đào tạo hoàn toàn chủ động được cấp độ tham gia. Bên cạnh đó, ĐH Quốc gia Hà Nội sẽ tạo cơ chế hợp tác với các trường ĐH cùng chia sẻ cơ sở dữ liệu thi, địa điểm thi tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh và mục đích tuyển sinh của từng đơn vị.
TRƯỜNG ĐH QUỐC TẾ TUYỂN SINH 6 PHƯƠNG THỨC Theo đó, với 6 phương thức xét tuyển, năm 2022, Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM) dự kiến tuyển 3.260 chỉ tiêu. Trong đó, các ngành do trường cấp bằng là 2.120 chỉ tiêu và 1.140 chỉ tiêu cho chương trình liên kết. Số chỉ tiêu này được phân bổ cho 21 ngành ĐH chính quy (học 4 năm tại Việt Nam do Trường ĐH Quốc tế cấp bằng) và 24 chương trình đào tạo liên kết do trường ĐH đối tác nước ngoài (Hoa Kỳ, Anh, Úc, New Zealand) cấp bằng. Cụ thể, 6 phương thức tuyển sinh dự kiến gồm: Xét kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2022 từ 50% đến 80% chỉ tiêu; xét tuyển học sinh giỏi các trường THPT (ưu tiên xét tuyển theo quy định của ĐH Quốc gia TP.HCM) 15% chỉ tiêu. Riêng phương thức xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển theo quy định của Bộ GD-ĐT và xét tuyển thẳng thí sinh giỏi nhất trường THPT năm 2022 chiếm khoảng 1% chỉ tiêu. Phương thức xét kết quả thi đánh giá năng lực năm 2022 của ĐH Quốc gia TP.HCM chiếm 10-30%. Từ 5-10% chỉ tiêu xét tuyển thí sinh có chứng chỉ tú tài quốc tế; thí sinh tốt nghiệp THPT và có chứng chỉ tuyển sinh quốc tế (SAT, ACT, IB, A-Level, AP, ATAR…); thí sinh là người nước ngoài hoặc người Việt Nam đã tốt nghiệp chương trình THPT ở nước ngoài hoặc THPT do nước ngoài cấp bằng tại Việt Nam. Còn phương thức xét học bạ THPT sẽ chiếm 10-20% chỉ tiêu, dành cho các chương trình liên kết, dự kiến xét 2 đợt/năm. |
Đến thời điểm hiện tại, đã có gần 50 cơ sở giáo dục ĐH đề nghị ĐH Quốc gia Hà Nội chia sẻ tài nguyên, kết quả thi đánh giá năng lực phục vụ công tác tuyển sinh năm 2022. Nếu càng nhiều trường ĐH tham gia sử dụng kết quả kỳ thi thì tính cộng hưởng và hiệu ứng xã hội càng cao; các trường càng tuyển được nhiều thí sinh có năng lực phù hợp yêu cầu của từng ngành, từng chương trình đào tạo. Dự kiến năm 2022, ĐH Quốc gia Hà Nội xét tuyển 3 phương thức chính với nhiều đợt khác nhau là: Xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển; xét kết quả thi tốt nghiệp THPT 2022; xét tuyển các phương thức khác trong đó ưu tiên kết quả thi đánh giá năng lực của chính ĐH này.
Bài, ảnh: Việt Ngân
Bình luận (0)