Đây là nhấn mạnh của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại lễ kỷ niệm 550 năm Danh xưng Quảng Nam.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại lễ kỷ niệm 550 năm Danh xưng Quảng Nam
Vùng đất địa linh nhân kiệt
Trong tiến trình phát triển của dân tộc, Quảng Nam là vùng đất được lịch sử ghi nhận trên con đường khai mở về phương Nam của nhiều thế hệ người Việt. Năm 1471, vua Lê Thánh Tông chính thức đặt tên Đạo Thừa tuyên Quảng Nam. Từ đây danh xưng Quảng Nam chính thức ra đời. Trải qua thăng trầm lịch sử, vùng đất này với nhiều tên gọi khác nhau, địa giới hành chính nhiều lần thay đổi: Từ Đạo Thừa tuyên Quảng Nam đến Xứ Quảng Nam, Trấn Quảng Nam, Dinh Quảng Nam và ngày nay là Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định.
Xứ Quảng có truyền thống văn hóa lâu đời, được giao thoa, đan xen, kế thừa và hội tụ các nền văn hóa Sa Huỳnh, Chăm Pa, Đại Việt trong tiến trình dân tộc mở cõi về phương Nam. Với nhiều di sản văn hóa thế giới vật thể, phi vật thể như: Phố cổ Hội An, Khu di tích Mỹ Sơn, nghệ thuật Bài chòi. Nhiều lễ hội, nghệ thuật đặc sắc giữ gìn được những nét tinh hoa văn hóa của dân tộc như: Múa hát bá trạo, lễ hội Cầu ngư, nghệ thuật Hát bội… đã được bảo tồn và lưu giữ.
Cảng thị Hội An từng là nơi phồn thịnh nhất Đàng Trong, có sự giao lưu với các nền văn hóa lớn trên thế giới trong quá trình mở cửa giao thương kinh tế quốc tế qua đường biển. Đặc biệt xứ Quảng là chiếc nôi khai sinh ra chữ Quốc ngữ của Việt Nam ngày nay.
Được mệnh danh là vùng đất “địa linh nhân kiệt”; nơi sản sinh cho đất nước nhiều anh hùng kiệt xuất, chí sĩ yêu nước, trí thức, nhà khoa học, lãnh tụ cách mạng, tiêu biểu như: Quang Trung, Phạm Phú Thứ, Hoàng Diệu, Trần Cao Vân, Thái Phiên, Trần Quý Cáp, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Phạm Văn Đồng, Võ Chí Công, Hoàng Tụy… Người dân Quảng Nam từ bao đời nay, dù phải chắt chiu từng hạt gạo nhưng vẫn lấy sự học làm trọng và là một trong những vùng đất học nổi tiếng của cả nước với các danh hiệu để tiếng thơm muôn đời như: “Ngũ tử đăng khoa”, “Ngũ phụng tề phi”, “Tứ hổ”, “Tứ kiệt”. Trong đấu tranh chống kẻ thù xâm lược, Quảng Nam là mảnh đất “Trung dũng kiên cường”. Trong truyền thống nhân văn, Quảng Nam là “đất nặng nghĩa tình”, “chưa mưa đà thấm”…
Trải qua hai cuộc kháng chiến, quân và dân Quảng Nam anh dũng kiên cường góp phần cùng với cả nước làm nên chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất nước nhà. Năm 1997, Quảng Nam chia tách với TP.Đà Nẵng. Quảng Nam đã tự lập, chủ động, sáng tạo trong tư duy, có sự phát triển vượt bậc. Quy mô nền kinh tế đạt hơn 102 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 40 lần so với ngày đầu tái lập. Tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt khoảng 68 triệu đồng, gấp 38 lần so với năm 1997…
Phát huy tiềm năng và thế mạnh
Tại hội thảo “Quảng Nam – 550 năm hình thành và phát triển”, tổ chức nhân kỷ niệm 550 năm xứ Quảng, nhiều nhà khoa học cho rằng, với những lợi thế của mình, Quảng Nam cần tư duy về hướng biển để phát triển và bảo tồn, gìn giữ nét văn hóa đặc sắc. GS.TS Nguyễn Thị Phương Châm – Viện Nghiên cứu Khoa học xã hội – nhìn nhận, cần chú trọng bảo vệ môi trường, đa dạng sinh thái vì mỗi loại hình sinh thái này đều gắn với các loại hình văn hóa đặc trưng.
PGS.TS Bùi Nhật Quang – Chủ tịch Viện Hàn Lâm Khoa học xã hội Việt Nam – cho rằng, việc hình thành đất Quảng Nam đã tạo ra cánh cửa phát triển lớn cho quốc gia Đại Việt. Quá trình phát triển hướng về phía Nam, người Quảng Nam có tư duy phát triển hướng về biển. Việc tiếp thu các giá trị văn hóa từ Sa Huỳnh, Chăm Pa đã tạo ra tư duy hướng biển. Do vậy trong hướng phát triển, Quảng Nam cần quan tâm kỹ hơn, sâu hơn đến việc quản lý bờ biển, đường bờ biển. Trong phát triển kinh tế, cần quan tâm đến các vấn đề văn hóa. Nền tảng văn hóa tốt tạo tính bền vững cho quá trình phát triển kinh tế. Làm thế nào để biến văn hóa là nền tảng tinh thần, căn cứ, điểm tựa cho sự phát triển xã hội.
“Lịch sử 550 năm hình thành và phát triển của Quảng Nam được phản ánh qua quá trình lịch sử, phát triển kinh tế – xã hội. Việc nhận diện các giá trị, di sản, nguồn lực, bản sắc của vùng đất này là một việc làm hết sức quan trọng. Từ đó đánh giá những thế mạnh, cơ hội, vị trí và vai trò của vùng đất này; đồng thời chỉ ra những rào cản, điểm nghẽn cần phải khơi thông để giúp Quảng Nam phát triển nhanh, mạnh, bền vững, phát huy những giá trị vốn có của vùng đất Quảng Nam nhiều hơn nữa”, PGS.TS Bùi Nhật Quang nhận định.
Phố cổ Hội An ghi dấu bề dày lịch sử văn hóa mảnh đất xứ Quảng
Theo Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Quảng Nam là vùng đất địa linh nhân kiệt với bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa rất đáng tự hào. Thời gian tới, cần tiếp tục phát huy tốt hơn nữa những tiềm năng và lợi thế hiếm của một tỉnh nằm ở trung tâm vùng kinh tế trọng điểm Trung bộ. Trong đó tập trung phát triển mạnh về công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến – chế tạo, du lịch và nông nghiệp công nghệ cao nhằm kiến tạo động lực tăng trưởng mới cho tỉnh nhà; đồng thời cùng đóng góp vào sự phát triển chung của vùng và cả nước. Song song đó cải thiện môi trường đầu tư theo chuẩn quốc tế nhằm thu hút FDI có chất lượng, thúc đẩy mạnh mẽ kinh tế tư nhân, hỗ trợ kinh tế hợp tác cùng phát triển; đầu tư và phát huy vốn con người, tăng cường chi tiêu cho khoa học công nghệ, chuyển đổi số, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khuyến khích tinh thần khởi nghiệp.
“Quảng Nam cần phát huy giá trị lịch sử, truyền thống văn hóa như tinh thần Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc: “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc của dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn”. Quảng Nam là một tỉnh đa dạng về văn hoá, có nhiều vi mạch quý cho bảng mạch văn hoá đa sắc màu của Việt Nam; nhiều làng nghề nổi tiếng là kết tinh của những giá trị hữu hình và vô hình, là nguồn lực quý giá cho phát triển du lịch của Quảng Nam, của miền Trung và của cả nước. Thúc đẩy nhanh các sáng kiến, chương trình, dự án liên kết vùng, phát huy các tiềm năng, lợi thế của vùng liên kết, hạn chế những nguy cơ, thách thức, đóng góp tích cực và cụ thể hơn nữa vào sự phục hồi, phát triển kinh tế”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Vĩnh Yên
Bình luận (0)