Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Giáo dục không phải để tạo ra những cỗ máy vô cảm

Tạp Chí Giáo Dục

Trước sự kiện một thí sinh (là học sinh giỏi) trượt tốt nghiệp do ngủ quên trong phòng thi khoảng 40 phút nhưng giám thị không nhắc nhở, ông Tạ Thanh Vũ (Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Cà Mau) trả lời báo chí có nói rằng: “Cán bộ coi thi đã làm đúng quy chế – Theo quy chế, giám thị không được tiếp xúc gần thí sinh”. Lại là một câu chuyện “đúng quy trình” và “quy chế”. Nhưng, trong quy chế của Bộ GD-ĐT, không có câu chữ nào cấm giám thị nhắc nhở, giúp đỡ thí sinh trong những trường hợp đặc biệt. Hãy tưởng tượng thí sinh bị sự cố bất ngờ, đau đớn kêu cứu, nôn thốc nôn tháo, máu me bê bết, nhưng giám thị vẫn bỏ mặc, ngồi tại chỗ, vì áp dụng quy chế “không được tiếp xúc gần thí sinh?”. Không có quy chế nào cao hơn tình người, sức khỏe, tính mạng con người. Luật cấm xe máy chở kẹp 3, trừ trường hợp chở người đi cấp cứu. Luật pháp quy định không xử phạt hành chính trường hợp bất khả kháng, trong đó có những việc vì để cứu người, ví dụ vượt đèn đỏ, chạy quá tốc độ… để cứu người. Mọi giám thị đều có trách nhiệm giám sát, quan sát khi thí sinh làm bài, xử lý ngay các trường hợp bất thường. Nếu ngoài khả năng thì báo cáo cấp trên xử lý. Đó là nguyên tắc mọi giám thị đều biết. Thí sinh nằm gục trên bàn (ngủ) trong giờ làm bài thi là trường hợp bất thường. Giám thị phải có trách nhiệm kiểm tra, xem xét và xử lý. Nếu em ngủ quên, thì nhắc em dậy làm bài. Nếu em ốm, có thể tiếp thuốc hoặc áp dụng các biện pháp hỗ trợ y tế, cấp cứu. Đây mới là “quy trình” chuẩn. Trong phòng thi có 2 giám thị, ngoài ra còn có giám thị hành lang, lãnh đạo điểm thi kiểm tra, cấp trên về (đột xuất). Tất cả đều có trách nhiệm giám sát và xử lý, hỗ trợ các trường hợp bất thường của thí sinh. Lại thêm có mấy chục thí sinh khác cùng phòng. Nếu thấy bạn nằm gục trên bàn (chưa biết nguyên nhân), phải có ý kiến với giám thị đề nghị xem xét, hỗ trợ. Nhưng tất cả đều im lìm, trong 40 phút trôi qua, tiếng chuông báo hết giờ vang lên, và em thí sinh kia bừng tỉnh dậy, tiếc nuối và bàng hoàng vì đã không thể làm gì. Cũng may là em chỉ trượt tốt nghiệp, chậm tí thì năm sau em vẫn thi lại và đạt điểm cao; chứ nếu xảy ra chuyện gì thì đau xót vô cùng.

Vụ việc lãnh đạo sở thấy “đúng quy trình”; nhiều người thấy vô cảm, vô trách nhiệm. Không chỉ trách mà phải kỷ luật nặng các giám thị, đồng thời những thí sinh ngồi cạnh, biết rõ bạn nằm gục trên bàn mà vẫn cúi trốc làm bài, im như hến, cũng cần xem lại cái gọi là “kỹ năng sống”. Kỹ năng sống không phải là kỹ thuật, mưu mẹo để tối ưu hóa lợi ích cá nhân, mà quan trọng hơn hết là tình người, ý thức vì cộng đồng. Cái đó các em rất thiếu, mà cũng không trách các em được, vì thầy cô cũng còn có người bị hội chứng vô cảm!

Giáo dục phải lấy con người làm mục tiêu, tình người, nhân cách làm nền tảng. Một khi những người trong môi trường giáo dục còn vô cảm thì giáo dục sẽ thất bại.

Trn Đi Quang (Ngh An)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)